Dự án cải thiện an ninh lương thực cho các hộ nông dân sản xuất quy mô nhỏ tại các huyện miền núi của tỉnh do Tổ chức Cứu trợ, lao động quốc tế (FIDR, Nhật Bản) phối hợp với Sở NN&PTNT triển khai từ năm 2012 đã kết thúc với nhiều kết quả nổi bật, giúp giải quyết thành công bài toán thiếu đói tại một số vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Hệ thống canh tác mới
Qua 3 năm triển khai (4.2012 - 9.2015), dự án “Cải thiện an ninh lương thực cho các hộ nông dân sản xuất quy mô nhỏ” thực hiện tại 3 huyện miền núi Đông Giang, Tây Giang và Nam Giang đã thực sự mang đến những chuyển biến mới. Một trong những thành công quan trọng của dự án là đã chuyển giao kỹ thuật Hệ thống canh tác lúa cải tiến (SRI) cho người dân thông qua phương pháp lớp học hiện trường với 5 bước cơ bản gồm cấy mạ non; cấy thưa, cấy một dảnh nhằm đảm bảo không gian và ánh sáng đồng đều; phòng trừ cỏ dại kịp thời; quản lý nước và bổ sung phân hữu cơ là phân xanh và phân bokashi (phân hữu cơ lên men được làm bằng trái cây chín và đường).
Đặc biệt, thông qua các lớp học hiện trường, người dân không chỉ được tiếp thu trực tiếp những kiến thức kỹ thuật nhằm nâng cao năng suất lúa mà còn được đào tạo chọn lọc để hình thành một nhóm nông dân nòng cốt từ những nông dân tiêu biểu. Đây là những người được trang bị đầy đủ kiến thức và kỹ năng làm việc nhóm để trở thành lực lượng “giảng viên” thay mặt các cấp chuyển tải SRI từ lớp học ra đến đồng ruộng một cách linh hoạt. Hiện tại, dự án đã xây dựng được đội ngũ nông dân nòng cốt tại mỗi địa phương (từ 3 đến 5 người/xã) nhằm trực tiếp vận động tuyên truyền bà con duy trì các phương pháp kỹ thuật canh tác mới, kể cả sau khi dự án kết thúc.
Nhiều cánh đồng tại huyện Đông Giang áp dụng kỹ thuật canh tác SRI, giúp nâng cao năng suất lúa.Ảnh: T.V.L |
Trong hội thảo “Cải thiện an ninh lương thực cho các hộ nông dân sản xuất quy mô nhỏ tại miền Trung Việt Nam” với sự tham dự của các cấp ngành nông nghiệp và các chuyên gia nghiên cứu vừa diễn ra tại Đà Nẵng, hầu hết đại biểu đều khẳng định, việc áp dụng SRI đã thật sự tạo ra những chuyển biến mới trong nhận thức người dân về thâm canh cây lúa. Theo PGS-TS. Hoàng Văn Phụ - Giám đốc Trung tâm Hợp tác quốc tế (Trường Đại học Thái Nguyên), SRI chính là một cuộc “cách mạng xanh” và “nông nghiệp hiện đại” thể hiện qua việc đột phá về năng suất, hiệu quả về bảo vệ môi trường, nhất là nâng cao hiệu quả, tạo cơ hội cho nông dân lựa chọn và nâng cao năng lực. “SRI đã giúp tiết kiệm giống 70 - 90%, tiết kiệm nước 40 - 60%, giảm công, không thuốc trừ cỏ, giảm thuốc trừ sâu, tăng năng suất chất lượng gạo, tăng hiệu quả sản xuất, giảm gánh nặng cho phụ nữ, nhất là tăng kết cấu cộng đồng, thúc đẩy nông thôn mới…” - PGS-TS. Hoàng Văn Phụ phân tích.
Mở rộng quy mô canh tác
Dù mới chỉ chính thức triển khai ở 14 xã thuộc 3 huyện miền núi là Đông Giang, Tây Giang và Nam Giang, nhưng thực tế tại những vùng lân cận diện tích lúa mà người dân áp dụng mô hình này đã tăng khá nhiều. Thống kê cho thấy, đối tượng hưởng lợi trực tiếp từ dự án đã lên đến trên 29.600 người và gián tiếp là trên 67 nghìn người. Nếu như vụ đầu tiên năm 2012 chỉ có 72 hộ đồng ý làm theo dự án thì đến nay con số này đã tăng lên hơn 600 hộ. Tại huyện Đông Giang, số lượng người dân ứng dụng SRI trong vụ hè thu 2015 tại các vùng dự án đã tăng 80% so với vụ trước. Riêng thôn Phú Mưa (xã Jơ Ngây), 100% hộ dân đã ứng dụng kỹ thuật SRI từ mùa thứ 3. Cùng với đó, diện tích đất canh tác theo phương pháp mới tại huyện Đông Giang cũng tăng từ 1,62ha (năm 2012) lên 87ha (năm 2015), năng suất lúa cũng tăng bình quân 35 - 60 tạ/ha. Tương tự, tại các huyện Tây Giang, Nam Giang hiệu quả từ phương pháp cải tiến canh tác mới cũng đã mang lại những kết quả rõ nét với năng suất lúa tăng từ 29,5 tạ/ha lên 40 tạ/ha (ở Tây Giang). Cá biệt một số thôn tại Nam Giang như Đồng Râm (Thạnh Mỹ) trong vụ đông xuân 2013 - 2014 tăng 22 tạ/ha (từ 43 lên 65 tạ) hay Pà Rồng (Cà Dy) tăng 18 tạ/ha (từ 36 lên 54 tạ)...
Theo ông Lê Muộn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, nhiều địa phương muốn mở rộng dự án ra các xã khác nhưng tỉnh đang cân nhắc. Cái khó nhất của dự án chính là thay đổi tập quán canh tác của đồng bào, nên trong chặng đường hai của dự án sẽ tiếp tục tuyên truyền vận động đồng bào thay đổi tập quán canh tác. Ở giai đoạn 2 (2015 - 2019), dự án vẫn tiếp tục tập trung vào miền núi, cụ thể là mở rộng ra thêm 3 huyện là Nam Trà My, Bắc Trà My và Hiệp Đức. |
Ông Hồ Quang Minh - Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Giang khẳng định, đây là dự án rất hiệu quả, nhất là trong việc nâng cao năng lực sản xuất của người dân chuyển từ quảng canh sang thâm canh, giúp đảm bảo an ninh lương thực tại chỗ của huyện. Thời gian qua bên cạnh hỗ trợ của dự án, huyện cũng đã phân bổ ngân sách cho Trạm Khuyến nông - khuyến lâm để tiến hành tổ chức tập huấn kỹ thuật cho nông dân nhằm tiếp tục duy trì và mở rộng diện tích canh tác lúa SRI. “Trên cơ sở thành công của cây lúa, tôi nghĩ có thể mở rộng ra các loại cây khác như cây bắp, vì diện tích những cây trồng này rất nhiều nhưng năng suất lại khá thấp” - ông Minh nói.
Tuy vậy, theo bà Phạm Thị Như - Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Giang, mô hình canh tác lúa SRI dù có ưu điểm như giống ít, phân ít, năng suất cao nhưng bù lại cũng bộc lộ vài hạn chế như nguồn nước phải được chủ động, nông dân tốn công tương đối nhiều do phải thực hiện đúng kỹ thuật, ngoài ra mô hình này cũng chỉ thực hiện được ở miền núi vì diện tích nhỏ, nằm ở thung lũng, rồi tập quán canh tác của người dân… “Đây là những trở ngại của SRI do tốn nhiều công sức mà đồng bào thì thích làm lúa nương rẫy, gạo ngon lại không phải cúi xuống mỏi lưng như làm lúa nước nên việc quản lý sau dự án là rất khó” - bà Như phân tích.
Bà Nobuko Otsuki - Trưởng đại diện FIDR tại Việt Nam cho biết rất hài lòng với kết quả dự án mang lại vì đã thiết lập được một mô hình an ninh lương thực vững chắc, giúp người dân dần dần cải thiện đời sống. “Tôi mong muốn tạo cơ hội nhiều hơn nữa cho người dân tộc thiểu số để họ học tập, chia sẻ, từ đó nâng cao sinh kế, cải thiện đời sống của đồng bào” - bà Nobuko Otsuki nói.
THÂN VĨNH LỘC