Mô hình trường bán trú ở miền núi: Nhìn từ Nam Giang

VĨNH LỘC 05/06/2014 09:22

Nhờ thực hiện tốt mô hình trường bán trú, nội trú, huyện Nam Giang trở thành địa phương miền núi đầu tiên của tỉnh được công nhận phổ cập giáo dục tiểu học và THCS. Tuy nhiên, qua thực tế triển khai, mô hình này đang có nhiều vướng mắc về chính sách cần sửa đổi.

Giúp học sinh miền núi

Được áp dụng vào thực tế cách đây đã mấy chục năm, mô hình trường tiểu học, THCS bán trú tại huyện Nam Giang đã phát triển mạnh ở các xã đặc biệt khó khăn, góp phần duy trì số lượng học sinh (HS) đến lớp, thực hiện tốt mục tiêu phổ cập giáo dục các cấp học. Trong thời gian đầu, mọi sinh hoạt, ăn uống hàng ngày của HS chủ yếu do phụ huynh đóng góp, trường chỉ tổ chức nấu ăn cho các em (gọi là mô hình trường bán trú dân nuôi). Tuy nhiên, đến nay nhờ các chính sách hỗ trợ của nhà nước với số tiền 460 nghìn đồng/HS/tháng, bữa ăn của HS đã được đảm bảo.

Học sinh được quản lý, chăm sóc tốt hơn với mô hình trường bán trú. Ảnh: VĨNH LỘC
Học sinh được quản lý, chăm sóc tốt hơn với mô hình trường bán trú. Ảnh: VĨNH LỘC

Theo thầy giáo Nguyễn Văn Thắng - Hiệu trưởng Trường THCS liên xã Cà Dy - Ta Bhing, với mô hình bán trú, nhà trường và HS đều thuận lợi trong sinh hoạt, giảng dạy. Giáo viên lên lớp không còn phải mòn mỏi đợi trò, HS cũng không còn phải mang cơm nắm đến lớp ăn rồi tan học lại phải vượt chặng đường dài qua rừng, qua suối để về nhà. Trên cơ sở số lượng HS nội trú, nhà trường chủ động trong việc xây dựng lịch sinh hoạt, quản lý giờ học tập hoặc có thể phụ đạo HS yếu kém được tốt hơn. “Đây là một mô hình rất hiệu quả, không chỉ giúp các trường dễ quản lý, xây dựng chương trình giảng dạy mà còn hạn chế trình trạng HS bỏ học” - thầy Thắng cho hay.

Ông Nguyễn Văn Bình - Trưởng phòng GD-ĐT huyện Nam Giang cho rằng, mô hình trường tiểu học, THCS cấp xã có HS bán trú được hình thành rất sớm ở huyện Nam Giang theo đề xuất của các thầy cô cán bộ quản lý và sự thống nhất của đa số phụ huynh HS. Mô hình đã giúp số lượng HS ra lớp ổn định, khắc phục được tình trạng HS bỏ học hoặc đi học không chuyên cần. Đây cũng là yếu tố quan trọng để thực hiện mục tiêu phổ cập giáo dục tiểu học và THCS. Toàn huyện hiện có 1.008 (trong tổng số 3.745) HS được hưởng chế độ chính sách bán trú. Trong tổng số 9 trường tiểu học, 7 trường THCS của huyện đã có 5 trường tiểu học, 4 trường THCS được thực hiện theo mô hình phổ thông dân tộc bán trú và 3 trường không theo mô hình nhưng tạo điều kiện cho số HS ở xa được ở bán trú. Nhờ duy trì mô hình này mà huyện Nam Giang là địa phương đầu tiên ở miền núi Quảng Nam được công nhận phổ cập giáo dục tiểu học từ năm 1997, phổ cập giáo dục THCS vào năm 2006. Riêng năm 2013 huyện có 5 xã đạt mức 2 về phổ cập giáo dục đúng độ tuổi. “Trong lúc tình trạng HS cấp tiểu học và THCS phải bỏ học giữa chừng hay đi học không chuyên cần vì hoàn cảnh gia đình khó khăn hoặc do đường sá xa xôi thì loại hình trường bán trú chính là “cứu cánh” cho các em” - ông Bình khẳng định.

