Mở hướng cho du lịch

VĨNH LỘC 24/03/2015 09:35

Là địa phương có lợi thế phát triển du lịch khi nằm gần 2 trung tâm du lịch Hội An và TP. Đà Nẵng, tuy nhiên nhiều năm qua du lịch Điện Bàn vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng vốn có. Hướng đi nào cho du lịch Điện Bàn vẫn đang là câu hỏi cần giải đáp.

Du lịch văn hóa nông thôn sẽ là hướng đi mới cho Điện Bàn. Ảnh: V.LỘC
Du lịch văn hóa nông thôn sẽ là hướng đi mới cho Điện Bàn. Ảnh: V.LỘC

Chưa tương xứng

Không thể phủ nhận Điện Bàn sở hữu rất nhiều tài nguyên du lịch kể cả thiên nhiên và nhân văn. Nổi bật là bờ biển dài 8km còn khá hoang sơ cùng hệ thống các di tích lịch sử, cách mạng, văn hóa như tháp Bằng An, Dinh trấn Thanh Chiêm, Nhà lưu niệm Bà mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Thứ, Không gian nhà Việt - Vinahouse, Bảo tàng Điện Bàn… cùng hàng chục làng quê, làng nghề, ẩm thực nổi tiếng trong và ngoài nước. Đặc biệt, Điện Bàn có lợi thế rất lớn khi là trung điểm kết nối 2 Di sản văn hóa thế giới là Đô thị cổ Hội An và Khu đền tháp Mỹ Sơn, tạo thành tam giác phát triển với 2 trung tâm du lịch lớn miền Trung là Hội An và TP.Đà Nẵng, dễ dàng đón nhận sự lan tỏa của các dòng khách khi đến những nơi này… Những yếu tố trên đã tạo nên sự khác biệt giữa Điện Bàn so với nhiều địa phương khác trong tỉnh. Thống kê cho thấy, những năm qua lượng du khách đến lưu trú nghỉ dưỡng tại Điện Bàn khá nhiều, tập trung chủ yếu tại các khu resort cao cấp ven biển như The Nam Hai, sân golf Montgomerie Links; khách sạn Le Belhamy… Tuy nhiên, với những khu vực phía tây của huyện nơi có các công trình văn hóa, những làng nghề truyền thống và các điểm di tích lịch sử, cách mạng, sự phát triển của du lịch còn khá mờ nhạt.

Tạo môi trường đầu tư thuận lợi

“Du lịch Điện Bàn có lợi thế lớn về sinh thái biển, làng quê, lâm viên, sông nước; về văn hóa, di tích lịch sử… Nhưng thật ra, để hình thành một sản phẩm đặc thù thì chưa có. Để thúc đẩy du lịch Điện Bàn phát triển, trước hết phải xác định lại vai trò của Nhà nước nhằm tạo ra môi trường tốt nhất để thu hút nhà đầu tư. Đặc biệt, trong những năm tiếp theo cần dành nguồn lực đầu tư đúng mức cho du lịch, nhất là trong công tác quảng bá xúc tiến. Nhà nước chỉ cần làm tốt chức năng định hướng và tạo môi trường đầu tư thuận lợi như giải phóng mặt bằng, đảm bảo an ninh, hoàn thiện hạ tầng thiết yếu,… còn việc xây dựng điểm đến, hình thành sản phẩm phải do doanh nghiệp đảm nhận”.
(Phó Chủ tịch UBND huyện Điện Bàn - Cao Thanh Tấn)

Theo ông Trần Lực - Phó Giám đốc Chi nhánh Saigontourist tại Đà Nẵng, có nhiều nguyên nhân để lý giải những điều trên, nhưng không thể phủ nhận là các sản phẩm du lịch ở Điện Bàn còn quá sơ sài, chưa đủ sức hấp dẫn du khách. Để tạo nên một điểm đến mới không chỉ là những tiềm năng mà còn cần nhiều yếu tố từ hạ tầng giao thông đến dịch vụ nghỉ ngơi, mua sắm… “Chúng ta có biển, có làng quê sinh thái, có di tích lịch sử. Vấn đề đặt ra là đường sá đến đó có dễ dàng không? Khách sẽ chơi gì, sản phẩm ra sao? Ăn, ngủ thế nào?” - ông Lực đề cập. Ông Cao Thanh Tấn - Phó Chủ tịch UBND huyện Điện Bàn thừa nhận, dù có nhiều tiềm năng nhưng tất cả vẫn chỉ ở dạng thô, để đáp ứng được yêu cầu phục vụ du lịch cần phải có quá trình đầu tư, nghiên cứu lâu dài. Bên cạnh đó, việc kết nối doanh nghiệp thời gian qua cũng chưa được quan tâm đúng mức, nhiều dự án ven biển còn bỏ hoang do năng lực nhà đầu tư yếu nhưng vẫn chưa thể thu hồi.

Tạo sự khác biệt

Có thể khẳng định, sức hút của mỗi sản phẩm du lịch chính là sự khác biệt, vì vậy việc rà soát các lợi thế nổi trội để đầu tư xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù là điều cần làm của Điện Bàn hiện nay. Thực tế, thời gian qua việc xây dựng quy hoạch phát triển theo mô hình du lịch cộng đồng đang trở thành hướng quan tâm chính của huyện. Trong đó, Điện Phương nổi lên là trọng điểm của mô hình du lịch này, do nằm gần Hội An lại có lợi thế về sông nước, nhất là còn giữ được nhiều nét cổ xưa của một làng quê truyền thống từ kiến trúc đến phong tục, tập quán sinh hoạt… Ông Cao Thanh Tấn cho biết, ngoài phát triển du lịch cộng đồng, Điện Bàn còn có thế mạnh về biển, nên thời gian tới sẽ tăng cường quảng bá kêu gọi doanh nghiệp có điều kiện đầu tư vào các dự án ven biển để tạo sức bật mới cho du lịch. “Cùng với việc đầu tư mạnh vào du lịch cộng đồng, cụ thể là điểm Triêm Tây, Điện Bàn sẽ củng cố những dự án du lịch ven biển và xây dựng thêm các loại hình vui chơi giải trí tại các bãi tắm Hà My, Viêm Đông như mô tô nước, dù lượn hay các loại hình thể thao dưới nước khác” - ông Tấn chia sẻ. Ngoài ra, việc tăng cường kết nối doanh nghiệp, hoàn thiện các loại hình du lịch văn hóa lịch sử, tạo ra sản phẩm khác biệt, nâng thêm mức đầu tư cho du lịch cũng sẽ là những vấn đề trọng tâm của chiến lược phát triển du lịch Điện Bàn. Bởi, thời gian qua, kinh phí dành cho các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch của Điện Bàn mỗi năm chỉ hơn 100 triệu đồng, còn kinh phí đầu tư đúng nghĩa cho du lịch hầu như chưa có gì, chủ yếu mang tính lồng ghép.

Theo ông Hồ Tấn Cường - Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL, để tạo ra sự khác biệt, du lịch Điện Bàn chỉ cần tập trung vào hai sản phẩm: du lịch văn hóa nông thôn; phát huy các loại hình du lịch ven biển theo hướng vui chơi giải trí về đêm để tạo điểm nhấn thu hút khách từ Hội An và Đà Nẵng. “Điện Bàn nên phát triển loại hình du lịch văn hóa nông thôn phía tây và dịch vụ vui chơi giải trí về đêm ở phía đông. Đồng thời cần phát huy lợi thế ẩm thực như mỳ Phú Chiêm, bê thui Cầu Mống, vì đây là những món ăn đã có thương hiệu, bây giờ chỉ bổ sung thêm các quy trình chế biến khoa học, hiện đại chắc chắn sẽ tạo ra sản phẩm hấp dẫn. Để làm được những điều đó, Điện Bàn cần xây dựng cơ chế và định hướng cụ thể; phải có những con người biết làm du lịch” - ông Cường nói.

VĨNH LỘC

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Mở hướng cho du lịch
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO