Giáo dục - Việc làm

Mở hướng lao động nông thôn xứ Quảng

VĨNH LỘC 03/03/2024 08:30

Từ các mô hình khởi nghiệp, HTX, cơ sở chế biến nông sản, sản xuất làng nghề địa phương, hàng nghìn lao động nông thôn Quảng Nam đã có việc làm, thu nhập ổn định.

oc1.jpg
Lê Thị Sao Ngần yên tâm làm việc tại MT Nuts. Ảnh: V.L

Rộn ràng lao động địa phương

Từ mùng 6 tết, chị Lê Thị Sao Ngần (phường Cẩm An, TP.Hội An) đã bắt đầu đi làm trở lại. Ngoài tham gia sản xuất trực tiếp tại Công ty TNHH Thực phẩm dinh dưỡng MT Nuts (Hội An), Sao Ngần còn đảm nhận vai trò quản lý. Thu nhập 8 - 9 triệu đồng/tháng đủ để chị trang trải cuộc sống gia đình.

“Trong tình hình kinh tế khó khăn hiện nay, tôi nghĩ có được việc làm ổn định và thu nhập tốt là điều may mắn” - chị Ngần chia sẻ.

Trước đây, Lê Thị Sao Ngần làm việc trong một nhà hàng nổi tiếng ở Hội An, dịch COVID-19 bùng phát, chị nghỉ việc. Với công việc ổn định như hiện tại, chị quyết định không quay lại ngành du lịch mà sẽ gắn bó lâu dài với công ty bởi thời gian làm việc phù hợp và chế độ đảm bảo.

Công ty TNHH Thực phẩm dinh dưỡng MT Nuts là một trong những mô hình khởi nghiệp thành công dựa trên việc chế biến các thực phẩm từ sản phẩm nông nghiệp. Cơ sở này có khoảng 10 lao động làm việc thường xuyên. Hầu hết chị em đều xuất thân từ ngành du lịch.

Bà Trần Thị Hồng Vâng - Giám đốc Công ty TNHH Thực phẩm dinh dưỡng MT Nuts cho biết, mặc dù quy mô doanh nghiệp nhỏ nhưng công ty luôn cố gắng tìm kiếm khách hàng, tiêu thụ sản phẩm ổn định.

Điều này sẽ tạo việc làm và thu nhập cho nhân viên, giúp người lao động yên tâm gắn bó lâu dài. Dự kiến, đầu tháng 4, khi MT Nuts mở thêm nhà hàng chay và số lao động được tuyển dụng sẽ tăng thêm khoảng 20 người.

Tương tự, tại HTX Phát triển sản phẩm nông nghiệp Hồng Vân (xã Đại Hiệp, Đại Lộc) mặt hàng sản phẩm được chế biến sâu từ các loại trái cây chanh, bưởi…

Nơi đây luôn có từ 5-10 lao động làm việc trong nhà xưởng hoặc các vườn trái cây nguyên liệu. Với mức thu nhập trung bình hàng tháng từ 6-8 triệu đồng, mỗi lao động nữ tại đây cho biết, họ khá hài lòng với công việc ngay ở địa phương.

Cùng với các cơ sở sản xuất nông sản, thực phẩm, các cơ sở làng nghề trên địa bàn tỉnh cũng góp phần giải quyết việc làm khá tốt.

Ông Nguyễn Văn Tiếp - Chủ tịch Hiệp hội Thủ công mỹ nghệ Quảng Nam, Giám đốc Công ty TNHH Mộc mỹ nghệ Nguyễn Văn Tiếp cho rằng, ngoài bảo tồn văn hóa, các làng nghề còn đóng vai trò quan trọng trong giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân địa phương.

Ước tính đến cuối năm 2023 các cơ sở làng nghề trên địa bàn tỉnh đã giải quyết việc làm cho khoảng 4.400 lao động.

Riêng tại Công ty Mộc mỹ nghệ Nguyễn Văn Tiếp, những lúc cao điểm hơn 30 lao động địa phương có việc làm và thu nhập tốt từ các đơn hàng doanh nghiệp mang về.

Hiệu quả từ các mô hình sản xuất nông thôn

Quảng Nam hiện có 395 sản phẩm của 314 chủ thể (157 hộ kinh doanh, 107 HTX, 50 doanh nghiệp và tổ hợp) được công nhận đạt chuẩn OCOP hạng 3 – 4 sao.

o1.jpg
Hiệu quả từ chương trình OCOP đã giúp giải quyết việc làm cho nhiều lao động nông thôn. Ảnh: V.L

Phần lớn thuộc nhóm sản phẩm thực phẩm, đồ uống, dược liệu, sản phẩm thủ công mỹ nghệ… Ngoài ra, còn có thể kể đến hàng nghìn mô hình khởi nghiệp, cơ sở làng nghề…

Đây chính là những “địa chỉ” tạo công ăn việc làm và thu nhập cho người dân tại địa phương. Qua khảo sát sơ bộ các chủ thể OCOP nhận thấy, bình quân mỗi cơ sở giải quyết từ 5-10 lao động thường xuyên, đồng nghĩa hàng nghìn lao động nông thôn đã có việc làm từ chương trình này.

Sau 6 năm triển khai, OCOP trở thành động lực thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu lao động, phát triển kinh tế nông thôn, cải thiện cuộc sống người dân và giảm nghèo bền vững.

Đại diện Sở NN&PTNT cho biết, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, tạo việc làm cho người dân thông qua các mô hình khởi nghiệp, sản xuất kinh doanh, phát triển cơ sở làng nghề dựa trên những lợi thế bản địa được xem là hướng đi đúng đắn hiện nay.

“Để giải quyết bài toán lao động nông thôn, tạo sinh kế, thu nhập cho người dân, cần tập trung vào các nhóm vấn đề chính như tăng cường đào tạo việc làm, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo điều kiện cho nông dân vay vốn sản xuất, tăng cường áp dụng khoa học vào sản xuất”, đại diện Sở NN&PTNT phân tích.

Cơ hội cho lao động nông thôn sẽ càng rộng mở khi địa phương tận dụng thế mạnh để phát triển sản xuất và hỗ trợ kết nối đầu ra sản phẩm cho các chủ cơ sở, doanh nghiệp...

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Mở hướng lao động nông thôn xứ Quảng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO