Việc triển khai đề tài khoa học “Nghiên cứu kỹ thuật gây trồng cây bản địa trai Nam Bộ trên lưu vực hồ Phú Ninh” (ThS.Nguyễn Xuân Phước chủ nhiệm, Ban Quản lý rừng phòng hộ Phú Ninh chủ trì), bước đầu mang lại hiệu quả trong phòng chống xói lở, bảo tồn đa đa dạng sinh học tại khu vực này.
Bảo tồn đa dạng sinh học
ThS.Nguyễn Xuân Phước cho biết, cây trai Nam Bộ xuất hiện ở khu vực lưu vực hồ Phú Ninh, phân bố rất nhiều ở các xã Tam Đại, Tam Lãnh và Tam Sơn; phân bố ở mức vừa tại Tam Thạnh, Tam Xuân. Cây trai, vừng, dền là 3 loại cây chiếm ưu thế, đóng vai trò quan trọng trong hệ sinh thái rừng ẩm ở khu vực hồ Phú Ninh. Không chỉ góp phần bảo tồn gen, có chức năng phòng hộ, cây trai bản địa còn là cây gỗ có giá trị kinh tế cao, gỗ được xếp vào loại cây rất nguy cấp đang bị đe dọa trong bảng mức độ đe dọa theo phân hạng của Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên thế giới…
“Dù độ che phủ rừng vùng Phú Ninh đạt trên 75%, diện tích rừng tự nhiên chiếm trên 42,2% song rừng ở vùng này có chất lượng kém, phần lớn là rừng nghèo, rừng phục hồi nên cần tăng cường công tác bảo vệ nâng cao chất lượng rừng. Việc gây trồng cây trai bản địa có ý nghĩa rất lớn trong công tác phục hồi, bảo tồn và phát triển đa dạng sinh học, xây dựng vành đai rừng phòng hộ khu vực lòng hồ Phú Ninh” - ThS.Phước nói.
ThS.Nguyễn Xuân Phước và cộng sự đã thiết lập cơ sở dữ liệu về vùng phân bố tự nhiên và xác định đặc điểm lâm học, khả năng tái sinh của cây trai Nam Bộ trong khu vực rừng phòng hộ. Nhóm cũng xây dựng các mô hình rừng trồng phòng hộ loài trai Nam Bộ theo phương thức tạo giống theo độ cao tại khu vực rừng phòng hộ Phú Ninh; xây dựng bản hướng dẫn kỹ thuật gây trồng loài, từ khâu tạo giống tới khâu trồng rừng cho đối tượng rừng phòng hộ. Điều tra phân bố, xây dựng vườn ươm, phục hồi rừng trai và tái sinh cây, ươm giống gây trồng, áp dụng phương thức tạo cây con bằng hạt và giâm hom, cây giống được tạo ra phục vụ 6 mô hình trồng rừng để đánh giá sự phù hợp.
Nhân rộng mô hình
Qua triển khai đề tài, diện tích gây trồng cây trai được phân bố khoảng 6ha, tại 6 lô nghiên cứu thuộc khoảnh 1, khoảnh 2, tiểu khu 583, xã Tam Đại, với mật độ trồng 1.111 cây/ha, cây cách cây và hàng cách hàng là 3x3m theo hình nanh sấu. Thời gian trồng từ tháng 11 - 12.2018, khi cây con gieo ươm đủ 12 tháng tuổi đến tháng 5.2020, cây đủ 18 tháng trồng.
“Qua đánh giá, cây con sinh trưởng và phát triển tốt, tỷ lệ sống đạt xấp xỉ 60%, tương đương với 666 cây/ha. Ở nhóm cây được trồng từ hạt, tỷ lệ cây sống khá cao, bộ rễ khỏe mạnh, khả năng sống tốt hơn từ giâm hom và bứng về trồng” - ThS.Phước nói.
Ông Lê Minh Hưng - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho rằng, thành công từ mô hình có thể nhân rộng ra các hồ thủy lợi khác khá tốt, góp phần bảo vệ và chống xói lở, xói mòn, bồi lấp lòng hồ, đa dạng rừng sác ngập nước. Sở sẽ có hướng đề xuất tỉnh mở rộng triển khai mô hình ở một số lưu vực hồ vùng trung du, trước mắt tập trung các hồ thủy lợi của tỉnh ở Nông Sơn, hồ Việt An (Hiệp Đức), một số hồ ở Đại Lộc... Với nhóm hồ thủy điện cần có nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng thêm. Sở NN&PTNT giao Chi cục Kiểm lâm tỉnh tiếp thu có nghiên cứu, bổ sung, tham mưu sở ban hành hướng dẫn tạm thời quy trình kỹ thuật nhân giống, gây trồng, chăm sóc; tiếp tục hoàn thiện quy trình, làm cơ sở khuyến cáo, nhân rộng trong thực tiễn.
Ông Phạm Viết Tích - Giám đốc Sở NN&PTNT đánh giá cao kết quả, tâm huyết của nhóm nghiên cứu trong công tác bảo tồn và nhân rộng diện tích rừng phòng hộ ngập nước. Ông Tích đề nghị nhóm nghiên cứu tiếp tục bổ sung cơ cấu cây trồng rừng phòng hộ, hoàn thiện các quy trình để Sở KH-CN, Sở NN&PTNT có hướng kiến nghị UBND tỉnh hỗ trợ nhân rộng một số mô hình thí điểm trồng cây trai bản địa khác ở các lòng hồ lớn của tỉnh. Nhất là quy trình ươm, nhân giống trong vườn ươm, đánh giá và cập nhật tỷ lệ cây sống ở các mô hình trồng sau nghiệm thu theo các mốc thời gian cụ thể để có cơ sở khuyến cáo.