Chỉ trong thời gian ngắn từ giữa tháng 10.2018 đến đầu tháng 11.2018, hàng loạt chủ trương, quyết sách của UBND tỉnh và TP.Hội An về du lịch được ban hành nhằm thúc đẩy du lịch Quảng Nam phát triển bền vững.
Du lịch Quảng Nam đang hướng đến sự phát triển văn minh, bền vững. Ảnh: G.KHANG |
Từ Cù Lao Chàm…
Ngày 31.10 vừa qua Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân chủ trì cuộc họp tiếp thu ý kiến đóng góp từ các sở, ngành trước khi thông qua Quy chế quản lý hoạt động tham quan và tổ chức dịch vụ du lịch tại Cù Lao Chàm (Hội An). Quy chế này hướng đến phát triển du lịch Cù Lao Chàm bền vững dựa trên cơ sở bảo vệ và khai thác có hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên; bảo vệ môi trường, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống; khai thác hợp lý các tiềm năng về cảnh quan và lợi thế so sánh của đảo. Trước đó, ngày 15.10, một hội thảo về “Bảo tồn và phát triển bền vững Cù Lao Chàm” với sự tham dự của các nhà khoa học, nhà quản lý và doanh nghiệp du lịch cũng đã được tổ chức nhằm tìm giải pháp “cứu” Cù Lao Chàm trước những áp lực đang ngày càng gia tăng do du lịch mang lại. Gần đây nhất, ngày 1.11, UBND TP.Hội An cũng đã tổ chức tọa đàm “Du lịch Hội An hội nhập và phát triển”, qua đó chỉ ra các nguy cơ đe dọa đến sự tồn tại của khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm, như những biến đổi khắc nghiệt của môi trường tự nhiên cũng như sự tác động của con người…
Theo ông Nguyễn Văn Sơn – Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An, Cù Lao Chàm luôn là vấn đề quan tâm trong phát triển du lịch của thành phố. Trong đó, ngoài tình trạng ô nhiễm môi trường; cạn kiệt nguồn hải sản và tài nguyên… do du lịch phát triển quá "nóng" thì việc khai thác lén lút hải sản cũng rất đáng lo ngại. Dù những điều trên không mới kể từ khi Cù Lao Chàm phát triển du lịch nhưng luôn cấp thiết, đòi hỏi cần có giải pháp khắc phục. “Không những Cù Lao Chàm mà việc xây dựng kế hoạch và giải pháp hợp lý cho các điểm du lịch Hội An đều được thành phố chú trọng nhằm hướng đến sự phát triển bền vững và văn minh” - ông Sơn nói.
…đến môi trường, điểm đến du lịch Quảng Nam
Cùng với vấn đề du lịch Cù Lao Chàm, Hội An, hàng loạt quyết sách cũng đã được UBND tỉnh phê duyệt như Quy chế sửa đổi hoạt động homestay (31.10); Quy tắc ứng xử văn minh du lịch Quảng Nam (1.11) hay Dự thảo đề án “Hỗ trợ phát triển du lịch miền núi tỉnh Quảng Nam đến năm 2025”… nhằm thúc đẩy du lịch phát triển đúng hướng. Đặc biệt, Bộ Quy tắc ứng xử văn minh du lịch Quảng Nam có ý nghĩa tạo cơ sở điều chỉnh những hành vi, chuẩn mực của cá nhân, tổ chức tham gia hoạt động du lịch. Nhiều doanh nghiệp cho rằng đây là bước tiến lớn để môi trường du lịch tốt hơn và ngành du lịch Quảng Nam hướng đến sự văn minh, chuyên nghiệp.
Ông Lê Ngọc Tường – Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL cho rằng, những động thái diễn ra liên tiếp thời gian qua đã thể hiện sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh đối với vai trò, vị trí của ngành du lịch. Đặc biệt, du lịch đã được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn, mang tính tổng hợp để từ đó có những cơ chế chính sách phù hợp nhằm thúc đẩy du lịch Quảng Nam phát triển mạnh mẽ. “Những chính sách, cơ chế đã và sắp ban hành sẽ giúp du lịch Quảng Nam phát triển toàn diện, ổn định và bền vững, nhằm hiện thực mục tiêu đưa Quảng Nam trở thành trung tâm du lịch của miền Trung và cả nước” - ông Tường nói.
Thống kê cho thấy, trong 10 năm qua du lịch Quảng Nam luôn tăng trưởng bình quân 12 - 15%. Riêng 9 tháng đầu năm 2018 tổng lượng khách tham quan, lưu trú trên địa bàn tỉnh đạt gần 4,8 triệu lượt, tăng 15,1% so với cùng kỳ. Sự gia tăng du khách cũng đã tạo áp lực gay gắt đến môi trường, dịch vụ, sản phẩm điểm đến… Theo ông Võ Văn Vân – Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam: “Việc ban hành các văn bản, chính sách của tỉnh thời gian qua sẽ giúp du lịch Quảng Nam phát triển chuyên nghiệp, bền vững, đồng thời cũng sẽ giúp doanh nghiệp du lịch hưởng lợi rất nhiều trong hoạt động kinh doanh của mình từ môi trường văn minh và ổn định” - ông Vân nhìn nhận.
GIA KHANG