Còn nhiều vướng mắc

Hiệu quả thì đã rõ, tuy nhiên theo ông Bình, việc xét chọn công nhận là HS bán trú hiện nay còn nhiều bất cập. Trong đó, quy định khoảng cách từ nhà đến trường của HS phải hơn 4km đối với tiểu học và 7km đối với THCS hoặc cách trở bởi sông suối là không phù hợp. Vì thực tế, nhiều HS tiểu học nằm ở khoảng cách dưới 4km vẫn không thể đi - về 2 buổi trong ngày. Bên cạnh đó, do phần lớn các trường phổ thông dân tộc bán trú đều được chuyển đổi từ trường tiểu học và THCS sang nên hệ thống nhà ở, bếp ăn, nhà vệ sinh, nước sinh hoạt… còn tạm bợ, chưa đáp ứng nhu cầu sinh hoạt cho HS. Ngoài ra, quá trình triển khai mô hình trường bán trú cũng gặp nhiều khó khăn về định mức giáo viên do vướng các cơ chế và quy định của Bộ GD-ĐT. Đặc biệt, chế độ chính sách giữa giáo viên cấp tiểu học và THCS chưa hợp lý. Rõ nhất là giáo viên trường THCS thì được hưởng chế độ phụ cấp đối với loại hình trường chuyên biệt (0,3% lương cơ bản), trong khi cán bộ, giáo viên cấp tiểu học chưa được thực hiện chế độ này.

Thầy giáo Võ Quang Nhì - Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS xã Tàpơơ cho rằng, việc điều chỉnh những văn bản quy định đối với các loại hình trường và HS bán trú là cần thiết. Ông Nhì lấy đơn vị mình dẫn chứng: Trường Tiểu học và THCS xã Tàpơơ do không phải là cơ sở bán trú mà chỉ có HS bán trú nên ngoài được hỗ trợ tiền ăn, HS không có các chế độ hỗ trợ về phát triển thể dục thể thao, y tế học đường… dẫn đến chịu thiệt thòi hơn so với HS những trường bán trú. Còn theo thầy giáo Nguyễn Văn Thắng - Hiệu trưởng Trường THCS liên xã Cà Dy - Ta Bhing, vấn đề quan tâm nhất của trường hiện nay là thiếu hụt cán bộ phục vụ cho HS bán trú như cấp dưỡng, y tế… Hiện nhà trường có hơn 270 học sinh bán trú, nhưng số cán bộ y tế, cấp dưỡng chủ yếu là hợp đồng tạm thời, gây khó khăn cho nhà trường trong việc tổ chức ăn ở sinh hoạt bán trú cho HS. “Chúng tôi không biết bao nhiêu HS bán trú thì được một biên chế hợp đồng cấp dưỡng và cán bộ y tế. Rồi đội ngũ này có thuộc biên chế sự nghiệp giáo dục hay không? Lương, phụ cấp, chế độ bảo hiểm lao động của họ cấp nào chi trả?” - thầy Nguyễn Văn Thắng băn khoăn.

Mô hình trường học bán trú là bước đột phá trong công tác giáo dục không chỉ tại Nam Giang mà còn ở nhiều huyện miền núi trong tỉnh. Tuy nhiên, qua nhiều năm triển khai vẫn còn tồn tại không ít vướng mắc cần tháo gỡ, điều chỉnh kịp thời nhằm đảm bảo quyền lợi cho HS và để đội ngũ cán bộ, giáo viên các trường yên tâm công tác với những chế độ hỗ trợ hợp lý và công bằng.

VĨNH LỘC

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Mô hình trường bán trú ở miền núi: Nhìn từ Nam Giang
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO