Nuôi hươu sao tại gia đình là mô hình kinh tế đang được Hội Khuyến học huyện Đại Lộc thực nghiệm ở thôn Bộ Nam, xã Đại Hòa. Mô hình tạo hướng đi mới trong chuyển đổi con vật nuôi, phát triển kinh tế gia đình, góp phần khuyến học khuyến tài tại địa phương.
Anh Lê Khắc Mạnh chăm sóc đàn hươu sao tại nhà. Ảnh: L.P.L.N |
Anh Lê Khắc Mạnh ở thôn Bộ Nam, xã Đại Hòa là người đầu tiên được Hội Khuyến học huyện Đại Lộc hỗ trợ nuôi hươu sao tại gia đình. Từ tháng 7.2015, anh Mạnh được giao cặp hươu giống và hỗ trợ xây dựng chuồng trại chăn nuôi. Đến nay, cặp hươu này đã sinh một hươu con. Trong quá trình nuôi, anh Mạnh thu hoạch 2 lần nhung hươu, được 12 triệu đồng. Anh Mạnh cho biết: “Giống hươu sao đã thuần nên phù hợp với điều kiện nuôi tại hộ. Các loại lá cây ở địa phương hươu đều ưa thích, nhất là các loại lá cây có mủ trắng. Một lạng nhung hươu có giá từ 1 đến 1,2 triệu đồng, thương lái mua tại chỗ nên không lo đầu ra. Chi phí nuôi hươu không cao so với nuôi trâu, bò nên sinh lãi cao”.
Ông Mai Văn Giả - Chủ tịch Hội Khuyến học huyện Đại Lộc cho biết: “Năm 2017, nguồn quỹ của hội vận động gần 7 tỷ đồng, cộng với nguồn quỹ năm 2016 chuyển sang được hơn 9,5 tỷ đồng. Bên cạnh việc trao 36.450 suất học bổng với tổng số tiền hơn 7 tỷ đồng, Hội Khuyến học huyện phối hợp với các nhà tài trợ, các cơ quan, đơn vị… trao tặng hàng trăm suất học bổng. Hoạt động khuyến học trong và ngoài nhà trường được gắn liền với phong trào đã góp phần tích cực vào cuộc vận động xây dựng xã hội học tập trên địa bàn huyện”. |
Cùng với việc nuôi bò sinh sản và bò thịt, gia đình chị Nguyễn Thị Thu (ở thôn Bộ Nam) cũng được Hội Khuyến học huyện Đại Lộc hỗ trợ nuôi một cặp hươu sao, nay đã vào giai đoạn sinh sản. Theo chị Thu, cặp hươu này trị giá 50 triệu đồng, tương đương giá cặp bò giống. Chuồng nuôi hươu đầu tư hơn chuồng bò, phải rào lưới B40 kín quanh chuồng và cửa ra vào. “Nuôi hươu cũng như nuôi bò, chỉ gặp khó khăn là vùng này hay bị lũ vào những tháng cuối năm, nên phải làm chuồng cao hoặc phải có gác lửng” - chị Thu nói.
Ông Nguyễn Văn Pháo - Phó Chủ tịch Hội Khuyến học huyện Đại Lộc cho biết, hai cặp hươu này được một nhà tài trợ là người con quê hương mua tặng cho hội nhằm mục đích khuyến học. Trước mắt, hội khuyến học huyện lựa chọn gia đình anh Mạnh và gia đình chị Thu để giao nuôi để duy trì và phát triển đàn, từng bước mở rộng mô hình chăn nuôi. Trong những năm đầu, thu nhập từ bán nhung hươu các hộ tự nguyện đóng góp vào quỹ khuyến học của thôn để trao học bổng cho các em học sinh.
Anh Lê Khắc Mạnh cho biết: “Bản thân tôi là bộ đội xuất ngũ nên khi được Hội Khuyến học huyện và xã giao nuôi hươu thì đọc tài liệu, sách báo, lên mạng tìm kiếm thông tin và kinh nghiệm chăn nuôi. Tôi rất vui vì cặp hươu phát triển tốt. Tiền thu nhập từ nuôi hươu gia đình tôi trích một phần góp vào quỹ khuyến học của thôn để trao học bổng cho các em học sinh học giỏi, vượt khó”. Ông Lê Năm - Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Bộ Nam cho biết, hiệu quả của việc nuôi hươu sao mở ra cơ hội mới về phát triển đàn hươu cũng như phát triển nguồn quỹ khuyến học của thôn. Theo thỏa thuận, khi các cặp hươu đã ổn định về khai thác nhung sẽ chia theo tỷ lệ 4:6, trong đó, 4 phần thu nhập từ bán nhung hươu sẽ góp quỹ khuyến học. “Hiện đã có 42 học sinh trong thôn được Chi hội Khuyến học thôn Bộ Nam hỗ trợ học bổng hàng năm. Qua công tác khuyến học, phát triển xã hội học tập, đã có 7 học sinh của quê hương sau khi ra trường quay về đóng góp vào quỹ khuyến học thôn từ 500 nghìn đồng trở lên. Riêng nguồn đóng góp của các học sinh mỗi năm 20 triệu đồng. Nguồn quỹ khuyến học ổn định giúp thôn làm tốt công tác khuyến học, khuyến tài” - ông Năm khẳng định.
LÊ PHƯỚC LAN NHI