Ban Quản lý Chương trình tài chính vi mô (TCVM) huyện Hiệp Đức vừa tổng kết 10 năm (2006 - 2016) thực hiện chương trình do Tổ chức Tầm nhìn thế giới tài trợ. Thời gian qua chương trình này đã giúp nhiều người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn cải thiện cuộc sống.
Tham gia chương trình TCVM, chị em không những được vay vốn làm ăn mà còn được tuyên truyền về bình đẳng giới. TRONG ẢNH: Một buổi truyền đạt kiến thức phân loại rác thải cho hội viên phụ nữ tại thôn 6 xã Sông Trà. Ảnh: NHƯ LAN |
Năm 2006, huyện Hiệp Đức được tiếp nhận chuyển đổi từ mô hình tín dụng ngân hàng làng xã do Chương trình Phát triển vùng hỗ trợ sang chương trình TCVM và được triển khai thực hiện ở 10/12 xã, thị trấn (trừ 2 xã Phước Gia và Phước Trà). Qua 10 năm thực hiện chương trình đã duy trì giải ngân 2 - 3 lần/tháng, cung cấp vốn kịp thời cho người dân sản xuất kinh doanh. Cấp vốn tại thôn đã giúp người dân dễ dàng nhận vốn và đảm bảo an toàn tiền mặt cho người dân. Tổng số vốn đã giải ngân là 53,3 tỷ đồng cho 6.959 lượt hộ vay vốn. Điều đặc biệt là tỷ lệ hoàn trả gốc, lãi đạt 100%.
Bên cạnh đó, chương trình còn tập huấn trang bị kiến thức sản xuất kinh doanh, kiến thức quản lý tài chính cho 1.489 lượt người vay. Qua đó, có hơn 2.700 trẻ em là con của các hộ vay vốn được cải thiện điều kiện học tập, dinh dưỡng và chăm sóc y tế. Huyện còn đẩy mạnh công tác giới thiệu quảng bá chương trình đến với người dân ở một số xã như xã Quế Bình, Bình Sơn, thị trấn Tân An, Quế Thọ, Bình Lâm và đã phát triển thêm mới 221 số hộ dân vay vốn trong năm 2018. Các cấp hội phụ nữ tổ chức tập huấn khởi sự kinh doanh, tập huấn chăn nuôi cho gần 100 hộ.
Với điều kiện vay vốn không cần phải có tài sản thế chấp, thủ tục đơn giản, gọn nhẹ, lại không phải trả gốc và lãi một lần, mà được chia nhỏ để trả theo tuần; khi vay vốn nếu không may đau ốm hoặc gặp hoạn nạn, thì có cơ chế hỗ trợ. Do vậy, chị Trần Thị Hằng ở thôn 3, xã Sông Trà vay 15 triệu đồng từ nguồn vốn của TCVM, mua 1 con bò giống, đến nay đàn bò của chị đã phát triển 3 con. Chị Huỳnh Thị Thành ở Việt An vay 10 triệu đồng mua thêm máy ép nước mía và buôn bán nhỏ để tăng thu nhập. Chị đã trả vốn và lãi đúng hạn nên được nâng số vốn vay lên 30 triệu đồng để mở rộng quy mô quán nước thành cửa hàng tạp hóa.
Được xem như một kênh tài chính trong công tác xóa đói giảm nghèo cho phụ nữ ở nông thôn, hơn 10 năm qua TCVM như chiếc đòn bẩy giúp hàng nghìn phụ nữ nghèo làm chủ hộ, phụ nữ yếu thế ở huyện Hiệp Đức không chỉ tự tin vươn lên thoát nghèo bền vững, mà còn nâng cao vị thế, tiếng nói của mình trong gia đình và xã hội. Chị em không chỉ được vay vốn làm kinh tế với lãi suất thấp mà còn được hướng dẫn cách tiết kiệm tín dụng, làm kinh tế cải thiện thu nhập. Trong số đó, có gần 50 hộ thoát nghèo và cận nghèo, nhiều chị em từ hai bàn tay trắng, sau khi tham gia chương trình TCVM, đến nay đã trở thành các hộ khá giả ở địa phương. Các tổ chức TCVM... cung cấp dịch vụ tín dụng, tiết kiệm, bảo hiểm, các dịch vụ tài chính khác... đã mở ra cánh cửa thoát nghèo cho người dân và được người nghèo đánh giá cao. Chị Lý Thị Sương là cụm trưởng ở thôn Nhị Phú, xã Thăng Phước cho biết: “Thôn có 96 người được vay vốn từ tổ chức TCVM. Riêng trong 2018 đã có 65 người vay vốn với hơn 1,175 tỷ đồng”.
Qua khảo sát của nhóm công tác TCVM Việt Nam, cho thấy 90% đối tượng khảo sát trên địa bàn huyện bày tỏ sự hài lòng khi vay vốn tại các tổ chức TCVM vì sự thuận tiện và phù hợp với nhu cầu họ; 95,3% người được hỏi cho rằng, muốn được vay vốn từ tổ chức này. Khảo sát cũng cho thấy, trong rất nhiều chương trình TCVM, phụ nữ nghèo là đối tượng khách hàng chủ yếu. Bà Phạm Thị Như Lan - Chủ tịch Hội LHPN huyện nhận xét: “Tham gia chương trình của tổ chức TCVM, phụ nữ sẽ được quản lý tiền, tiếp cận với tri thức dẫn tới nhiều lựa chọn hơn. Điều quan trọng nữa là họ được bàn bạc, quyết định trong việc đầu tư vốn liếng làm ăn. Bằng cách này hay cách khác, họ đang đóng góp đáng kể vào tài chính gia đình, giúp họ có thêm sự tôn trọng từ chồng con, được họ hàng, nhà chồng coi trọng hơn”. Ông Nguyễn Hoa - Phó Chủ tịch UBND huyện, kiêm Trưởng ban Quản lý Chương trình TCVM huyện Hiệp Đức đánh giá: “Qua 10 năm thực hiện, chương trình đã đem lại hiệu quả thiết thực. Tiếp tục cung cấp nguồn vốn vay nhỏ đến các hộ gia đình nghèo là ưu tiên hàng đầu của Chương trình TCVM trong thời gian tới nhằm góp phần cùng với những chương trình, dự án giảm nghèo khác, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân”.
HÀ AN