Có việc làm và thu nhập ổn định ở lĩnh vực cơ điện, anh Nguyễn Hữu Nghĩa (SN 1986, thôn Bích An, xã Tam Xuân 1, Núi Thành) mở thêm xưởng trồng nấm tại quê nhà. Anh Nghĩa đã chủ động liên kết với doanh nghiệp sản xuất nấm linh chi sừng hươu và nấm mối đen - hai chủng nấm mới ở Quảng Nam, có giá trị kinh tế cao.
Hướng đi mới
Nguyễn Hữu Nghĩa dành thời gian tìm hiểu, nghiên cứu mô hình trồng nấm công nghệ cao, tìm hướng đi mới để nâng cao năng suất, thu nhập. Nghĩa mày mò học hỏi, chọn công nghệ trồng nấm phù hợp để tiếp nhận chuyển giao từ một doanh nghiệp ở TP.Hồ Chí Minh. Anh đã mạnh dạn đầu tư xưởng trồng nấm công nghệ cao trên diện tích gần 300m2, với tổng chi phí xây dựng, thiết bị, công nghệ và chi phí mua phôi giống nấm hơn 700 triệu đồng.
Đợt sản xuất đầu tay, Nghĩa được chuyển giao 10.000 bịch phôi giống nấm doanh nghiệp liên kết, trong đó có 3.000 bịch phôi giống nấm mối đen, 7.000 bịch phôi giống nấm linh chi sừng hươu. Theo hợp đồng liên kết, phía doanh nghiệp đứng ra cung ứng toàn bộ giống nấm, kỹ thuật và bao tiêu nấm thương phẩm thu được.
Nấm mối đen còn gọi là nấm rễ sâu hay nấm rễ dài. Khi ăn dễ dàng cảm nhận vị ngọt thanh nhẹ, giòn dai. Độ ngon cũng không kém nấm mối tự nhiên, là món ăn tuyệt vời, tốt cho sức khỏe, mới lạ, có giá trị dinh dưỡng cao, hỗ trợ ngăn ngừa và điều trị bệnh hiệu quả, tốt cho máu cũng như hệ tim mạch, huyết áp, thích hợp ăn kiêng giảm cân. Nấm mối đen trước kia chủ yếu được khai thác trong tự nhiên thì nay có thể được nuôi trồng bằng phôi hữu cơ chất lượng. Loại nấm này ưa thích nhiệt độ 24 - 32 độ C. Sản phẩm nấm linh chi sừng hươu có tác dụng chống ung thư, giải độc gan, chữa tiểu đường, làm đẹp da, thư giãn đầu óc, điều hòa huyết áp, chữa viêm gan và mật, điều dưỡng cơ thể… Nấm linh chi sừng hươu có thể trồng được trong phòng kín từ phôi và meo nấm.
Theo anh Nghĩa, mỗi bịch phôi giống nấm mối đen sẽ cho ra khoảng 2 lạng nấm, tính bình quân 3.000 bịch phôi giống sẽ cho ra 6 tạ nấm tươi, với giá thu mua là 300 nghìn đồng/kg, thu nhập lứa nấm đầu tiên là 180 triệu đồng. Song năng suất có thể đạt hoặc không, nấm ra đều hay không là dựa vào nhiều yếu tố: kỹ thuật, môi trường, thời tiết, việc đảm bảo các điều kiện thiết yếu...
Mỗi năm, có thể sản xuất được 2 lứa nấm mối đen, mỗi lứa từ khi trồng tới khi thu hoạch mất 3 tháng và thời gian thu hoạch lai rai 2 tháng. Xen kẽ vào đó, anh lại sản xuất thêm 2 lứa nấm linh chi sừng hươu. Mỗi bịch phôi giống nấm linh chi sừng hươu cho ra 1 - 1,2 lạng nấm tươi, được thu mua với giá 1 triệu đồng mỗi ký nấm tươi và 4 triệu đồng/kg nấm khô.
Anh Nghĩa cho biết mỗi ngày thu được hàng chục ký nấm, có bao nhiêu đóng kiện chuyển vào công ty. Việc thu hoạch diễn ra lai rai kéo dài 2 tháng. Đợt dịch vừa rồi, xưởng nấm cũng bị ảnh hưởng do không vận chuyển nấm vào công ty được khi giao thông bị tắc nghẽn.
“Tôi chủ động giảm số phôi sản xuất và tắt bớt một số công năng nhà xưởng để hạn chế nấm ra nhiều và tìm cách bán lẻ ra thị trường cho người dân làm thực phẩm. Nay việc xuất nấm trở lại bình thường rồi. Nấm linh chi cũng sắp thu hoạch. Tôi dự kiến sẽ thu hồi vốn đầu tư trong vòng 2 năm, nhưng vẫn lo ảnh hưởng của yếu tố dịch bệnh khiến việc xuất xưởng gặp bất lợi” - anh Nghĩa nói.
Làm chủ kỹ thuật sản xuất giống
Mô hình sản xuất nấm công nghệ cao gần đây xuất hiện nhiều tại Quảng Nam. Ưu điểm là có thể vận hành bằng thiết bị, công nghệ và sản xuất theo quy trình, có thể theo dõi, quản lý, giám sát từ xa, chỉ cần có điện thoại, máy tính bảng kết nối internet nên tiết kiệm được rất nhiều thời gian, nhân công. Tuy nhiên, so với nhiều chủng nấm, nấm mối đen và nấm linh chi sừng hươu khó trồng và kỳ công, đòi hỏi chi phí đầu tư ban đầu nhiều và khả năng học hỏi, tiếp cận kỹ thuật cao, từ khâu cấy phôi nấm đến điều kiện sinh trưởng trong nhà kính hay nhà xưởng phải đảm bảo đúng độ ẩm, nhiệt độ phù hợp, đảm bảo không có tạp chất, sinh vật gây hại lọt vào môi trường này.
Với mô hình trồng nấm công nghệ cao của Nguyễn Hữu Nghĩa, vẫn còn hơi sớm để khẳng định về hiệu quả và mức độ thành công, song có thể thấy, tiềm năng và cơ hội của mô hình là rất lớn.
Trong tương lai gần, Nghĩa mong muốn khi mô hình đi vào sản xuất, vận hành ổn định, thị trường rộng mở hơn, anh sẽ tiếp nhận chuyển giao làm chủ kỹ thuật, công nghệ sản xuất phôi giống từ doanh nghiệp, không phải nhập giống khiến chi phí sản xuất tăng cao. Nếu làm chủ công nghệ sản xuất phôi giống nấm sẽ giúp tự chủ sản xuất, hướng tới cung cấp giống nấm tại chỗ trên địa bàn tỉnh. Việc tìm hiểu, mở rộng thị trường, đầu ra sản phẩm cũng cần được tính đến, nhằm đa dạng kênh tiêu thụ.
Nghĩa cho biết, cơ sở trại nấm của anh có thể đáp ứng các yêu cầu, tiêu chí sản xuất nhiều chủng nấm có giá trị, khi thị trường nấm linh chi sừng hươu và nấm mối đen bão hòa, anh Nghĩa có thể sản xuất đông trùng hạ thảo, một số nấm ăn, nấm dược liệu có giá trị khác.