Dự án khuyến nông quốc gia “Xây dựng mô hình nuôi cá lồng bè trên sông, hồ gắn với tiêu thụ sản phẩm tại một số tỉnh Nam Trung bộ và Tây Nguyên” được Trung tâm Khuyến nông tỉnh chủ trì triển khai đạt hiệu quả, mở ra triển vọng nuôi cá nước ngọt trong lồng bè trên địa bàn tỉnh.
Hiệu quả cao
Từ nguồn vốn khuyến nông của trung ương, năm 2019, Trung tâm Khuyến nông Quảng Nam đã triển khai 3 mô hình trình diễn nuôi cá thát lát cườm ở các tỉnh Quảng Ngãi, Gia Lai, Đắc Lắc và 1 mô hình nuôi cá lăng nha ở hồ chứa nước Khe Tân (xã Đại Chánh, Đại Lộc) với thể tích mặt nước là 200m3/mô hình.
Các mô hình này đem lại giá trị kinh tế cao cho các nông hộ. Cụ thể, sau 10 tháng thả nuôi, cá thát lát cườm có tỷ lệ sống hơn 70%, trọng lượng thu hoạch hơn 0,6kg/con, năng suất đạt hơn 20kg/m3. Cá lăng nha có tỷ lệ sống đạt hơn 80%, trọng lượng thu hoạch đạt 1,2kg/con, năng suất đạt hơn 20kg/m3.
Đối với mô hình cá thát lát cườm, tổng thu là 387 triệu đồng, sau khi trừ chi phí, lãi 84 triệu đồng. Tính bình quân, cứ 1m3 nuôi cá, nông hộ lãi 420 nghìn đồng. Đối với cá lăng nha, tổng thu là 456 triệu đồng, sau khi trừ chi phí, lãi hơn 120 triệu đồng. Tính bình quân, nông hộ lãi hơn 605 nghìn đồng/m3.
Cần tuân thủ quy trình kỹ thuật
Trung tâm Khuyến nông Quảng Nam khuyến cáo, khi nhân rộng mô hình nuôi cá trong lồng bè, các nông hộ cần đặc biệt chú ý triển khai đồng bộ các khâu từ mùa vụ, con giống, thức ăn, quy trình kỹ thuật chăm sóc, nuôi dưỡng cá đã được tập huấn, phòng trừ dịch bệnh, ổn định thị trường. “Đề nghị sở NN&PTNT các tỉnh tham mưu UBND các tỉnh quan tâm đến công tác quy hoạch thủy lợi, hồ nước, có cơ chế, chính sách hỗ trợ nông hộ vay vốn đầu tư sản xuất thủy sản hàng hóa lớn, tăng hiệu quả kinh tế thu được. Ngành khuyến nông các tỉnh cần phối hợp chặt chẽ với các nông hộ, quan tâm, theo dõi nuôi cá trong lồng bè để kịp thời hỗ trợ nông hộ về kỹ thuật, chủ động nuôi cá tốt, hạn chế rủi ro” - ông Võ Văn Nghi nói.
Ông Trương Văn Lành (thôn Thạnh Phú, xã Đại Chánh) - chủ hộ nuôi cá lăng nha của dự án cho biết, đối tượng thủy sản tuy mới mẻ nhưng nhờ áp dụng đồng bộ các quy trình kỹ thuật nên cá phát triển tốt, sản lượng cá thương phẩm lớn, hiệu quả kinh tế thu được rất khả quan.
“Cá lăng nha hiện rất hiếm nên được người tiêu dùng đón nhận là điều kiện tiên quyết để chúng tôi mở rộng sản xuất trong thời gian đến. Tư thương cứ liên tục trao đổi, thỏa thuận ban đầu về quy mô nuôi cá lăng nha nên chúng tôi rất kỳ vọng về mô hình này trong thời gian đến” - ông Trương Văn Lành nói.
Theo ông Hứa Viết Thịnh - cán bộ phụ trách nuôi cá lăng nha và cá thát lát cườm của dự án, mô hình triển khai theo hướng an toàn thực phẩm gắn với tiêu thụ sản phẩm được quản lý tốt nên cá có tốc độ sinh trưởng nhanh. Lợi nhuận thu được của mô hình tăng hơn 20% so với sản xuất thông thường.
“Với kết quả của dự án, chúng tôi khuyến cáo bà con nông dân mạnh dạn đầu tư nuôi cá trong lồng bè, lựa chọn các đối tượng mới, đặc sản, nâng cao năng suất, giá trị, tăng thu nhập cho người dân và khai mở tiềm năng nuôi cá ở các khu vực lòng hồ, hồ chứa nước, hồ thủy điện” - ông Thịnh nói.
Nên nhân rộng
Hiệu quả về mặt xã hội của dự án nuôi cá thát lát cườm và cá lăng nha là rất đáng ghi nhận khi giúp các nông hộ là đồng bào miền núi, khu vực khó khăn có nguồn thu nhập khá.
Bà Nguyễn Thị Đồng - Trưởng phòng Kỹ thuật (Trung tâm Khuyến nông Quảng Nam) cho rằng, qua dự án, đã thay đổi căn cơ cách đầu tư nuôi cá của các nông hộ, thay đổi tập quán sản xuất manh mún, nhỏ lẻ sang cách đầu tư sản xuất hàng hóa lớn, chủ động về con giống, quy trình kỹ thuật, an toàn thực phẩm, thu hút tiêu dùng. Nông hộ không dùng kháng sinh, hóa chất trong nuôi cá nên bảo vệ môi trường trong lành. Nông hộ nhận thức rõ, bảo vệ nguồn nước là cách tốt nhất để phát triển bền vững nghề nuôi cá trong lồng bè.
Theo ông Võ Văn Nghi - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quảng Nam, mô hình nuôi cá trong lồng bè được triển khai ở 4 tỉnh thuộc khu vực Nam Trung bộ và Tây Nguyên có khả năng nhân rộng cao, khi mở rộng sản xuất kỳ vọng sẽ tạo chuyển biến sâu sắc diện mạo kinh tế - xã hội khu vực nông thôn và miền núi. Đặc biệt, các hộ nông dân lân cận khi theo dõi dự án đã tự giác học tập, bước đầu thực hiện theo cách nuôi của mô hình.
Cụ thể, trong năm 2019, số lồng bè nuôi cá ở các khu vực triển khai dự án đã tăng lên hơn 40 lồng, trong đó nông hộ chú trọng nuôi các đối tượng mới, có giá trị kinh tế cao, ngoài cá thát lát cườm, cá lăng nha, còn có cá leo, cá chình, cá trê, các lóc...