Núi Thành có nhiều tiềm năng và lợi thế để trở thành điểm sáng đầy hứa hẹn trên bản đồ du lịch của tỉnh. Bởi vùng đất phía nam tỉnh sở hữu không ít thắng cảnh tự nhiên quyến rũ cùng những địa danh văn hóa - lịch sử...
Sông nước Trường Giang. Ảnh: T.N |
Từ “vốn” du lịch…
Tiềm năng du lịch của vùng đất này phải kể đến Nhà lưu niệm Chủ tịch HĐNN Võ Chí Công ở xã Tam Xuân 1 - nơi sinh ra người con kiệt xuất của mảnh đất xứ Quảng, tháp Chăm Khương Mỹ, Tượng đài chiến thắng Núi Thành, Bảo tàng tư nhân Chu Lai, lăng mộ cụ Thủ Thiệm… Bên cạnh đó, “vốn” du lịch ở Núi Thành phải kể đến tài nguyên thiên nhiên vô cùng phong phú và hấp dẫn. Tạo hóa ban tặng nơi đây bờ biển dài hơn 37km với nhiều bãi tắm đẹp như biển Rạng (xã Tam Quang, Tam Tiến), Bàn Than, bãi Bấc, An Hòa (xã Tam Hải)…, nơi có những làng chài bao đời nay gắn liền nhiều nghề truyền thống. Trong đó, bãi Rạng, Bàn Than từ lâu đã là điểm đến lý tưởng của nhân dân địa phương và du khách gần xa. Các bãi tắm cát trắng mịn, địa hình bờ biển đa dạng, hiện vẫn giữ được nét hoang sơ cùng làn nước xanh biếc. Du khách đến tham quan thưởng ngoạn và thưởng thức các món ăn đặc sản tươi ngon ngày càng đông.
Bên cạnh tham quan, nghỉ dưỡng, du khách còn có dịp tìm hiểu nét văn hóa đặc sắc của các làng nghề truyền thống như đánh bắt hải sản, làm mắm, đan lưới, đóng thuyền đua, đánh xơ dừa… Đến đây, du khách được tham quan nghĩa địa cá Ông, nơi có hàng trăm hài cốt cá Ông lụy vào bờ được ngư dân chôn cất. Hằng năm, người dân các làng chài thường tổ chức lễ hội cầu ngư với nhiều hoạt động như đua thuyền, lắc thúng, hát bả trạo… vào trước mỗi vụ mùa biển nhằm cầu cho mưa thuận gió hòa, biển khơi sóng lặng, tôm, cá về đầy khoang. Ngược lên phía tây, Núi Thành còn có những danh thắng như hố Giang Thơm (xã Tam Mỹ Tây), suối Nà Nghệ (xã Tam Sơn) hoang sơ với những hang đá nhỏ, khe nước chảy qua những phiến đá, thả những dòng nước mát từ trên cao xuống. Những thắng cảnh này sẽ làm hài lòng du khách muốn khám phá vẻ đẹp sơn thủy hữu tình mà thiên nhiên ban tặng cho con người…
Trong những năm qua, du lịch Núi Thành chưa được đầu tư khai thác tương xứng với tiềm năng của vùng đất này. Năm 2015, huyện mới xây dựng và phát hành các ấn phẩm: “Núi Thành - điểm đến du lịch”, “Núi Thành - Di tích và danh thắng”, “Núi Thành - Ngày ấy bây giờ” để quảng bá, xúc tiến bước đầu về du lịch. Trên địa bàn huyện hiện có 8 khách sạn, nhưng hoạt động đón khách chủ yếu là Ledomain de Tam Hải, Chu Lai Resort. Năm 2017, lượng khách du lịch tại huyện Núi Thành tăng đáng kể, nhất là vào dịp hè. Điểm đến của du khách tập trung ở các bãi tắm, hố Giang Thơm, Nà Nghệ, xã đảo Tam Hải… và lượng khách lưu trú, nghỉ dưỡng chủ yếu tại Resort Le Domaine de Tam Hải, một số khách sạn lớn như Thanh Lịch, Như Ý, Thắng Lợi…
…đến hướng đi mới
Huyện Núi Thành đang từng bước triển khai “Đề án phát triển du lịch giai đoạn 2015 - 2020, tầm nhìn 2030” với mục tiêu đẩy mạnh phát triển du lịch, đưa ngành du lịch trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn, tạo ra sự chuyển dịch về cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển dịch vụ, du lịch và thương mại. Theo đó, một loạt vấn đề đặt ra huyện cần gấp rút thực hiện như quy hoạch bãi tắm công cộng gắn với cắm mốc quản lý bãi tắm, khắc phục tình trạng xâm lấn đất bãi tắm, che khuất tầm nhìn ngắm biển… Đồng thời đầu tư cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng các loại hình du lịch truyền thống, đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, bảo vệ môi trường sinh thái… Một số tuor du lịch đang được tính toán hợp lý nhằm đưa du khách đến với Núi Thành như “Lên rừng xuống biển”, “Về nguồn”, “Một ngày trải nghiệm xã đảo Tam Hải”. Để phát triển du lịch Núi Thành, điều thiết yếu là huy động vốn đầu tư và xây dựng cơ chế khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực du lịch, đồng thời chú trọng đến việc tuyên truyền giáo dục, nâng cao nhận thức cho người về Luật Du lịch, sự cần thiết bảo vệ môi trường và tài nguyên du lịch, phát triển cơ sở lưu trú, cơ sở dịch vụ du lịch... Huyện Núi Thành cũng có cơ chế khuyến khích người dân đầu tư homestay tại xã đảo Tam Hải, cùng các các dịch vụ phục vụ du khách tại các điểm đến trên địa bàn huyện. Du khách đến thưởng ngoạn, trải nghiệm thiên nhiên, văn hóa, hòa cùng nhịp sống của địa phương thì lực lượng hướng dẫn viên chính là người dân bản địa, với mô hình câu cá, lặn san hô, chế biến ẩm thực.
Ông Nguyễn Tri Ấn - Bí thư Huyện ủy khẳng định: Đã đến lúc du lịch Núi Thành cần có một hướng đi mới, năng động và chuyên nghiệp hơn trong xu thế tất yếu của sự phát triển du lịch các địa phương phía Nam của tỉnh. Trong đó, du lịch biển sẽ đóng vai trò trọng tâm vì lợi thế và tiềm năng sẵn có phù hợp với quy hoạch du lịch vùng đông của tỉnh từ nay đến năm 2020 tầm nhìn 2030. Vì vậy, huyện cũng đã tính toán vấn đề nguồn nhân lực du lịch có trình độ chuyên môn quản lý, quảng bá xúc tiến du lịch cũng như các kỹ năng khác để phát triển du lịch. Ông Nguyễn Tri Ấn chia sẻ thêm: “Nguồn nhân lực là hết sức quan trọng nên quá trình đào tạo là cần thiết. Cần ưu tiên chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp thông qua việc tổ chức đào tạo tại chỗ, hoặc tìm các chính sách để hỗ trợ cho các cơ sở đào tạo hiện nay. Đồng thời liên kết với các trường có nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực để cùng phối hợp tạo điều kiện thúc đẩy công tác đào tạo…”. Hiện nay, huyện đang tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch, chủ yếu là những lao động trực tiếp tại các doanh nghiệp lữ hành, nhà hàng, khách sạn… để từng bước đáp ứng ngày càng nhiều nguồn nhân lực du lịch trên địa bàn huyện.
Trong chiến lược phát triển kinh tế vùng ven biển Quảng Nam, khu vực ven biển Núi Thành được ưu tiên đầu tư nhằm thu hút các dự án du lịch lớn. Cảng Kỳ Hà, sân bay Chu Lai, cùng với hệ thống đường giao thông thông suốt Bắc - Nam là điều kiện thuận lợi để kết nối Núi Thành với các điểm đến trong và ngoài tỉnh. Hiện nay, các cơ sở hạ tầng, lưu trú và các dịch vụ khác phục vụ du lịch từng bước được đầu tư xây dựng. Công tác quy hoạch, giải phóng mặt bằng đang được đẩy mạnh nhằm cung cấp mặt bằng cho các dự án du lịch. Đây sẽ là điểm nhấn quan trọng, làm động lực cho hướng đi của du lịch Núi Thành là bắt đầu lấy điểm lõi Tam Hải - điểm đặc biệt của xã đảo bởi một mặt giáp biển và ba mặt giáp sông có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch cộng đồng bởi người dân nơi đây sống chủ yếu dựa vào sông, biển gắn với những đặc trưng văn hóa vùng sông biển xứ Quảng. Vì vậy, huyện Núi Thành đang xúc tiến đầu tư và quảng bá Làng du lịch cộng đồng Tam Hải, và giới thiệu kết nối với các điểm đến hấp dẫn khác để tạo nên bản đồ du lịch trên địa bàn huyện, từ đó lan tỏa đến Dung Quất (Quảng Ngãi), các địa phương lân cận như Tam Kỳ, Tiên Phước, Nam - Bắc Trà My… “Ngoài ra, huyện sẽ phối hợp với Sở VH-TT&DL triển khai phát triển du lịch cộng đồng tại xã đảo Tam Hải, tập huấn cho các doanh nghiệp, người dân nhằm nâng cao nhận thức về du lịch cộng đồng” - ông Phạm Văn Nên - Trưởng phòng Văn hóa - thông tin huyện cho biết thêm.
Bức tranh du lịch bắt đầu hé mở nhiều triển vọng với các điểm đến tại Núi Thành đã tạo ra cơ hội để phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
THẢO NGUYÊN