Ứng dụng công nghệ Biofloc trong nuôi tôm thẻ chân trắng ở vùng cát ven biển trên địa bàn tỉnh mang lại hiệu quả cao. Ngành chức năng khuyến khích nhân rộng phương thức sản xuất này cho cả vùng triều ven sông, mở hướng phát triển bền vững.
Biofloc là hỗn hợp của tảo, vi khuẩn, mùn, phân tôm, vỏ tôm, thức ăn dư thừa kết nối trong ao nuôi tôm; trong đó các hạt floc gắn kết với nhau bởi các chất nhờn tiết ra từ vi khuẩn. Với 2 vai trò quan trọng là xử lý chất thải hữu cơ và là nguồn dinh dưỡng tốt cho tôm nuôi nên Biofloc mang lại hiệu quả thiết thực.
Hiệu quả rõ rệt
Vừa được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam bình chọn là “Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2021”, anh Nguyễn Xuân Cần (thôn Đồng Trì, xã Bình Hải, Thăng Bình) cho biết, thành quả có được gắn liền với quá trình ứng dụng công nghệ Biofloc trong nuôi tôm thẻ chân trắng. Để thực hiện công nghệ này, trên 9ha ao nuôi, anh đầu tư 3 phân khu gồm khu ương nuôi tôm giống, khu xử lý nước thải, khu nuôi tôm thịt để bán thương phẩm.
Tôm giống chất lượng cao được anh Cần thả vào bể ương, nuôi với mật độ cao (5.000 con/m3) từ nguồn nước được xử lý diệt khuẩn triệt để ở hệ thống ao lắng. Ở giai đoạn đầu này, do chưa có phân tôm, thức ăn dư thừa và vỏ tôm nên anh sử dụng hỗn hợp nước, vi sinh và cám gạo để tạo Biofloc. Dùng quạt và sục khí liên tục để Biofloc phát triển ức chế vi sinh vật gây bệnh.
Với hệ thống Biofloc có được, chất thải được xử lý ngay nhờ vai trò của các vi sinh vật, đồng thời chuyển hóa nguồn phân thải của tôm, thức ăn dư thừa thành chất dinh dưỡng với độ đạm lên tới 30 - 40% làm thức ăn cho tôm. Sau khoảng 30 ngày nuôi, bước vào giai đoạn 2, tôm giống đang nuôi cùng hệ thống Biofloc được chuyển vào ao nuôi tôm thịt có mái che để giữ nhiệt độ, tránh thời tiết khắc nghiệt.
Ở giai đoạn này, tôm thương phẩm sinh trưởng nhờ vào thức ăn công nghiệp và các hạt floc. Nhờ duy trì hệ thống Biofloc nên môi trường nước nuôi tôm ổn định, không phải thay, tránh các yếu tố gây bệnh xâm nhập. Khi tôm đạt kích cỡ 40 - 50 con/kg, anh Cần xuất bán. Với cách đầu tư bài bản, 26 ao nuôi tôm của anh Cần đem lại nguồn thu nhập hàng chục tỷ đồng mỗi năm.
Ở các vùng nuôi tôm trên cát thuộc huyện Núi Thành như Tam Tiến, Tam Hòa, nhiều nông hộ có tiềm lực tài chính lớn cũng ứng dụng công nghệ Biofloc và thu được hiệu quả cao.
Ông Phạm Đình Tiễn (thôn Hà Lộc, xã Tam Tiến) thu được hơn 6 tỷ đồng/năm chỉ với 4 ao nuôi tôm thẻ chân trắng có tổng diện tích 6.000m2. “Với công nghệ Biofloc, tôm được ăn các hạt floc giúp giảm đến 25% chi phí thức ăn. Vi khuẩn có lợi trong Biofloc giúp tôm tránh được các bệnh thường gặp trong giai đoạn 40 ngày tuổi gồm gan tụy, taura, đường ruột… Tôm khi thu hoạch có kích cỡ đồng đều, trọng lượng lớn nên giá bán cao” - ông Tiễn nói.
Khuyến khích nhân rộng
Mùa lạnh, thông thường tôm ít ăn, chậm lớn, thời gian nuôi dài, chi phí đầu vào cao nên ứng dụng công nghệ Biofloc rất phù hợp để giảm chi phí, hạn chế dịch bệnh. Đây là hướng đi mới giúp người nuôi tôm chủ động trước biến đổi khí hậu ngày càng khó lường, đồng thời nâng cao hiệu quả sản xuất trên một đơn vị diện tích.
Ưu điểm vượt trội của công nghệ Biofloc so với cách nuôi tôm truyền thống còn là giảm thiểu ô nhiễm môi trường khi chất thải được xử lý triệt để. Ông Lê Văn Hiệp - Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Núi Thành cho rằng, ứng dụng công nghệ Biofloc không khó về kỹ thuật, dễ học hỏi, vận dụng nếu có nguồn vốn lớn để đầu tư.
Ngành nông nghiệp địa phương đang đề xuất với UBND huyện triển khai thí điểm mô hình này từ nguồn vốn dành cho chương trình ứng dụng khoa học - công nghệ. Công nghệ này mới nên cần khảo sát, tìm hiểu kỹ, đánh giá cụ thể, nghiên cứu áp dụng cơ chế hỗ trợ phù hợp.
Quảng Nam hiện có 3.000ha ao nuôi tôm thẻ chân trắng ở vùng triều ven sông nhưng chưa có nông hộ nào ứng dụng công nghệ Biofloc. Ông Ngô Tấn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho rằng, doanh nghiệp, nông hộ nên ứng dụng công nghệ Biofloc trong nuôi tôm, nhất là ở vùng triều.
“Hiện tại, chưa có cơ chế, chính sách nào hỗ trợ nông dân ứng dụng công nghệ Biofloc. Trong khi nuôi tôm trên cát đã có những bước tiến xa thì nuôi tôm ở vùng triều vẫn chưa thể phá thế tự phát, manh mún. Chúng tôi nghiên cứu để đề xuất UBND tỉnh có cơ chế hỗ trợ trong thời gian tới” - ông Ngô Tấn nói.