Là một trong 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới, việc bảo vệ môi trường được xem là vấn đề rất khó giải quyết triệt để ở nông thôn. Thời gian qua đã xuất hiện nhiều mô hình thu gom và xử lý rác thải hiệu quả. Trong đó, việc đưa những bi giếng thu gom rác thải thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) về với đồng ruộng được thực hiện ở nhiều nơi với hy vọng khắc phục tình trạng chai lọ, vỏ bao thuốc vứt ngổn ngang trên bờ dưới ruộng lâu nay. Hiện nay, hầu hết xã ở các huyện Phú Ninh, Đại Lộc, Duy Xuyên, Thăng Bình, Điện Bàn... đã chủ động đầu tư xây dựng và đưa bi giếng thu gom rác thải BVTV ra đồng ruộng. Gần đây nhất, Hội Nông dân TP.Hội An đã đầu tư 20 triệu đồng lắp đặt gần 120 hố bi giếng để thu gom chất thải rắn trên đồng ruộng. Sau khi lắp đặt, số bi thu gom chất thải BVTV được giao cho các tổ đoàn kết tại thôn quản lý. Những bi giếng trên đồng ruộng là chỗ để người nông dân sau khi sử dụng thuốc BVTV bỏ vỏ lọ, bao, bì các loại đúng nơi quy định, khắc phục tình trạng ô nhiễm nguồn nước, đảm bảo môi trường sinh thái.
Ngổn ngang các loại rác thải quanh bi giếng chứa rác thải bảo vệ thực vật.Ảnh: B.PHƯỢNG |
Tuy vậy, phương thức đúng đắn này vẫn chưa mang lại hiệu quả như mong muốn khi công tác tuyên truyền đến người dân và cách xử lý rác thải BVTV chưa triệt để. Hay nói đúng hơn, “rác thải BVTV sau khi được tập trung trong các bi giếng, làm sao để xử lý đảm bảo và ai là người đứng ra trực tiếp làm việc này?” là vấn đề hết sức cấp bách nhưng vẫn còn bỏ ngỏ. Có thể dẫn chứng một số thực trạng sau: nhiều bi giếng không ghi cụ thể “thu gom rác thải BVTV” thay vào đó chỉ là dòng chữ “bảo vệ môi trường”, khiến người dân nghĩ rằng đó là nơi chứa rác sinh hoạt. Điển hình như ở thôn Đại An, xã Tam Đại (huyện Phú Ninh) nhiều bi giếng đã trở nên đầy ắp rác thải và không được xử lý theo quy định. Thấy thế, người dân đã úp ngược bi giếng xuống và đổ rác thải ngổn ngang trên đường. Đoạn đường đi lại hằng ngày nhưng tiếc thay ai cũng nghĩ “không phải việc của mình” nên “đống rác” ngày một nhiều.
Khi đề cập việc xử lý rác thải này, chị Trần Thị Luyến người tham gia thu gom rác tại thôn Hòa Bình, xã Tam Thái (Phú Ninh) cho biết: “Nhiều rác thải BVTV được bỏ vào bi giếng nhưng một năm nay chưa thấy ai đi thu gom nên vào trời nắng người nông dân lại đem ra đốt”. Đồng ruộng là nơi trẻ em chăn trâu và tụ tập với nhau mỗi ngày, khi công tác tuyên truyền đến mỗi hộ không đi trước một bước thì giữa mênh mông ruộng đồng, bi giếng vẫn là nơi lý tưởng để các trò nghịch dại của trẻ em diễn ra. Những hệ lụy mang lại chính là sự ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển thể chất và tinh thần khi trẻ em nông thôn vẫn hằng ngày quanh quẩn bên mớ rác thải BVTV.
Để những bi giếng thu gom rác thải BVTV trên đồng ruộng phát huy hiệu quả, các cơ quan quản lý và chính quyền địa phương cần có những giải pháp đồng bộ hơn, trước tiên là làm tốt công tác tuyên truyền đến từng hộ gia đình và đầu tư nghiên cứu, tính toán các phương án thu gom, xử lý rác thải BVTV ở nông thôn một cách đảm bảo, an toàn.
B.PHƯỢNG