Mô hình hợp tác xã nông nghiệp: Cần sự chuyển biến mạnh mẽ

NHÃ PHƯƠNG 27/06/2017 08:54

Những năm gần đây, nhiều hợp tác xã nông nghiệp (HTXNN) trên địa bàn tỉnh đã tập trung củng cố bộ máy, đa dạng hóa các loại hình dịch vụ nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất - kinh doanh, góp phần thúc đẩy kinh tế hộ phát triển và xây dựng nông thôn mới. Thời gian tới, để phát triển mạnh mẽ hơn nữa, cần có thêm nhiều giải pháp, chính sách, cơ chế hỗ trợ phù hợp cho lĩnh vực kinh tế này.

Với vai trò cầu nối, nhiều hợp tác xã nông nghiệp thực hiện khá tốt việc liên kết tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm và nâng cao hiệu quả sản xuất. Ảnh: N.P
Với vai trò cầu nối, nhiều hợp tác xã nông nghiệp thực hiện khá tốt việc liên kết tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm và nâng cao hiệu quả sản xuất. Ảnh: N.P

Nhà nông hưởng lợi

Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Giám đốc HTXNN 1 Điện Phước (Điện Bàn) cho biết, đơn vị thành lập từ tháng 10.1978 và chính thức chuyển đổi mô hình hoạt động theo Luật HTX 2012 vào tháng 4.2014. Hàng năm nông dân trên địa bàn HTX canh tác gần 600ha lúa. Trước đây, các thành viên của đơn vị chủ yếu sản xuất lương thực theo kiểu manh mún và tự phát, do vậy năng suất lúa không cao, sản phẩm làm ra khó tiêu thụ và thường bị tư thương ép giá. Giải quyết những khó khăn trên, từ năm 2012 đến nay HTXNN 1 Điện Phước nỗ lực triển khai công tác cải tạo đồng ruộng, dồn điền đổi thửa, quy hoạch xây dựng 4 cánh đồng mẫu lớn với diện tích gần 220ha. Cùng với đó, bằng nhiều nguồn vốn huy động, đơn vị tập trung đầu tư xây dựng hoàn thiện và khép kín hệ thống thủy lợi, giao thông nội đồng… tạo tiền đề cho việc đẩy mạnh liên doanh, liên kết trong sản xuất, tiêu thụ nông sản.

Tính đến cuối tháng 6.2017, toàn tỉnh có tổng cộng 172 HTX và liên hiệp HTX, trong đó có 144 HTX hoạt động trên lĩnh vực nông nghiệp. Theo số liệu thống kê, năm 2016 tổng doanh thu của các HTX, liên hiệp HTX đạt gần 627 tỷ đồng (tăng 11,7% so với cách đây 4 năm), tốc độ tăng trưởng doanh thu bình quân hàng năm của giai đoạn 2013-2016 là 3,8%. Năm 2016, tổng lợi nhuận của các HTX đạt xấp xỉ 20,5 tỷ đồng, tăng gần 1,4 tỷ đồng so với năm 2013; lợi nhuận bình quân hàng năm của mỗi đơn vị trong giai đoạn 2013-2016 từ 138 - 147 triệu đồng. Năm 2016, thu nhập bình quân của các thành viên, người lao động hoạt động thường xuyên trong những HTX là 30 - 36 triệu đồng/người/năm, tăng 6 triệu đồng so với thời điểm ngày 1.7.2013.N.V.S

Những năm qua, bình quân mỗi năm HTXNN 1 Điện Phước hợp tác với các doanh nghiệp tổ chức cho nông dân sản xuất 200 - 250ha giống lúa theo phương thức bao tiêu toàn bộ sản phẩm. Ông Nguyễn Mạnh Hùng cho hay, với số diện tích canh tác đó, hàng năm đơn vị cùng các công ty thu mua, chế biến và cung ứng ra thị trường khoảng 1.000 - 1.300 tấn lúa giống. Sau khi trừ các khoản chi phí, bình quân hàng năm HTX thu về lợi nhuận 250 - 350 triệu đồng. “Giai đoạn 2012 - 2016, việc liên kết cùng các doanh nghiệp đã giúp HTXNN 1 Điện Phước sản xuất, tiêu thụ 5.700 tấn lúa giống, tổng doanh thu xấp xỉ 49 tỷ đồng và lãi ròng từ dịch vụ này trong 5 năm qua đạt gần 1,6 tỷ đồng. Tuy nhiên, hiệu quả kinh tế mang lại cho thành viên của HTX từ mô hình liên kết sản xuất mới là điều đáng mừng hơn cả” - ông Hùng chia sẻ. Theo phân tích của ông Hùng, mỗi ký lúa giống sản xuất được, nông dân hưởng mức chênh lệch cao hơn đến 800 - 1.000 đồng so với lúa thương phẩm. Ngoài ra, nhà nông còn tiết kiệm được khoản chi phí phơi và chế biến sản phẩm ít nhất là 250 đồng/kg. Qua đó, mỗi năm các thành viên tham gia sản xuất giống lúa trên địa bàn HTX có thu nhập tăng thêm với tổng số tiền lên đến 1,5 - 1,7 tỷ đồng. Được biết, bên cạnh thành công lớn từ mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ lúa giống, thời gian qua HTXNN 1 Điện Phước cũng thực hiện khá tốt công tác khuyến nông và các gói dịch vụ như thủy lợi, cung ứng vật tư nông nghiệp, bảo vệ thực vật, thu hoạch, sấy nông sản…, thực sự là “bà đỡ” vững chắc của nông dân.

Thúc đẩy xây dựng nông thôn mới

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Lê Muộn cho biết, Quảng Nam hiện có 144 HTX hoạt động trên lĩnh vực nông nghiệp. Trong những năm gần đây, với yêu cầu đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp, kinh tế HTX có bước phát triển mới về số lượng và hiệu quả hoạt động được nâng cao với nhiều loại hình dịch vụ thúc đẩy sản xuất - kinh doanh ở khu vực nông thôn. Ngoài HTXNN 1 Điện Phước, có không ít đơn vị khác như HTX Điện An 1, HTX Điện Minh 2 (Điện Bàn), HTX Đại Quang, HTX Đại Hiệp, HTX Đại Thắng (Đại Lộc)… cũng đã nhanh chóng thích nghi với cơ chế thị trường, hình thành mối liên kết với doanh nghiệp trong sản xuất, tiêu thụ nông sản, đảm bảo ổn định đầu ra sản phẩm và tăng thêm thu nhập cho nông dân.

Đặc biệt, các HTXNN đã phát huy được vai trò tập hợp, vận động, thay đổi cách nghĩ - cách làm của nông dân và ứng dụng rộng rãi tiến bộ khoa học kỹ thuật vào quá trình canh tác nhằm nâng cao giá trị sản xuất. Thời gian qua, hầu hết HTXNN đều tổ chức điều hành tốt dịch vụ thủy lợi, việc kiên cố hóa hệ thống kênh mương và giao thông nội đồng được quan tâm đầu tư đúng mức. Nhiều đơn vị tích cực phối hợp với chính quyền cơ sở đẩy nhanh tiến độ dồn điền đổi thửa, xây dựng mô hình cánh đồng mẫu, góp phần tăng năng suất, chất lượng sản phẩm. Ở nhiều địa phương, các HTXNN còn tham gia những hoạt động mang tính công ích như dịch vụ thu gom rác thải, bảo vệ môi trường… “Kinh tế tập thể mà nòng cốt là HTXNN, nếu phát triển đúng hướng sẽ là động lực quan trọng thúc đẩy quá trình xây dựng nông thôn mới. Điều này thể hiện rõ dưới 3 góc độ là làm tốt dịch vụ cho người dân, góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân và tích lũy từ hoạt động sản xuất để đầu tư thi công cơ sở hạ tầng ở nông thôn. Nếu nhìn lại các xã đã hoàn thành nhiều tiêu chí nông thôn mới hay những địa phương đã cán đích trong giai đoạn 2014-2016 đều thấy sự đóng góp tích cực của các HTXNN trên lĩnh vực phát triển sản xuất và xây dựng kết cấu hạ tầng thiết yếu” - ông Lê Muộn nói.

Cần thêm nhiều giải pháp

Mặc dù vai trò của các HTXNN trong công cuộc giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới đã được khẳng định, nhưng nhiều ý kiến cho rằng con đường phát triển của loại hình kinh tế tập thể này vẫn còn gặp không ít khó khăn. Trước tiên là nhận thức của một bộ phận các cấp ủy đảng, chính quyền, hội đoàn thể và thành viên về mô hình HTXNN còn nhiều hạn chế. Phần lớn người dân do thói quen sản xuất nhỏ lẻ nên khi tham gia HTX chưa mạnh dạn đầu tư, góp vốn. Đặc biệt, đội ngũ cán bộ chủ chốt ở các HTXNN nhìn chung đã bị già hóa, chủ yếu hoạt động theo kinh nghiệm chứ không được đào tạo bài bản. Trong khi đó, hầu hết HTX chưa thực sự hấp dẫn để thu hút lực lượng cán bộ trẻ có trình độ chuyên môn nghiệp vụ về làm việc…

Tại cuộc làm việc với một số sở, ban ngành của tỉnh về tình hình phát triển nông nghiệp - nông thôn và kinh tế hợp tác, ông Nguyễn Văn Tiến - Vụ trưởng Vụ Nông nghiệp & nông thôn trực thuộc Ban Kinh tế Trung ương cho rằng, Quảng Nam cần đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, nhất là phổ biến rộng rãi Luật HTX 2012 và các văn bản có liên quan. Điều này nhằm giúp cán bộ, người dân nhận thức đúng về vai trò, nội dung, mục tiêu hoạt động của các HTXNN, xem mô hình này là một giải pháp cốt lõi để tổ chức lại sản xuất, nâng cao khả năng cạnh tranh trong việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Còn theo ông Lê Muộn, tự thân các HTXNN phải đoạn tuyệt với tư duy thời HTX kiểu cũ. Đồng thời nâng cao kỹ năng quản trị, năng động và sáng tạo trong hoạt động sản xuất - kinh doanh, tạo dựng được vị thế của mình trong việc tổ chức thực hiện những gói dịch vụ với các thành viên HTX cũng như nông dân trên địa bàn. Đặc biệt, chú trọng khâu liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp trong việc sản xuất, tiêu thụ nông sản nhằm tăng sức cạnh tranh, hoạt động hiệu quả trong điều kiện kinh tế thị trường.

Để mô hình HTXNN phát triển mạnh mẽ hơn nữa, nhiều ý kiến đề nghị bộ, ngành ở Trung ương cũng như chính quyền các cấp cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách hỗ trợ phù hợp theo từng giai đoạn phát triển của kinh tế hợp tác nói chung và mô hình HTXNN nói riêng. Đặc biệt, Nhà nước cần tạo điều kiện thuận lợi cho các HTXNN tiếp cận những kênh vốn vay ưu đãi để đầu tư mở rộng quy mô sản xuất - kinh doanh, đa dạng hóa loại hình dịch vụ, phát triển ổn định và bền vững. Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ quản lý của các HTX. Nhà nước cũng cần khuyến khích thành lập mới những HTX theo đúng ngành nghề gắn với lợi thế của từng địa phương, xây dựng chuỗi liên kết bền vững trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm…

NHÃ PHƯƠNG

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Mô hình hợp tác xã nông nghiệp: Cần sự chuyển biến mạnh mẽ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO