Mở "huyết mạch" liên vùng

CÔNG TÚ 01/07/2022 07:56

Thực hiện Nghị quyết số 39, ngày 16.8.2004 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ, duyên hải Trung Bộ, hạ tầng giao thông vận tải trên địa bàn Quảng Nam đã có bước chuyển vượt bậc, kết nối liên vùng thông suốt.

QL40B, đoạn Phú Ninh - Tiên Phước đã được đầu tư mở rộng. Ảnh: C.T
QL40B, đoạn Phú Ninh - Tiên Phước đã được đầu tư mở rộng. Ảnh: C.T

Tập trung nguồn lực

Tái lập tỉnh năm 1997, Quảng Nam đối diện nhiều khó khăn, đặc biệt là sự yếu kém của hệ thống giao thông vận tải (GTVT). Xác định mở “huyết mạch” GTVT là nhiệm vụ trọng tâm, giai đoạn 1997 - 2004, Quảng Nam tập trung nguồn lực, áp dụng nhiều giải pháp đột phá để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông.

Giai đoạn này, các công trình xây dựng đường Hồ Chí Minh, mở rộng quốc lộ (QL) 1 từ bề rộng 9m lên 12m, nâng cấp các QL14B, 14E, 14D được thực hiện; triển khai các dự án đường du lịch ven biển (nay là ĐT603B), đường Nam Phước - Mỹ Sơn (nay là QL14H) và nhiều tuyến tỉnh lộ (ĐT), đường đô thị.

Sau khi UBND tỉnh ban hành Quyết định số 19 (năm 2001) về phát triển giao thông nông thôn (GTNT) với cơ chế “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, bê tông hóa hệ thống GTNT ở Quảng Nam đạt tốc độ kỳ tích.

Theo ông Võ Công Phúc - Trưởng phòng Quản lý kết cấu hạ tầng Sở GTVT, thách thức với ngành lúc đó là hệ thống QL phát triển chưa đồng đều, quy mô còn thấp, mạng lưới phân bổ chưa hợp lý, thể hiện rõ là khu vực phía nam của tỉnh chưa có trục kết nối theo hướng Đông - Tây.

Liên kết vùng giữa Quảng Nam với các tỉnh lân cận còn yếu kém, phụ thuộc hoàn toàn vào QL1 và đường Hồ Chí Minh. Hệ thống ĐT chất lượng thấp với 80% kết cấu mặt đường đá dăm láng nhựa dễ hư hỏng; nhiều tuyến chưa được đầu tư móng, mặt đường, điển hình như ĐT610, đoạn nối các huyện Nông Sơn - Duy Xuyên (nay là QL14H).

Ngoài ra, hệ thống đường huyện (ĐH) mới hình thành bước đầu, tỷ lệ mặt đường đất chiếm hơn 70%; đặc biệt có 29 xã ở đất liền thiếu đường ô tô đến trung tâm. Cảng biển chưa phát triển, chưa đưa sân bay Chu Lai vào khai thác, đường sắt cũ kỹ và lạc hậu.

Ngân sách tỉnh gặp khó khăn, phụ thuộc vào hỗ trợ của Trung ương, vì vậy không đủ bố trí cho phát triển kết cấu hạ tầng giao thông; nhiều tuyến đường không có kinh phí nâng cấp dẫn tới hư hỏng nhanh.

Ngày 22.3.2005, Hãng hàng không Vietnam Airlines chính thức đưa vào khai thác tuyến bay thương mại Chu Lai - TP.Hồ Chí Minh và ngược lại, từ đó tạo kết nối bằng đường hàng không giữa Quảng Nam, Quảng Ngãi với TP.Hồ Chí Minh và tiếp đó là Hà Nội, tăng cường trao đổi văn hóa, thương mại và đầu tư, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội mà đặc biệt là Khu kinh tế mở Chu Lai và Khu kinh tế Dung Quất.

Sự kiện nêu trên đánh dấu bước đột phá của hệ thống GTVT Quảng Nam. Để từ đây, các đầu mối giao thông dần hình thành, phát triển vượt bậc, theo hướng đồng bộ, hiện đại và bền vững, trở thành động lực để phát triển du lịch, sản xuất trong tỉnh và khu vực.

Cảng Chu Lai ngày càng được đầu tư, đáp ứng nhu cầu phát triển. Ảnh: C.T
Cảng Chu Lai ngày càng được đầu tư, đáp ứng nhu cầu phát triển. Ảnh: C.T

Tại Khu kinh tế mở Chu Lai, cảng biển Chu Lai đã phát triển thêm hệ thống bến Tam Hiệp, bến Kỳ Hà. Hiện nay, cảng Chu Lai - cảng Quảng Nam được quy hoạch để đầu tư với định hướng phát triển thành cảng loại 1, đáp ứng năng lực phục vụ cho tàu 50.000DW, hình thành trung tâm logistis và cảng container của khu vực.

Trên đường bộ, tuyến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi hoàn thành đầu tư và đưa vào khai thác. Giám đốc Sở GTVT - ông Văn Anh Tuấn cho biết, cùng với việc ra đời đường Trường Sơn Đông hay các QL14G, 40B, 24C và 14H, giai đoạn 2004-2022, Quảng Nam đã thực hiện xong giai đoạn 1 xây dựng tuyến đường bộ ven biển.

Qua đó, mạng lưới các trục dọc và trục ngang theo quy hoạch hình thành, làm xương sống cho hệ thống giao thông, tăng cường kết nối với Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Kon Tum.

Hệ thống ĐT được cải tạo, mở rộng, nâng cấp với nhiều công trình có quy mô lớn, xây dựng theo hướng hiện đại, đáp ứng nhu cầu lưu thông. Hệ thống ĐH và GTNT phát triển mạnh về chiều dài, tỷ lệ kiên cố hóa nâng lên hơn 80%; hoàn thành mục tiêu 100% xã đất liền có đường ô tô đến trung tâm kiên cố hóa. Để đến nay, 163/194 xã có hệ thống giao thông đạt chuẩn xã nông thôn mới.

Đầu tư đồng bộ

Ông Văn Anh Tuấn nhìn nhận, GTVT dù phát triển đồng bộ từ đường nội đồng, GTNT, ĐH, ĐT, QL cho đến cao tốc, sân bay, cảng biển, hình thành trung tâm logistis, song “huyết mạch” của nền kinh tế còn đó nhiều hạn chế. Đơn cử, so với quy hoạch, hàng không phát triển chậm và lúng túng, chưa tương xứng tiềm năng; cảng biển phát triển song chưa đáp ứng nhu cầu.

Trên đường bộ, tiến độ thực hiện quy hoạch còn chậm; các trục ngang chính như QL14G, QL14D, QL14E, QL40B quy mô nhỏ, chưa nâng cấp mở rộng đã trở thành “điểm nghẽn”. Gần đây, chỉ có QL40B tiếp tục được nâng cấp, QL14E đang chuẩn bị đầu tư giai đoạn 2021 - 2025.

Tuyến QL1, đoạn Duy Xuyên - Phú Ninh dù đã được nâng cấp, mở rộng nhưng thiếu làn dành cho xe thô sơ và người đi bộ. Ảnh: C.T
Tuyến QL1, đoạn Duy Xuyên - Phú Ninh dù đã được nâng cấp, mở rộng nhưng thiếu làn dành cho xe thô sơ và người đi bộ. Ảnh: C.T

Dù tiếp tục mở rộng, QL1 đoạn Duy Xuyên - Phú Ninh lại thiếu làn dành cho xe thô sơ và người đi bộ, tiềm ẩn mất an toàn giao thông. Đường sá khu vực trung du có dấu hiệu tụt hậu, nhất là Tiên Phước, Hiệp Đức, vùng tây Núi Thành với thực tế các tuyến ĐT614, ĐT615, ĐT611B đều sở hữu mặt đường rất nhỏ, chưa liên tục.

Theo định hướng quy hoạch đến năm 2030, hệ thống ĐT trên địa bàn tỉnh gồm 21 tuyến với tổng chiều dài khoảng 605km. Quy hoạch phần lớn đi theo hiện trạng, cho nên các tuyến đã hình thành.

Tuy nhiên, số lượng đạt quy mô quy hoạch chỉ là 182/605km (30%), còn lại chưa được đầu tư; nhiều tuyến đường hình thành nhưng thiếu công trình cầu vì vậy chưa bảo đảm tính liên thông, thiếu kết nối.

Mạng lưới đường trục chính, trục khu vực đã quy hoạch cơ bản phù hợp; nhưng mật độ quy hoạch hệ thống ĐT chưa đều, liên kết một số vùng còn yếu. Các dự án giao thông khi triển khai gặp nhiều trở ngại, nhất là giải phóng mặt bằng nên bị chậm tiến độ; nhiều tuyến đường đã đầu tư nhưng bị hư hỏng nặng nề do ảnh hưởng của thiên tai, lũ lụt.

Thời gian tới, Quảng Nam tiếp tục tập trung phát triển kết cấu hạ tầng hàng không, cảng biển, đường thủy nội địa để hình thành các trung tâm logistis; lấy giao thông làm động lực để phát triển các mục tiêu khác, nhất là ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai...

Tỉnh kiến nghị với Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương quan tâm đưa vào danh mục đầu tư công và huy động các nguồn lực khác để mở rộng các trục QL14G, QL14D, QL40B. Ưu tiên nguồn lực của địa phương để đầu tư xây dựng các công trình cầu, mở rộng các đoạn tuyến trên các đường trục đường địa phương (4 trục hướng Bắc - Nam và 8 trục đường Đông - Tây).

Huy động nguồn lực, thực hiện thành công Đề án kiên cố hóa hệ thống ĐH và GTNT giai đoạn 2021 - 2025; phát triển đường phục vụ sản xuất ở miền núi. Nạo vét đường thủy nội địa để phát triển đa mục tiêu vận tải, du lịch, đô thị gồm tuyến sông Cổ Cò, các sông Trường Giang, Đế Võng, Bàn Thạch...

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Mở "huyết mạch" liên vùng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO