Mô hình trường học xanh

HOÀNG LIÊN 24/04/2018 14:48

Mô hình “Trường tiểu học xanh” do Viện Khoa học năng lượng phối hợp với Sở KH&CN và Phòng GD-ĐT TP.Tam Kỳ triển khai thí điểm tại Trường Tiểu học Trần Quốc Toản bước đầu phát huy hiệu quả, giúp tiết kiệm điện nhờ sử dụng năng lượng tái tạo, nâng cao ý thức tiết kiệm điện trong giáo viên và học sinh.

Hệ thống chiếu sáng tự động điều khiển quang thông được lắp đặt trong lớp học của nhà trường. Ảnh: H.L
Hệ thống chiếu sáng tự động điều khiển quang thông được lắp đặt trong lớp học của nhà trường. Ảnh: H.L

Trường Tiểu học Trần Quốc Toản là một trong những trường học đạt chuẩn quốc gia sớm của Tam Kỳ và đang trên đà xây dựng chuẩn mức độ 3. Năm học 2017 - 2018, trường có 30 lớp học, với 1.012 học sinh. Nhà trường đang nỗ lực xây dựng mô hình “Trường học xanh” với cảnh quan trường học được “xanh hóa”, tạo môi trường học đường trong lành, thân thiện với học sinh. Theo cô Võ Thị Xuân Hoa - Hiệu trưởng nhà trường, thời gian qua, ngoài nguồn lực hỗ trợ của nhà nước, Ban giám hiệu nhà trường nỗ lực vận động phụ huynh học sinh và các tổ chức xã hội hỗ trợ cây xanh tạo bóng mát và cảnh quan đẹp cho khuôn viên nhà trường. Nhà trường còn vận động giáo viên, học sinh tích cực tìm kiếm, lựa chọn các giống hoa dễ kiếm, vừa túi tiền để trồng làm đẹp khuôn viên lớp học như: hoa mười giờ, hoa sam bảy màu, mai địa thảo, mai dạ thảo, hồng tỉ muội và nhiều loại thân thảo khác. Để xây dựng “Trường học xanh”, nhà trường còn tích cực tuyên truyền, nâng cao ý thức sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả trong giáo viên và học sinh; thay thế hệ thống bóng đèn, tuýp bằng hệ thống đèn led chiếu sáng, vừa thân thiện với môi trường, vừa tiết kiệm điện năng.

Bên cạnh những thuận lợi, theo cô Võ Thị Xuân Hoa, đây là mô hình khá mới, mới thí điểm nên xét đến hiệu quả còn phải chờ và còn nhiều điều cần bàn. Đó là công nghệ, thiết bị quá mới, phần lớn nhập khẩu, nên khi hệ thống gặp sự cố, thiết bị hỏng hóc mà không có thiết bị thay thế là nỗi lo. Ngoài ra, hệ thống điện mặt trời được đấu nối trực tiếp vào lưới điện của nhà trường, chưa có sự tách bạch về 2 lưới điện nên rất khó theo dõi, quản lý hệ thống. Thứ ba, Viện Khoa học năng lượng hiện vẫn chưa trang bị hệ thống máy tính kết nối internet, thu thập các dữ liệu từ hệ thống điện mặt trời nên nhà trường chưa tiện trong việc theo dõi, quản lý, đo lường nguồn điện tiết kiệm. Thứ tư, việc lắp đặt tủ điều khiển lưới điện trong lớp học cần đảm bảo tính thẩm mỹ, dễ vận hành. Nếu khắc phục được nhược điểm trên thì đây là mô hình giàu ý nghĩa, thiết thực, cần nhân rộng trong các trường học.

Giai đoạn 2016 - 2018, mô hình “Trường tiểu học xanh” sử dụng điện tiết kiệm từ khai thác nguồn điện năng lượng mặt trời là giải pháp tiết kiệm điện mới của nhà trường, được Viện Khoa học năng lượng chuyển giao. Đây là sản phẩm từ đề tài khoa học “Nghiên cứu xây dựng mô hình trường tiểu học xanh trên địa bàn TP.Tam Kỳ”, do ThS. Nguyễn Bình Khánh (Viện Khoa học năng lượng) chủ nhiệm, triển khai từ cuối năm 2016 và nghiệm thu chính thức vào 3.2018. Theo ThS. Nguyễn Bình Khánh, Trường Tiểu học Trần Quốc Toản là đơn vị thí điểm lắp đặt hệ thống trạm điện mặt trời nối lưới. Hệ thống này gồm các tấm pin mặt trời nhập đảm bảo tiêu chuẩn Nhật Bản hoặc EU, 1 bộ chuyển đổi DC-AC và tủ điều khiển, màn hình LCD với kích cỡ từ 49 inch trở lên sản xuất trong nước, bộ máy tính kèm màn hình 21 inch lắp ráp trong nước giúp theo dõi, quản lý tình hình sử dụng hệ thống. Hệ thống giàn pin mặt trời được đặt trên mái trường trên diện tích 24m2, có lắp đặt tủ điều khiển nối lưới điện. Mô hình lớp học đạt chuẩn với hệ thống chiếu sáng tự động điều khiển quang thông cũng được lắp đặt tại hai lớp học giúp tiết kiệm điện năng. Hai lớp học trên vẫn đạt các tiêu chuẩn về chiếu sáng, bảo vệ thị lực của giáo viên và học sinh nhờ hệ thống tự động giám sát và duy trì cường độ chiếu sáng ổn định. Tại 2 lớp học, các bóng đèn được lắp đặt theo 2 hàng đèn liên tục trên một đường thẳng với công suất mỗi bóng là 58W. Việc khởi động và cung cấp điện cho đèn do một thiết bị tự động điều khiển điện tử đảm nhận. Lượng điện năng tiết kiệm được từ mô hình khoảng 430kWh/phòng/năm so với hệ thống chiếu sáng cũ. “Quảng Nam, đặc biệt là Tam Kỳ là khu vực có tiềm năng năng lượng mặt trời tốt nhất cả nước với tiềm năng bức xạ mặt trời nằm trong khoảng 4,9 đến 5,7 kWh/m2/ngày và có số giờ nắng trong năm trên 2.000 giờ/năm. Hệ thống giàn pin mặt trời có công suất thiết kế 3kWp, hàng năm có thể cung cấp nguồn điện năng 3.723 - 4.244kWh. Nếu các trường học đầu tư hệ thống này sẽ có thể giảm chi phí tiền điện cho trường học” - ThS. Khánh nói.

Hiệu trưởng nhà trường Võ Thị Xuân Hoa chia sẻ: “Hiệu quả thực tiễn mô hình đem lại khá rõ nét. Qua theo dõi hai phòng học lắp đặt hệ thống chiếu sáng tự động quang thông, ánh sáng trong phòng học luôn đảm bảo trong mọi điều kiện thời tiết nhờ có thiết bị cảm biến duy trì cường độ chiếu sáng phù hợp. Ý nghĩa to lớn khác từ mô hình là góp phần giáo dục, nâng cao nhận thức cho cán bộ, giáo viên, học sinh trong việc sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả, đặc biệt là ý thức sử dụng năng lượng tái tạo là hướng đi mới hiện nay”.

HOÀNG LIÊN

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Mô hình trường học xanh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO