Các địa phương trong tỉnh từng khuyến khích các chủ hộ phát triển mô hình nuôi đà điểu, nhưng hiện nay nông dân đã bỏ hoang chuồng trại, dừng đầu tư.
Ba năm trở lại đây, Trung tâm Giống đà điểu Quảng Nam đã dừng việc đầu tư mở rộng nuôi đà điểu theo hình thức hộ, do đầu ra khó tiêu thụ và con giống khan hiếm. Còn nhớ cách đây 7 năm, phong trào nuôi đà điểu phát triển rầm rộ từ huyện Núi Thành ra đến Duy Xuyên. Đặc biệt, xã vùng cát Tam Phú (TP.Tam Kỳ) - nơi Trung tâm Giống đà điểu Quảng Nam đầu tư trang trại quy mô lớn, trước đây không ít người nuôi liên kết làm ăn có hiệu quả với doanh nghiệp. Thế nhưng, bây giờ chuồng trại hầu như không còn thả nuôi đà điểu, thay vào đó là những con vật nuôi như bò, heo.
Nhiều chuồng nuôi đà điểu nay thay thế nuôi gia súc khác. TRONG ẢNH: Chuồng trại nuôi đà điểu của ông Tín chuyển sang nuôi heo rừng. Ảnh: T.H |
Có mặt tại nhà ông Ngô Đình Long (thôn Ngọc Mỹ, xã Tam Phú) - Chi hội trưởng nông dân thôn Ngọc Mỹ, chúng tôi ghi nhận khu chuồng nuôi đà điểu diện tích rộng hơn 300m2 bỏ hoang, xuống cấp. Theo ông Long, năm 2007 ông được Trung tâm Giống đà điểu Quảng Nam cung cấp 15 con giống (giá mỗi con 1,5 triệu đồng, nặng 25kg) và hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi. Sau khi nuôi được 7 tháng, mỗi con nặng 1 tạ trở lên, giá bán thịt lại cho đơn vị này mỗi ký hơn 35 nghìn đồng. Tiếp tục nuôi lần hai với số lượng 20 con giống, nhưng do giá cả bấp bênh kèm lãi ít, cộng với việc đà điểu “khó nuôi, dễ chết” nên sau lứa thứ 2, ông Long đành phơi chuồng. “Ngày trước trên địa bàn xã, ngoài trung tâm giống đà điểu ra, còn có hơn 5 hộ nuôi đà điểu như tôi, nhưng nay không còn ai thiết tha nữa” - ông Long cho biết. Các xã vùng cát huyện Thăng Bình, Duy Xuyên cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự. Ông Lê Văn Thôi - Chủ tịch UBND xã Bình Phú (Thăng Bình) khẳng định: “Ngày trước, ở địa bàn có hộ ông Lê Tấn Quang nuôi thử nghiệm hàng chục con đà điểu. Do không có đầu ra, giá cả bấp bênh dẫn đến thua lỗ, rồi cũng phơi chuồng mấy năm nay. Ông Quang hiện rời khỏi địa phương đi nơi khác làm ăn”.
Trong khi đó, nông dân một số nơi mong muốn đầu tư phát triển con vật nuôi này thì lại gặp khó khăn về con giống. Họ cho rằng, Trung tâm Giống đà điểu Quảng Nam chỉ muốn độc quyền con giống, độc quyền cung cấp sản phẩm thịt ra thị trường. Vào trang trại rộng hàng nghìn mét vuông của ông Đỗ Vạn Tín (trú thôn Phú Nam Đông, xã Tam Xuân 2, huyện Núi Thành), mới thấy cảnh lãng phí đầu tư mô hình đà điểu. Theo gia đình ông Tín (ông Tín là nhân viên của Trung tâm Giống đà điểu Quảng Nam), chuồng trại của gia đình bỏ hoang hơn 2 năm nay. Vì doanh nghiệp không cung cấp giống nên dù người dân có muốn nuôi trở lại cũng không thể được nên trang trại đang chuyển sang nuôi heo rừng và bò lai. Nhiều người trước đây nuôi đà điểu cho hay, ngoài giá cả thịt thương phẩm bấp bênh, con đà điểu khó phát triển trong hộ chăn nuôi do không có nơi cung cấp nguồn giống. Ông Nguyễn Đăng Hưởng - Chủ tịch UBND xã Tam Xuân 2 khẳng định, hiện tại trên địa bàn không còn hộ nào nuôi đà điểu. Nông dân gần như quay lưng lại với con vật nuôi này.
Ông Lê Viết Quốc Hoàng – Giám đốc Trung tâm Giống đà điểu Quảng Nam cho biết, do cách nuôi của người dân không đúng quy trình kỹ thuật, kém hiệu quả, khó liên kết làm ăn nên mô hình nuôi đà điểu theo hình thức hộ đã dừng lại hơn 3 năm nay. Trong khi đó, trung tâm đang tập trung đầu tư phát triển trang trại ở Ninh Hòa (Khánh Hòa) nên cần lượng con giống lớn. “Hiện nay, chúng tôi chỉ liên kết, hợp tác với hộ dân trồng rau xanh, cung cấp thức ăn cho đà điểu. Mỗi ngày trung tâm tiêu thụ 4 - 6 tấn rau xanh mua từ các hộ trồng. Đến nay, người dân trồng khoảng 10ha rau xanh bán làm thức ăn cho đà điểu” – ông Hoàng thông tin.
TRẦN HỮU