Tận dụng tiềm năng, lợi thế, nuôi cá nước ngọt ở các huyện vùng cao Quảng Nam đã cho thấy hiệu quả, kỳ vọng là đòn bẩy thoát nghèo đối với người dân.
Hiệu quả
Ông Hoàng Đình Ba - Bí thư Đảng ủy xã Phước Kim, Phước Sơn cho biết, từ thành công bước đầu của mô hình, nay đã phát triển rộng khắp, kỳ vọng sẽ là đòn bẩy, giúp người dân miền núi vươn lên thoát nghèo.
Năm 2019, Trung tâm Khuyến nông Quảng Nam phối hợp với các ngành chức năng của huyện Phước Sơn, xã Phước Kim hỗ trợ 20.000 con giống cá rô phi, cá trắm cỏ và cá chép để 25 hộ dân nuôi ghép. Các cơ quan chức năng đã biên soạn tài liệu, tập huấn, hướng dẫn người dân tham gia nắm rõ quy trình nuôi cá từ cải tạo ao, lấy nước, thả cá, chăm sóc, phòng bệnh. Phương châm “cầm tay chỉ việc” đã phát huy hiệu quả. Giá trị kinh tế đem lại của mô hình là 200 triệu đồng. Giá trị xã hội còn lớn hơn, người dân nắm rõ quy trình kỹ thuật nuôi cá, thay đổi nhận thức, mạnh dạn đầu tư bài bản hơn...
Nhằm khai thác thế mạnh diện tích lớn và môi trường nước trong lành ở hồ thủy điện Sông Tranh 2 (xã Trà Đốc, Bắc Trà My), từ nhiều năm qua, Phòng NN&PTNT huyện Bắc Trà My đã hỗ trợ kỹ thuật, giúp hộ dân nuôi cá trong lồng bè hiệu quả, đem lại giá trị kinh tế cao.
Ông Khương Đình Thương - cán bộ phụ trách thủy sản của Phòng NN&PTNT huyện Bắc Trà My cho biết, trước đây, người dân vùng cao nuôi cá nước ngọt theo hình thức quảng canh, thu hoạch theo kiểu “đánh tỉa, thả bù”. Thủy sản nước ngọt chủ yếu được nuôi với quy mô nhỏ lẻ, không tập trung dẫn đến tiêu thụ sản phẩm khó khăn. Nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật vào nuôi đại trà, nuôi cá trong lồng bè hiệu quả, được thị trường Quảng Nam và TP.Đà Nẵng đón nhận. Để đảm bảo thị trường tiêu thụ, địa phương khuyến khích người dân nuôi đa dạng các loại cá như cá lóc, cá trê, cá lăng nha..., đặc biệt là cá chình có giá trị kinh tế rất cao. Nhà nước đã hỗ trợ chi phí làm lồng bè nên nuôi cá của các nông hộ thuận lợi.
Tiếp tục nhân rộng
Trong năm 2020 này, Trung tâm Khuyến nông Quảng Nam hỗ trợ gần 300 triệu đồng giúp người dân xã Zơ Ngây (Đông Giang) và Ch’Ơm (Tây Giang) nuôi cá chép, cá trắm cỏ và cá rô phi. Về giống, ngành chức năng hỗ trợ 70% chi phí. Đối với vật tư thiết yếu như thức ăn, vôi, chế phẩm sinh học, vitamin, mức hỗ trợ là 50%.
Ông Hứa Viết Thịnh - cán bộ phụ trách thủy sản Trung tâm Khuyến nông Quảng Nam cho biết, dự kiến hiệu quả kinh tế thu được của mô hình là lãi khoảng 90 triệu đồng/ha, tăng hơn 20% so với sản xuất đại trà.
“Nhiều năm triển khai mô hình nuôi cá nước ngọt ở các huyện miền núi, chúng tôi tích lũy được kinh nghiệm là khi triển khai phải có sự đồng thuận của người dân về nhu cầu và phương pháp thực hiện, sát với thực tế vùng cao. Cán bộ kỹ thuật phải bám sát cơ sở, hướng dẫn cụ thể để các hộ dân áp dụng chặt chẽ khâu nuôi cá. Ngành chức năng của huyện, xã nhiệt tình vào cuộc, nắm rõ thế mạnh, thế yếu để nhân rộng hiệu quả” - ông Hứa Viết Thịnh nói.
Theo ông Võ Văn Nghi - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quảng Nam, các loại cá nước ngọt như trắm cỏ, cá rô phi, cá chép, cá mè, cá trôi, cá chình... dễ nuôi, ít dịch bệnh, nhờ đó quy trình kỹ thuật nuôi cũng ít phức tạp, người dân dễ tiếp thu, vận dụng thuần thục. Hơn nữa, ở các huyện miền núi, nguồn thức ăn nuôi cá có thể tận dụng được từ phụ phẩm nông nghiệp sẵn có ở gia đình như mối, giun, lá sắn, cỏ, cám gạo, cộng với thức ăn công nghiệp nên tiết kiệm chi phí. Các mô hình đã giúp người dân tận dụng được thời gian rỗi, đem lại thu nhập đáng kể, tích lũy để đầu tư tốt hơn trong thời gian đến. Nuôi cá nước ngọt ở các huyện miền núi đã đi được hành trình dài, khá hiệu quả. Qua đó mở ra hướng phát triển kinh tế mới cho người dân vùng cao, kích thích quá trình đầu tư đồng bộ các yếu tố để nuôi cá bài bản, tránh chạy theo phong trào và trông chờ, ỷ lại sự hỗ trợ từ phía Nhà nước.