Cách trung tâm phố cổ khoảng 3km, làng An Mỹ (khối An Mỹ, Cẩm Châu, TP.Hội An) lưu giữ gần như nguyên vẹn các giá trị văn hóa của một ngôi làng truyền thống thuần Việt, trở thành địa chỉ tham quan hấp dẫn của du khách.
Mạnh dạn thử nghiệm
Ấn tượng của du khách khi đến tham quan làng là những con đường bê tông với hàng cau thẳng tắp uốn lượn bao bọc quanh cánh đồng lúa; một bên là vườn rau xanh ngát cùng vô vàn hoa tím, hoa móng tay, hoa mồng tơi và hoa dâm bụt khoe sắc. An Mỹ không chỉ hút hồn với khung cảnh bình yên mà còn gọi mời khách bằng những nét văn hóa thuần hậu, chất phác của người dân quê. Khách đến làng ngoài trải nghiệm các giá trị văn hóa truyền thống, những mô hình trồng rau hữu cơ; tham gia sản xuất nông nghiệp; nuôi trồng, đánh bắt thủy sản; mua sắm, ẩm thực... còn được đắm chìm trong một khung cảnh sinh thái, nghe tiếng gió từ cánh đồng Tam Bửu vi vút trên những tán cau, hít thở bầu không khí trong lành mát dịu.
Những vườn rau hữu cơ của làng trở thành sản phẩm đặc trưng hấp dẫn du khách. Ảnh: G.K |
Tháng 4.2014, mô hình du lịch làng quê An Mỹ được Phòng Thương mại và du lịch Hội An phối hợp với các đơn vị liên quan của thành phố phát động bằng việc chọn ra các gia đình đăng ký tham gia, hướng đến mục đích bảo tồn văn hóa, nâng cao thu nhập, tạo ra giá trị tăng thêm cho người dân từ chính ngành nghề của họ. Trong đó, việc đầu tư các nguồn lực sẵn có của địa phương để phát triển thành những sản phẩm dịch vụ phục vụ khách tham quan giúp người dân nâng cao kiến thức, tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội; cải thiện cơ sở hạ tầng, ổn định sản xuất, nâng cao đời sống vật chất tinh thần là mục tiêu chính mà dự án hướng đến. Kể từ khi bắt đầu triển khai đến nay nhiều ý tưởng, mô hình được áp dụng như xây hàng rào xanh; mở lớp tập huấn du lịch cộng đồng, giao tiếp, hướng dẫn, nấu ăn cho hàng chục hộ dân tại làng. Bên cạnh đó, địa phương cũng tổ chức cho người dân tham quan, học tập quy trình xây dựng và phát triển hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch tại làng Triêm Tây (Điện Phương, Điện Bàn) để vận dụng vào tình hình thực tế An Mỹ.
Dù mới thử nghiệm đón khách nhưng du khách đã phản hồi tích cực về mô hình này, nhất là các sản phẩm dịch vụ nông nghiệp của làng. Trong đó, việc thành lập Ban điều hành gồm 4 thành viên cùng tổ hướng dẫn, tổ nấu ăn và các gia đình trồng rau hữu cơ sạch góp phần nâng cao chất lượng phục vụ du khách.
Tạo sự khác biệt
Thực tế, trong những năm gần đây, du lịch Hội An đã phát triển nhiều sản phẩm dịch vụ trải nghiệm dành cho du khách tại một số làng quê như Trà Quế, Cẩm Thanh, Cửa Đại. Tuy nhiên, người dân dường như vẫn chưa thực sự hưởng lợi từ mảnh vườn và nghề nghiệp của mình. Việc xây dựng kế hoạch phát triển du lịch tại làng An Mỹ không chỉ bảo tồn các giá trị đặc trưng của một làng quê thuần túy mà còn phát huy những lợi thế về cảnh quan, không gian làng quê đặc trưng. Điều này đã thật sự mang đến sự khác biệt trong các sản phẩm du lịch trải nghiệm của An Mỹ so với những nơi khác.
Bà Phạm Thị Ngọc Dung - Phó Trưởng phòng Thương mại, du lịch Hội An kỳ vọng, phát triển du lịch làng An Mỹ sẽ giúp hình thành điểm đến hấp dẫn, thân thiện với môi trường, gắn kết cộng đồng, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, sinh thái, làng nghề nơi đây, từng bước hướng đến chuyển dịch cơ cấu nghề, nâng cao đời sống kinh tế của người dân, trở thành mô hình điểm về xây dựng nông thôn mới kết hợp với du lịch. “Khách đến làng sẽ được trải nghiệm nghệ thuật làm đẹp bằng các hương liệu địa phương như gội đầu bằng bồ kết, hoa bưởi, chanh, sả - những hương liệu truyền thống được trồng trong làng. Ngoài ra, khách sẽ cùng tham gia trải nghiệm ngày làm nông theo phương thức xưa cũng như thưởng thức những món ăn đặc trưng được chế biến từ gạo là mỳ Quảng, bánh bèo, bánh xèo, gói bánh ú… “Du khách sẽ thấy ở An Mỹ như là một bảo tàng nông nghiệp thu nhỏ giới thiệu những chuyển động của một làng quê nông thôn Việt Nam nói chung và Hội An nói riêng về sự phát triển của mình” - bà Dung diễn giải.
Ông Nguyễn Đức Việt - Trưởng khối phố An Mỹ, thành viên Ban điều hành chia sẻ, hiện tại, nhiều khách lẻ đi tự do cũng đã bắt đầu tìm đến làng để chụp ảnh, trồng rau với người dân, bước đầu hứa hẹn những hiệu quả mà mô hình du lịch mang lại. “Đầu tiên, khách sẽ được hướng dẫn tham quan đình làng An Mỹ để nghe giới thiệu về lịch sử làng, sau đó theo đường cánh đồng xuống tổ 4 xem vườn rau hữu cơ, trải nghiệm các hoạt động làm nông và dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Sau đó, khách sẽ cùng nấu nướng và ăn trưa với gia đình, thức ăn là các món rau sạch hữu cơ trong vườn, nghỉ ngơi ở chòi trước khi về phố. Giá một tour khép kín như vậy là 260 nghìn đồng/khách” - ông Việt cho biết.
GIA KHANG