Mô hình quản trị tư trong giáo dục mầm non tại Núi Thành

PHAN VINH 25/05/2018 16:45

(QNO) - Thời gian qua, nhờ triển khai mô hình quản trị tư trong giáo dục mầm non, huyện Núi Thành đã giải quyết được bức xúc gia tăng dân số cơ học đột biến.

Khuyến khích quản trị tư trong giáo dục mầm non giải quyết tốt nhu cầu bức xúc của người dân. Ảnh: PHAN VINH
Mô hình quản trị tư trong giáo dục mầm non tại Núi Thành đã giải quyết tốt nhu cầu của người dân. Ảnh: PHAN VINH

Mô hình quản trị tư được áp dụng dưới 2 hình thức: triển khai xã hội hóa ở những trường mầm non công lập dư phòng học nhưng thiếu giáo viên định biên; khuyến khích cá nhân, doanh nghiệp thành lập trường mầm non tư thục.

Xóa bỏ phòng dư

Khoảng 2 năm trước, ở Núi Thành tồn tại thực trạng trường mầm non công lập dư phòng học, trong khi giáo viên thì thiếu nên trẻ em đến 3 tuổi không có điều kiện ra lớp. Đến nay, tình trạng này không còn nữa vì Phòng GD-ĐT huyện linh động cho nhà trường và phụ huynh thực hiện xã hội hóa phòng học dư.

Bà Trần Thị Hồng - Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo công lập Sơn Ca (thị trấn Núi Thành) cho biết, sau khi tiếp nhận và đưa vào sử dụng trường học vào cuối năm 2015, với biên chế giáo viên có sẵn, trường chỉ mở được 14 lớp, còn dư 2 lớp. Trong khi nhu cầu đưa trẻ đến trường thì rất cao. Trước thực trạng này, Phòng GD-ĐT huyện cho phép nhà trường làm việc với chính quyền địa phương và phụ huynh có nhu cầu đưa con ra lớp, tổ chức xã hội hóa 2 phòng học dư này.

Mỗi lớp học xã hội hóa ở trường mẫu giáo công lập có khoảng 25 trẻ và 2 giáo viên. Ảnh: PHAN VINH
Mỗi lớp học xã hội hóa ở trường mẫu giáo công lập có khoảng 25 trẻ và 2 giáo viên. Ảnh: PHAN VINH

“Tức là phụ huynh sẽ trực tiếp trả tiền thuê giáo viên bên ngoài dạy cho 2 lớp này và trả tiền cho nhà trường về các bữa ăn. Chi phí có cao hơn so với lớp học thông thường nhưng không đáng kể. Hiện tại trường có 50 cháu theo học 2 lớp này dưới sự giảng dạy của 4 giáo viên” - bà Hồng giải thích.

Không riêng Trường Sơn Ca mà trên địa bàn huyện Núi Thành có 6/8 trường mẫu giáo công lập có phòng dư áp dụng mô hình xã hội hóa, với khoảng 10 lớp cho 250 trẻ. Nhà trường và Phòng GD-ĐT huyện không quản lý tài chính những lớp học này, nhưng luôn theo dõi và giám sát chặt chẽ về mặt chuyên môn giảng dạy, chế độ ăn uống.

Khuyến khích trường mầm non tư thục

Bà Nguyễn Thị Ngọc - chủ Trường Mầm non tư thục Hồng Phúc (thị trấn Núi Thành) cho hay, những năm gần đây, lượng người nhập cư vào huyện Núi Thành gia tăng. Đa số là công nhân trẻ, làm việc tại các khu công nghiệp trên địa bàn. Điều này kéo theo nhu cầu gửi con nhỏ đi nhà trẻ cũng tăng cao.

Trên thực tế, huyện Núi Thành có đến 115 nhóm trẻ ngoài công lập và ở thị trấn Núi Thành chưa có trường mầm non tư thục nào. Vì vậy, bà Ngọc quyết định đầu tư gần 24 tỷ đồng xây dựng Trường Mầm non tư thục Hồng Phúc, có quy mô khoảng 210 học sinh trên 14 lớp và 34 giáo viên, cấp dưỡng. “Việc xây dựng và mở trường được diễn ra thuận lợi nhờ sự thống nhất về chủ trương của UBND huyện, sự giúp đỡ trong khâu hoàn tất thủ tục hồ sơ của Phòng GD-ĐT huyện” - bà Ngọc nói.

Trẻ học ở trường mầm non tư thục cũng được tiếp cận cơ sở vật chất hiện đại. Ảnh: PHAN VINH
Trẻ học ở trường mầm non tư thục được tiếp cận cơ sở vật chất hiện đại. Ảnh: PHAN VINH

Huyện Núi Thành hiện có 3 trường mầm non tư thục, với quy mô 27 phòng học, 10 phòng chức năng, 61 giáo viên, nhân viên và 300 học sinh. Theo ông Trần Công Hiệu - Trưởng phòng GD-ĐT huyện, địa phương hiện có gần 7.700 trẻ 3 - 5 tuổi được ra lớp. Trong đó, hơn 5.000 trẻ học tại các trường mẫu giáo công lập; gần 2.700 trẻ mẫu giáo, trẻ nhà trẻ theo học ở các cơ sở mầm non ngoài công lập.

Thời gian qua, để giải quyết bức xúc về gia tăng dân số cơ học, Phòng GD-ĐT huyện triển khai nhiều mô hình và chủ động khắc phục thực trạng này. Trong khi quy định, chủ trương đầu tư công có hạn thì việc khuyến khích xã hội hóa ở trường công lập dư phòng và thành lập trường tư thục đã phát huy hiệu quả.

“Tất nhiên, để hoạt động của các cơ sở mầm non ngoài công lập được hiệu quả và đảm bảo an toàn cho trẻ thì chúng tôi cũng thường xuyên giám sát, theo dõi rất kỹ bằng nhiều hình thức xây dựng kế hoạch năm học, kế hoạch thao giảng, dự giờ... Tuy nhiên về lâu dài, chúng tôi mong muốn cấp trên cho địa phương được tự chủ về việc hợp đồng con người ở cơ sở mầm non ngoài công lập, để bổ sung các quyền lợi người lao động như bảo hiểm và giải quyết nhu cầu đưa con ra lớp của người dân” - ông Hiệu nói.

Theo ông Hiệu, với tình trạng gia tăng dân số cơ học như hiện nay, sắp tới phòng sẽ nghiên cứu ứng phó với các cấp học trên mầm non như tiểu học, THCS, THPT để tránh bị động như thời gian vừa qua.

PHAN VINH

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Mô hình quản trị tư trong giáo dục mầm non tại Núi Thành
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO