(QNO) - Hội LHPN cơ sở ở Hiệp Đức triển khai nhiều mô hình trồng trọt, chăn nuôi, tạo sinh kế cho hội viên khó khăn.
Hội LHPN xã Phước Trà trao sinh kế cho hội viên tham gia mô hình "trồng tre lấy măng". Ảnh: PHAN VINH |
Hội LHPN xã Phước Trà đánh giá, tập quán canh tác nương rẫy của người đồng bào địa phương khó phát triển kinh tế và cũng là nguyên nhân chính khiến tỷ lệ hộ nghèo của xã luôn ở mức cao. Trong khi đó đất vườn rộng rãi nhưng không được canh tác sản xuất, nhiều chị em phải đi hàng chục kilomet để mua thức ăn.
Thời gian qua, các cấp hội phụ nữ huyện Hiệp Đức còn thực hiện nhiều mô hình như: “5 không, 3 sạch”; “trồng hoa thay cỏ dại” ở một số con đường giao thông nông thôn các xã Bình Lâm, Quế Bình, thị trấn Tân An…; “biến rác thành tiền”; “bếp lửa không khói”. Hay những mô hình tiết kiệm để giúp đỡ người nghèo và người già neo đơn như: “hũ gạo tiết kiệm”, “thùng tiền tiết kiệm” triển khai ở hầu hết các hội, chi hội. |
Trước thực trạng trên, Hội LHPN xã Phước Trà vận động hội viên tận dụng mảnh vườn để sản xuất phát triển kinh tế; đồng thời tạo thực phẩm cho bữa ăn hằng ngày. Bà Đinh Thị Thu Tâm - Chủ tịch Hội LHPN xã cho biết, do các hộ không liên canh, liên cư, khó sinh hoạt theo chi hội nên đơn vị thành lập các cụm phụ nữ giúp nhau thoát nghèo bằng kinh tế vườn.
Bà Tâm dẫn chứng trường hợp chị Hồ Thị Út - là hộ nghèo, được các chị em phụ nữ trong cụm góp hơn 30 gốc chuối, sau đó cùng cải tạo và trồng tại vườn cho chị. Đến nay, vườn chuối được chị Út nhân rộng hơn 50 cây và cho hiệu quả kinh tế ổn định.
"Ngoài vườn chị Út thì địa phương còn nhiều mô hình khác. Vừa qua chúng tôi tổ chức trao gốc tre, mời kỹ thuật viên về tập huấn phương thức trồng tre lấy măng dọc bờ suối cho 2 chi hội làm thí điểm. Những mô hình trồng trọt khá phù hợp với địa phương và góp phần thay đổi tư duy làm kinh tế, giảm tỷ lệ hộ nghèo của hội viên phụ nữ là người đồng bào" - bà Tâm nói.
Mô hình nuôi heo quay vòng giúp nhiều hội viên phụ nữ tăng thêm thu nhập. Ảnh: PHAN VINH |
Còn Hội LHPN xã Quế Lưu lại rất thành công với mô hình nuôi heo giống quay vòng. Theo bà Võ Thị Giang Như - Chủ tịch Hội LHPN xã, từ năm 2014, được sự thống nhất của các hội viên, hội tổ chức trao mỗi năm 5 con heo giống cho 5 thôn, trị giá 1 triệu đồng mỗi con. Đến nay đã có 22 con heo giống được trao cho các hội viên là hộ nghèo.
Đặc biệt, lứa heo đầu tiên được sinh sản, hội viên nhận heo giống trước đó sẽ tiếp tục trao 1 - 2 con heo giống cho những hội viên nghèo khác. Đến nay, đàn heo từ mô hình này đã lên đến 52 con và tiếp tục nhân rộng trong thời gian đến.
Bà Phạm Thị Như Lan - Chủ tịch Hội LHPN huyện Hiệp Đức cho biết: "Sắp tới, Hội LHPN huyện chú trọng nâng cao hơn nữa nhận thức phân loại rác thải tại nhà và khu dân cư để giảm thiểu áp lực với môi trường. Đồng thời, tiếp tục khuyến khích và nhân rộng những mô hình hay giúp phụ nữ thoát nghèo bền vững, đảm bảo các tiêu chí có địa chỉ rõ ràng, những việc cụ thể như trao con gì, cây gì… rồi theo dõi, đánh giá hiệu quả lâu dài" - bà Lan nói.
PHAN VINH