Mô hình phường không còn hộ nghèo: Hiệu quả nhờ tham vấn cộng đồng

QUỐC HẢI 22/04/2014 12:36

Ngay đầu năm 2014, Cẩm Phô là phường thứ 2 tại TP.Hội An chính thức xóa hết hộ nghèo. Cách làm từ Cẩm Phô cho thấy hiệu quả của công tác tham vấn cộng đồng.

Thoát nghèo nhanh

Ở khối phố Lâm Sa (phường Cẩm Phô) ai cũng thông cảm cho hoàn cảnh khó khăn của gia đình chị Phan Thị Hiệp. Chồng làm nghề thợ hồ, chị bán sữa buổi sáng, vất vả nuôi 4 con ăn học. Năm ngoái, gia đình chị được quân dân chính khối phố đề nghị Ban xóa đói giảm nghèo phường tạo điều kiện cho vay 30 triệu đồng. Từ nguồn vốn này, chị Hiệp mua một chiếc xe và nhờ địa phương liên hệ xin bán hàng lưu niệm ban đêm trên đường Nguyễn Hoàng ở phường Minh An. Nhờ quyết chí làm ăn, đến cuối năm ngoái, gia đình chị đã chính thức thoát nghèo và có thêm niềm vui khi 2 đứa con đầu được vào đại học. “Tôi mừng vì có vốn, có việc làm. Có công việc là có tất cả” - chị Phan Thị Hiệp nói.

Có việc làm sẽ thoát nghèo.
Có việc làm sẽ thoát nghèo.

Không riêng gì chị Hiệp, ở khối phố Lâm Sa cũng đã có 3 hộ khác thoát nghèo vào cuối năm 2013. Ông Nguyễn Văn Dưỡng - Trưởng khối phố Lâm Sa cho biết: “Quân dân chính đến từng hộ điều tra khảo sát, tìm hiểu thu nhập bình quân của mỗi người một năm là bao nhiêu, một tháng bao nhiêu. Nguyện vọng của họ như thế nào thì sẽ có biện pháp phù hợp. Bây giờ hộ nghèo xóa hết là nhờ tất cả đều có công ăn việc làm”. Hằng năm, ngay sau khi có quyết định công nhận kết quả điều tra hộ nghèo, UBND phường Cẩm Phô đã chỉ đạo cho Ban xóa đói giảm nghèo lập kế hoạch, chương trình cụ thể. Sau đó, Ban xóa đói giảm nghèo tham mưu cho lãnh đạo tổ chức hội nghị đối thoại trực tiếp với 7 hộ nghèo. Qua đó, cùng chia sẻ những nguyện vọng, hoàn cảnh cụ thể và nắm bắt những khó khăn, nguyên nhân dẫn đến nghèo của từng hộ.

Sau hội nghị đối thoại chung, phường tiếp tục tổ chức tọa đàm giữa các thành viên trong hộ để bàn bạc và đưa ra giải pháp thoát nghèo. Các biện pháp cho vay vốn, giải quyết việc làm… được áp dụng theo nguyện vọng của từng hộ. Phần lớn lao động đều tìm được việc làm bằng các nghề đèn lồng, giày da, buôn bán nhỏ; nhiều nhất là các dịch vụ du lịch như bán thức ăn, hàng lưu niệm cho du khách, nhân viên phục vụ hoặc tạp vụ trong các nhà hàng, khách sạn trên địa bàn phường. Nhờ cách làm này mà từ cuối năm 2013, Cẩm Phô đã xóa được 7 hộ nghèo, trở thành phường thứ 2 tại Hội An chính thức xóa hết hộ nghèo.

Các hộ nghèo được tạo điều kiện làm dịch vụ ăn uống ban đêm trong khu phố cổ.                                                                                Ảnh: Q.Hải
Các hộ nghèo được tạo điều kiện làm dịch vụ ăn uống ban đêm trong khu phố cổ. Ảnh: Q.Hải

Trách nhiệm

Tính đến đầu tháng 2.2014, TP.Hội An chỉ còn 284 hộ nghèo, tỷ lệ giảm từ 2,15% đầu năm 2013 xuống còn 1,34%; hộ cận nghèo cũng giảm từ 786 hộ xuống còn 679 hộ, tỷ lệ 3,20%. Cùng với 2 phường Minh An và Cẩm Phô, Hội An cũng đã có 19 thôn - khối phố không còn hộ nghèo. Đây là kết quả đáng ghi nhận từ việc triển khai có hiệu quả công tác tham vấn cộng đồng, tích cực hỗ trợ các đối tượng vươn lên thoát nghèo bền vững.

Theo chị Phạm Thị Phương Lan - cán bộ Ban xóa đói giảm nghèo phường Cẩm Phô, nhiều năm qua, địa phương đã phân công cán bộ phường và khối phố bám sát đối tượng ở địa bàn dân cư, đồng thời tác động bằng những biện pháp cụ thể để giảm nghèo bền vững. Thực tế cho thấy, khi hộ nghèo có vốn, có việc làm ổn định thì sẽ thoát nghèo nhanh và bền vững. “Hộ nào con cháu có trách nhiệm với gia đình thì cha mẹ ở đó sẽ vươn nhanh thoát nghèo. Những hộ già yếu không có thu nhập thì mời con cháu hỗ trợ kinh phí nuôi dưỡng, những người không nơi nương tựa thì Ban xóa đói giảm nghèo cùng với Ban LĐ-TB&XH phường lập hồ sơ để hướng cho họ vào trung tâm xã hội nếu muốn” – chị Lan nói.
Hiện nay, để tiếp tục hỗ trợ 53 hộ cận nghèo còn lại có điều kiện vươn lên, đặc biệt là những trường hợp có thể tái nghèo như trước đây, lãnh đạo phường Cẩm Phô đã chọn giải pháp quan trọng nhất là tìm hiểu cặn kẽ nguyên nhân và nguyện vọng của từng người, từng hộ để có biện pháp thích hợp. Bà Dương Thị Thu Trà - Phó Chủ tịch UBND phường cho biết: “Bên cạnh việc tăng cường công tác tham vấn cộng đồng, chúng tôi thường xuyên liên hệ với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn như Công ty Vi Phương, Thắng Lợi, Á Đông Silk để giải quyết việc làm cho những hộ có nhu cầu. Về vốn vay, địa phương đứng ra tín chấp với Ngân hàng Chính sách xã hội Hội An, Ngân hàng Đông Á hoặc các ngân hàng đóng chân trên địa bàn. Những hộ có yêu cầu về chính sách an sinh xã hội thì phường cũng liên hệ với các ban ngành để giải quyết”.

QUỐC HẢI

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Mô hình phường không còn hộ nghèo: Hiệu quả nhờ tham vấn cộng đồng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO