Mở lối du lịch phía nam

VĨNH LỘC 12/07/2016 08:45

Xác định sản phẩm du lịch dựa trên cơ sở tiềm năng, thị trường mục tiêu của khu vực; đề xuất các giải pháp bổ sung về cơ sở hạ tầng, quảng bá, xúc tiến đầu tư, đào tạo nguồn nhân lực nhằm tạo cơ sở phát triển du lịch phía nam trong giai đoạn đầu. Đó là những mục tiêu của dự thảo kế hoạch “Phát triển sản phẩm du lịch khu vực phía nam tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2017 - 2020” do Sở VH-TT&DL xây dựng và đang trong quá trình lấy ý kiến đóng góp của các sở, ban ngành, địa phương để hoàn chỉnh, tham mưu UBND tỉnh ban hành.

Tháp Chiên Đàn sẽ được đầu tư xây dựng trở thành điểm đến thay thế Mỹ Sơn ở phía nam.
Tháp Chiên Đàn sẽ được đầu tư xây dựng trở thành điểm đến thay thế Mỹ Sơn ở phía nam.

Đa dạng điểm đến

Theo kế hoạch, có 13 điểm du lịch phía nam của tỉnh được đề xuất tập trung phát triển trong giai đoạn 2017 - 2020 gồm: công trình Tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng, địa đạo Kỳ Anh, biển Tam Thanh (Tam Kỳ), Căn cứ cách mạng Nước Oa (Bắc Trà My), tháp Chiên Đàn (Phú Ninh), tháp Khương Mỹ, biển Rạng, du lịch cộng đồng xã đảo Tam Hải (Núi Thành), hồ Phú Ninh, biển Bình Minh, làng rau Hưng Mỹ (Thăng Bình), chợ quê Tiên Phước, du lịch cộng đồng vùng sâm Ngọc Linh (Nam Trà My). Tùy vị trí và tiềm năng mà những điểm này được kiến nghị đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng, dịch vụ, giao thông phù hợp như bãi đổ xe, nhà đón tiếp, nhà trưng bày, lưu trú homestay cũng như phục hồi các làng nghề truyền thống, đặc sản địa phương…

Khu vực phía nam của tỉnh bao gồm các huyện Thăng Bình, Núi Thành, Phú Ninh, Tiên Phước, Bắc Trà My, Nam Trà My và TP.Tam Kỳ. Đây là vùng đất có địa hình đa dạng và ẩn chứa những giá trị văn hóa của cư dân ngư nghiệp, lâm nghiệp và nông nghiệp, cùng nhiều di tích văn hóa, lịch sử cách mạng quan trọng (19 di tích quốc gia, 109 di tích cấp tỉnh). Đặc biệt, hạ tầng, dịch vụ phía nam đã và đang dần hoàn thiện, dễ dàng tiếp cận như sân bay Chu Lai, cảng Kỳ Hà, nhất là tuyến đường ven biển Đà Nẵng - Quảng Ngãi.

Ông Đinh Hài - Giám đốc Sở VH-TT&DL cho biết, giai đoạn 2017 - 2020 định hướng phát triển sản phẩm du lịch phía nam của tỉnh trở thành vệ tinh du lịch của Hội An và Đà Nẵng. Trong đó, tập trung nâng cao chất lượng và khai thác các điểm đến hiện có, phát triển các chương trình tour tìm hiểu lịch sử cách mạng; trải nghiệm văn hóa, thiên nhiên làng quê và nghỉ dưỡng kết hợp chăm sóc sức khỏe. Đối tượng hướng đến là thị trường khách công vụ, khách du lịch quốc tế lưu trú tại Đà Nẵng, Hội An và khách nội địa thị trường gần như Quảng Ngãi, Đà Nẵng và khu vực Tây Nguyên. “Hiện nay, sân bay Chu Lai mỗi ngày đã có 14 chuyến đến - đi, ngoài ra chúng tôi cũng đang lập hồ sơ công viên địa chất quốc gia cho Tam Hải, hướng đến là công viên địa chất toàn cầu. Đặc biệt, thông qua cảng Kỳ Hà trong tương lai có thể tổ chức nơi đây tour du lịch tham quan 3 đảo là Tam Hải - Cù Lao Chàm - Lý Sơn” - ông Hài nói.

Dù chưa phải là thương hiệu nổi bật, nhưng những năm qua việc đầu tư hạ tầng, dịch vụ khu vực phía nam có nhiều chuyển biến rõ rệt. Tính đến năm 2016, khu vực phía nam đã có khoảng 20 cơ sở lưu trú đủ tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch với gần 800 phòng, 50 nhà hàng đạt chuẩn và 3 doanh nghiệp đăng ký lữ hành nội địa. Năm 2015, khu vực phía nam đón khoảng 230 nghìn lượt khách (200 nghìn khách tham quan và 30 nghìn lượt khách lưu trú).

Tránh đầu tư dàn trải

Dù sở hữu nhiều điểm đến tiềm năng nhưng trên thực tế nguồn lực đầu tư khu vực phía nam vẫn chưa tương xứng, nhất là chưa có sự kết nối, phối hợp đồng bộ giữa ngành du lịch tỉnh và các địa phương trong việc giới thiệu, quảng bá, xúc tiến ra bên ngoài. Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phát triển du lịch tỉnh mới đây, ông Bùi Ngọc Ảnh - Phó Chủ tịch UBND TP.Tam Kỳ cho hay, tuy lượng khách du lịch đến Tam Kỳ có khởi sắc (6 tháng đầu năm đón khoảng 130 nghìn lượt), nhưng sản phẩm du lịch địa phương vẫn còn khá nghèo nàn, nguồn nhân lực hạn chế… nên tỉnh cần định hướng, hỗ trợ giúp đỡ Tam Kỳ phát triển du lịch. “Nói là xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng nhưng thật tình chúng tôi không biết sản phẩm đó là cái gì, mẫu mã thế nào nên khá lúng túng. Vì vậy, tỉnh phải định hướng Tam Kỳ nên làm gì, rồi khả năng đầu tư cho các điểm du lịch phía nam ra sao… chứ thời gian qua chúng ta chủ yếu chỉ quan tâm đến Hội An và Mỹ Sơn”  - ông Ảnh đề nghị.

Theo ông Lê Văn Nhi - Tổng Biên tập Báo Quảng Nam, vấn đề mấu chốt vẫn là khách đến các điểm du lịch phía nam xem gì, do vậy chất lượng điểm đến rất quan trọng, nhưng thực tế những năm qua việc đầu tư khu vực này vẫn chưa đến nơi đến chốn. “Theo tôi nên rút lại một số điểm trọng tâm nhất để tập trung đầu tư, không nên đầu tư dàn trải. Trong đó, Nhà nước chỉ đầu tư về hạ tầng và xúc tiến, còn lại do doanh nghiệp” - ông Nhi đề xuất. Cũng theo ông Nhi, có 3 điểm nên tập trung đầu tư là hồ Phú Ninh, Tam Hải và phía nam cầu Cửa Đại. Riêng điểm hồ Phú Ninh có tiềm năng rất lớn và nên được đầu tư theo hướng du lịch nghỉ dưỡng. Ngoài ra, công tác xúc tiến cũng cần tập trung về một mối là Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch Quảng Nam, các địa phương chỉ đóng góp kinh phí cho trung tâm để tổ chức quảng bá, giới thiệu chứ không thể tự xúc tiến riêng lẻ.

Đồng tình quan điểm này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Thanh khẳng định, ưu tiên đầu tư theo thứ tự, tránh dàn trải là việc cần thiết nhằm tạo ra những sản phẩm chất lượng nhất trước khi quảng bá. Trong đó, Tam Kỳ sẽ đóng vai trò trung tâm của phía nam để tạo sự lan tỏa. Riêng với các điểm tháp Chiên Đàn, Khương Mỹ, Nhà lưu niệm Võ Chí Công, Huỳnh Thúc Kháng cần chú trọng đầu tư xây dựng hạ tầng, dịch vụ. Đặc biệt, xây dựng Chiên Đàn và Khương Mỹ trở thành điểm du lịch văn hóa có thể thay thế Mỹ Sơn trong tương lai nhằm giữ khách lưu trú tại phía nam. “Tất cả các công việc từ phát triển sản phẩm, chiến lược quảng bá… phải có nhà tư vấn chuyên nghiệp, kể cả thuê chuyên gia nước ngoài. Các địa phương cũng phải chủ động trong kêu gọi xã hội hóa đầu tư vào hạ tầng, bến bãi,… chứ không thể trông chờ tất cả vào ngân sách nhà nước” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Thanh nói.

VĨNH LỘC

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Mở lối du lịch phía nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO