Để xây dựng Điện Bàn trở thành đô thị trung tâm động lực phía bắc Quảng Nam và là chuỗi động lực vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, địa phương đã tập trung lập và quản lý quy hoạch, đầu tư cho phát triển.
Định vị hướng đi
Nằm trong cụm động lực số 1 với Hội An, Điện Bàn được định hướng là vùng phát triển công nghiệp với chức năng công nghiệp nhẹ, hàng tiêu dùng gắn liền với dịch vụ, kho trung chuyển hàng hóa; đồng thời phát triển du lịch sinh thái, văn hóa lịch sử. Không chỉ biến vùng ven biển trở thành trung tâm du lịch lớn đạt tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế, địa phương kỳ vọng sẽ phát triển tuyến du lịch ven sông Cổ Cò kết nối du lịch đường thủy với Đà Nẵng và tuyến ven sông Thu Bồn, sông Trường Giang cùng các làng nghề, di tích lịch sử - văn hóa nằm dọc hai bên bờ sông.
“Với vị trí địa lý thuận lợi nêu trên, định hướng quy hoạch vùng và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 đã xác định xây dựng Điện Bàn trở thành đô thị trung tâm động lực phía bắc Quảng Nam và chuỗi động lực vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Đồng thời trở thành trung tâm dịch vụ, du lịch quốc tế, công nghiệp kỹ thuật cao, nông nghiệp sinh thái và công nghệ cao, là đô thị sinh thái hiện đại gắn kết với Đà Nẵng và Hội An” - ông Trần Úc - Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn chia sẻ.
Thị xã đang chú trọng điều chỉnh quy hoạch chung đô thị Điện Bàn với cấp đô thị loại 3 trên cơ sở không gian phát triển đã định hướng. Lãnh đạo Điện Bàn khẳng định sẽ tổ chức thi tuyển quy hoạch và đấu thầu để chọn tư vấn đủ tầm lập đồ án quy hoạch chung điều chỉnh cho giai đoạn phát triển mới bởi đây là nhiệm vụ quan trọng.
Các dự án phát triển nhà ở và đô thị tại đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc cũng như các phân khu đô thị Điện Thắng, đô thị Phương An dọc quốc lộ 1 tiếp tục thực hiện. Trên cơ sở đó, xã nào hội đủ tiêu chí sẽ được hoàn chỉnh thủ tục để công nhận trở thành phường.
Ngoài ra, xã đã đạt nông thôn mới (NTM) phải nâng chuẩn thành NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu. Muốn nâng cao tỷ trọng dịch vụ, thị xã đang xây dựng kế hoạch, lộ trình thực hiện các nghị quyết về phát triển du lịch, quản lý và đầu tư cụm công nghiệp.
Ông Trần Úc cho biết thêm, bên cạnh tổng kết, xây dựng mới đề án liên quan đến giáo dục - đào tạo, truyền thanh mà thời gian qua đã phát huy hiệu quả rất tốt, địa phương rất quan tâm triển khai thực hiện các nghị quyết về an ninh - quốc phòng. Ngoài ra, dự án đầu tư thuộc lĩnh vực văn hóa - xã hội như công viên, sân vận động cũng sẽ được đầu tư ngang tầm với sự phát triển chung.
Nhiều việc phải làm
Về làm cầu qua vùng Gò Nổi, Chủ tịch UBND tỉnh đồng ý giao thị xã Điện Bàn làm việc với Sở GTVT và các sở, ngành liên quan để báo cáo cấp có thẩm quyền theo một trong hai phương án: Đầu tư theo hướng tuyến đã được quy hoạch; hoặc nghiên cứu, đầu tư theo hướng kết nối từ ĐT605 nối dài, vượt sông Thu Bồn đến ĐT610B. Đồng thời giao Sở GTVT khảo sát, báo cáo UBND tỉnh về phương án khả thi nhất.
Định vị hướng đi đô thị Điện Bàn mới chỉ là bước khởi đầu, vấn đề đặt ra đối với địa phương là làm sao lập quy hoạch, quản lý quy hoạch thật tốt, đồng thời huy động được nguồn lực đầu tư cho phát triển. Liên quan điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng thị xã Điện Bàn giai đoạn đến năm 2030 và năm 2045, làm việc với thị xã Điện Bàn vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh ủng hộ địa phương tổ chức thi tuyển quốc tế để lựa chọn ý tưởng quy hoạch trước khi lựa chọn đơn vị tư vấn lập hồ sơ điều chỉnh quy hoạch. Đồng thời lưu ý, không đồng nghĩa với việc chỉ định thầu đơn vị đạt giải thi tuyển kiến trúc sẽ là đơn vị tư vấn lập hồ sơ điều chỉnh quy hoạch. Từ ý tưởng kiến trúc quy hoạch của đơn vị đạt giải, Điện Bàn tổ chức lựa chọn đơn vị tư vấn trong nước hay cho phép đơn vị tư vấn trong nước thuê chuyên gia nước ngoài hoặc chủ trì hợp tác với tư vấn quốc tế để lập hồ sơ điều chỉnh quy hoạch chung, hoàn thành trong năm 2020. Ngoài ra, đồ án điều chỉnh quy hoạch không chỉ tập trung ở vùng đông mà còn định hình, phát triển ở vùng tây, nhất là khu vực trung tâm xã.
Về quản lý quy hoạch, Điện Bàn sẽ làm việc với các nhà đầu tư để rà soát, khớp nối, bổ sung, điều chỉnh các hồ sơ quy hoạch chi tiết phân khu các giai đoạn I, II, III tại đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc. Địa phương sẽ quan tâm phân kỳ đầu tư các khu tái định cư, vì đây là bộ phận của quá trình phát triển đô thị. Để nâng tầm đô thị như kỳ vọng, Điện Bàn đã kiến nghị tỉnh cho chủ trương đầu tư phát triển với những dự án mang tính động lực.
Ủng hộ nhiều đề xuất của địa phương, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh đề nghị thị xã làm việc với các sở, ngành, đơn vị liên quan để tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo, triển khai thực hiện. Chẳng hạn như dự án Khu công viên di tích Thanh Chiêm, sau khi triển khai hoàn thiện giai đoạn 1 của dự án, thị xã phải báo cáo kết quả, đề xuất UBND tỉnh xem xét, chỉ đạo về đầu tư giai đoạn 2. Hay dự án đường vành đai phía Bắc Quảng Nam (ĐH7 nối dài), địa phương làm việc với Sở KH-ĐT đề xuất UBND tỉnh báo cáo cấp thẩm quyền cho đầu tư hoàn thiện nhằm đảm bảo tính kết nối liên vùng, “kéo” vùng đông xích lại gần hơn khu vực trung tâm đô thị Điện Bàn.