Xã hội

Mô hình dân vận ngăn chặn ma túy học đường góp phần bảo vệ thế hệ trẻ

MỸ LINH 29/11/2024 15:39

(QNO) - Từ tháng 10/2024 đến nay, mô hình dân vận “Phòng ngừa, ngăn chặn ma túy xâm nhập học đường” ra mắt tại 29 trường THPT, THCS trên địa bàn tỉnh, góp phần nâng cao nhận thức và trách nhiệm của học sinh, nhà trường, gia đình trong việc ngăn ngừa tệ nạn ma túy xâm nhập học đường.

dscf3090.jpg
Ra mắt Tổ tự quản phòng ngừa, ngăn chặn ma túy xâm nhập học đường tại Trường THPT Thái Phiên (Thăng Bình). Ảnh: M.L

Thực trạng đáng lo ngại

Những năm gần đây, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp và đang có chiều hướng gia tăng về số vụ và quy mô tội phạm, năm sau luôn cao hơn năm trước. Thống kê của Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy Công an tỉnh Quảng Nam, năm 2024, công an đã phát hiện và bắt giữ 217 vụ với 388 đối tượng phạm tội về ma túy.

Tính đến ngày 15/11/2024, có 170/241 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh có tệ nạn ma túy với 755 người nghiện được quản lý. Đáng báo động, độ tuổi sử dụng ma túy đang trẻ hóa, trong đó 26,8% ở độ tuổi 12-30, từ 30 tuổi trở lên chiếm 73,2%, tập trung vào nhóm đối tượng không có việc làm hoặc có việc làm nhưng không ổn định.

Hiện nay số người sử dụng trái phép ma túy tổng hợp (ma túy đá) có chiều hướng tăng và khó kiểm soát. Một số đối tượng có biểu hiện loạn thần “ngáo đá” xâm phạm trật tự xã hội, thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe của người khác và bản thân họ.

Đáng nói là các loại ma túy "núp bóng" dưới hình thức sản phẩm tiêu dùng như thuốc lá điện tử, kẹo, "trà sữa", "nước vui" đã lan rộng từ thành thị đến vùng nông thôn và miền núi, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến trật tự xã hội. Việc gia tăng người sử dụng ma túy tổng hợp, đồng thời nhiều loại ma túy khác nhau, đặt ra thách thức không nhỏ trong công tác quản lý và phòng, chống tệ nạn.

Trước tình hình đó, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy Công an tỉnh phối hợp Phòng Công tác học sinh - sinh viên (Sở GD-ĐT) tham mưu xây dựng mô hình dân vận “Phòng ngừa, ngăn chặn ma túy xâm nhập học đường”, nhằm huy động sự vào cuộc của toàn xã hội, đặc biệt là trong môi trường giáo dục, để chủ động ngăn chặn hiểm họa ma túy từ gốc rễ.

dscf3169.jpg
Tuyên truyền ngăn ngừa ma túy xâm nhập học đường. Ảnh: M.L

Ngăn chặn ma túy xâm nhập học đường

Trường THPT Thái Phiên (Thăng Bình) nằm ở vùng ven của thị trấn Hà Lam - địa phương có tình hình tội phạm về ma túy khá phức tạp khi lực lượng công an liên tiếp phát hiện, bắt giữ các đối tượng phạm tội về ma túy.

Thầy giáo Đoàn Thanh Liêm - Hiệu trưởng Trường THPT Thái Phiên cho biết, nhận thức được vai trò, trách nhiệm trong việc ngăn chặn tệ nạn ma túy xâm nhập học đường, nhà trường luôn quan tâm, nhắc nhở các em học sinh. Do vậy, việc ra mắt mô hình dân vận này rất quan trọng.

"Mô hình này không chỉ giúp nhà trường nhận thức sâu sắc hơn về trách nhiệm của mình mà còn trang bị kiến thức, kỹ năng cần thiết để học sinh hiểu rõ tác hại của ma túy. Qua đó, các em sẽ ý thức được rằng, ma túy là “cái chết trắng”, là “con đĩa 2 vòi” không chỉ phá hủy sức khỏe cá nhân mà còn làm suy kiệt kinh tế và gây ra bi kịch gia đình” - thầy Liêm chia sẻ.

dscf3208.jpg
Một em học sinh chia sẻ hiểu biết của mình về ma túy và tác hại của tệ nạn này. Ảnh: M.L

Thầy Liêm cho biết thêm, để mô hình đạt hiệu quả, thời gian tới, nhà trường chú trọng các hoạt động tuyên truyền thông qua sinh hoạt dưới cờ, sân khấu hóa và lồng ghép trong các môn học giáo dục địa phương, giúp các em học sinh nhận thức rõ tác hại của ma túy và tránh xa tệ nạn này.

[VIDEO] - Thầy giáo Đoàn Thanh Liêm - Hiệu trưởng Trường THPT Thái Phiên chia sẻ về mô hình dân vận phòng ngừa, ngăn chặn ma túy xâm nhập học đường.

Theo kế hoạch, mô hình dân vận “phòng ngừa, ngăn chặn ma túy xâm nhập học đường” sẽ được triển khai tại 57 trường học trên địa bàn tỉnh, bao gồm các trường THPT, THCS, phổ thông dân tộc nội trú và phổ thông nhiều cấp học từ tháng 10/2024 đến tháng 12/2025. Sau giai đoạn đầu, hiệu quả mô hình sẽ được đánh giá để nhân rộng trong tương lai.

Thiếu tá Lê Văn Thắng - Đội trưởng Đội 1 Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy cho biết, để triển khai hiệu quả mô hình, mỗi trường sẽ thành lập 1 tổ tự quản gồm đại diện lãnh đạo, giáo viên và học sinh của trường. Các tổ này sẽ đóng vai trò giám sát, tổ chức tuyên truyền và báo cáo kịp thời khi phát hiện các vấn đề liên quan đến ma túy. Lực lượng công an cũng sẽ hỗ trợ cung cấp tài liệu, kỹ năng tuyên truyền, đồng thời thiết lập đường dây nóng để xử lý nhanh chóng các tình huống phát sinh.

[VIDEO] - Chia sẻ của em Trần Thảo My, Trường THPT Thái Phiên (Thăng Bình) về mô hình dân vận phòng ngừa, ngăn chặn ma túy xâm nhập học đường.

Theo Thượng tá Lê Tự Pháo - Phó Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, mô hình dân vận này là cách làm cụ thể, thiết thực để phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là vai trò nêu gương của cấp ủy, Ban giám hiệu các trường học. Kỳ vọng mô hình mang lại sự chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động của cộng đồng, nhất là trong môi trường giáo dục với mục tiêu phòng ngừa, kiên quyết không để tội phạm, tệ nạn ma túy xâm nhập vào trường học.
Thượng tá Lê Tự Pháo cũng kỳ vọng, mô hình dân vận này không chỉ dừng lại ở việc tuyên truyền mà còn tạo nền tảng cho sự phối hợp đồng bộ giữa các ngành, các cấp, không chỉ hướng đến việc phòng ngừa ma túy mà còn tạo môi trường học đường lành mạnh, giúp học sinh phát triển toàn diện về thể chất lẫn tinh thần.
Những kiến thức, kỹ năng được trang bị thông qua mô hình sẽ giúp các em biết tự bảo vệ mình của ma túy, đồng thời trở thành những “đại sứ” tuyên truyền phòng, chống ma túy trong gia đình và cộng đồng.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Mô hình dân vận ngăn chặn ma túy học đường góp phần bảo vệ thế hệ trẻ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO