Mở lối cho tín dụng tam nông

TRỊNH DŨNG 02/04/2014 09:56

Một gói tín dụng lớn dành cho tam nông (nông nghiệp, nông thôn, nông dân) sắp sửa được công bố. Tuy nhiên, nếu những khó khăn về thủ tục, chính sách vay vốn “đặc thù” này không được tháo gỡ thì việc đưa tín dụng đến tam nông, thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững vẫn là chuyện xa vời…

Ngân hàng e ngại?

Theo nhận định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) - chi nhánh Quảng Nam, khoảng 5 năm nay, tín dụng cho tam nông luôn có mức tăng cao. Trung bình mỗi năm tăng khoảng 20%. Với chính sách ưu tiên kể từ năm 2010, tín dụng lĩnh vực này tăng lên nhanh chóng. Thống kê cho thấy, dư nợ cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn cuối quý I.2014 ước đạt 7.844 tỷ đồng, chiếm 33% tổng dư nợ. Chiếm tỷ trọng lớn nhất khoảng 50,66% thuộc khối ngân hàng thương mại nhà nước, ngân hàng chính sách xã hội 34,05%, khối ngân hàng thương mại cổ phần chiếm 8,17%... Nguồn vốn đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp nông thôn phần lớn là trang trải chi phí sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp (45,33%); sản xuất thương mại, dịch vụ phi nông nghiệp trên địa bàn nông thôn (26,11%)…

Mở gói tín dụng tam nông sẽ nhanh chóng giúp nông dân mua sắm máy móc, phát triển sản xuất. Ảnh: T.D
Mở gói tín dụng tam nông sẽ nhanh chóng giúp nông dân mua sắm máy móc, phát triển sản xuất. Ảnh: T.D

Theo lý thuyết, các chính sách ưu tiên đưa vốn về nông thôn đã được thực thi sẽ là cơ sở pháp lý để nông dân dễ dàng tiếp cận nguồn vốn giá rẻ này. Nhưng thực tế không phải vậy, khi chỉ có 16/25 tổ chức tín dụng có dư nợ lĩnh vực này, dù chuẩn của các ngân hàng là phải cho vay tam nông tối thiểu 20%/tổng dư nợ. Ngay như việc Nhà nước chỉ định 5 ngân hàng thương mại cổ phần cho vay theo chương trình hỗ trợ nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch đối với nông sản, thủy sản, nhưng chỉ có Agribank có phát sinh dư nợ. Không khó để lý giải việc các ngân hàng ngại tín dụng tam nông mà lại thích cho doanh nghiệp vay hơn, bởi nhu cầu hiện chủ yếu vẫn là các món vay nhỏ lẻ, chi phí hoạt động cao và rủi ro lớn.

Ông Nguyễn Văn Diện, Giám đốc NHNN - chi nhánh Quảng Nam cho rằng nếu không có lượng chi nhánh gần dân, sát dân, không đủ lượng cán bộ thì các ngân hàng muốn cho vay tới hộ dân cũng không cho vay được. “Vì tín dụng chủ yếu là lòng tin, phải hiểu, phải tin thì mới cấp tín dụng ra được, chứ không hoàn toàn là vấn đề thế chấp. Nhưng hiện tại, còn khá nhiều ngân hàng chưa thể phát triển mạng lưới đến tận cơ sở. Ngoài ra, sự thiếu hụt vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa, đầu ra thiếu ổn định và việc áp dụng các biện pháp bảo đảm tiền vay cũng gặp những trở ngại nhất định. Nông dân không đủ điều kiện vay vốn theo quy định nên không ít ngân hàng “ngại” cấp tín dụng cho lĩnh vực này” - ông Diện nói.

Tạo cơ chế “đặc thù”

Bà Nguyễn Thị Sương Thu, Phó Giám đốc NHNN - chi nhánh Quảng Nam cho biết, nhiều hộ có nhu cầu vốn nhưng chưa được giải quyết. Lý do đơn giản là doanh nghiệp, người dân muốn vay được vốn phải có phương án sản xuất chứng minh hiệu quả, chứng minh được dòng tiền trở về, khả năng trả nợ ngân hàng đúng hạn. Ngoài ra, một số quy định, quy trình cho vay vốn hiện còn quá rườm rà.

Bà Nguyễn Thị Sương Thu, Phó Giám đốc NHNN - chi nhánh Quảng Nam cho hay Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình đã đề xuất một chương trình mới để hỗ trợ tín dụng cho tam nông. Dự kiến đây sẽ là gói tín dụng có quy mô lên đến hàng trăm nghìn tỷ đồng. Để đạt hiệu quả cao nhất, gói tín dụng này sẽ thực hiện theo quy trình cho vay khép kín đối với doanh nghiệp trong mối liên kết chuỗi sản xuất. Chương trình thí điểm này sẽ tập trung cung cấp tín dụng phục vụ ứng dụng công nghệ khoa học, mô hình sản xuất mới trong nông nghiệp và xuất khẩu nông thủy sản… Theo nhận định của các doanh nghiệp, việc thiết kế một chương trình tín dụng bài bản, chiều sâu cho tam nông là hướng đi cần thiết trong bối cảnh nền nông nghiệp đang được tái cơ cấu. Tuy nhiên, việc triển khai gói tín dụng này trên thực tế chắc chắn sẽ không dễ, nếu không tháo gỡ cơ chế.

Chủ doanh nghiệp Hoàng Sơn (Duy Xuyên) cho rằng, nhu cầu về tín dụng cho nông nghiệp nông thôn hiện đang rất lớn. Doanh nghiệp và nông dân rất hy vọng vào gói tín dụng “khủng” này, nhưng nếu không có cơ chế “đặc thù” thì tín dụng tam nông cũng sẽ rơi vào bế tắc. “Bởi có một thực tế ai là người đứng ra bảo lãnh cho nông dân vay vốn, làm sao ngân hàng có đủ lòng tin vào nông dân để chấp nhận họ vay vốn? Chưa kể hàng nghìn thủ tục mà nông dân sẽ phải gặp khó có thể đáp ứng nếu muốn vay vốn ngân hàng. Nếu không có các hướng dẫn cũng như những cách làm thật cụ thể, thiết thực thì gói tín dụng hỗ trợ tam nông sẽ vẫn khó đến được với nông dân” - ông Sơn nói. Ông Vũ Văn Thẩm - Chủ tịch Hội Nông dân Quảng Nam nói đã có rất nhiều chính sách, nhưng việc thực thi các nghị quyết chưa được bao nhiêu. Ngay cả chính sách khuyến khích người trồng lúa thì dân Quảng lấy đâu ra 1ha/người để được nhận hỗ trợ. Chính sách chắc gì đến được người nông dân khi các ngân hàng đều nói các giao dịch đều phải được đảm bảo?. “Chủ trương của Nhà nước tốt, nhưng đến những người thực thi thì bị siết lại. Vì sao vốn không đến được người nông dân? Phải chăng vì đó là những món vay nhỏ, tốn nhiều công sức mà ngay cả Nghị quyết 41 về tín dụng ưu đãi nông nghiệp, nông thôn vẫn không thể thực hiện được. Nông dân nghe chủ trương là phấn khởi, nhưng chờ miết không đụng được, không sờ tới đồng vốn được vì thủ tục rườm rà, khó hiểu” - ông Thẩm nói.

Trong khi chờ đợi nguồn vốn gói tín dụng sắp được công bố thì việc tạo ra một cơ chế cho vay đặc thù, an toàn và hiệu quả để các ngân hàng yên tâm giải ngân là việc cần sớm tháo gỡ. Nếu không, dù có mở gói tín dụng, dành nguồn vốn “khủng” thì nguồn vốn đến được với tam nông vẫn cứ bị bế tắc như các chương trình ưu đãi cho nông nghiệp, nông thôn đã ban hành trước đây!

TRỊNH DŨNG

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Mở lối cho tín dụng tam nông
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO