Mở lối hoàn lương

VÂN DU 30/03/2015 13:01

Nghị định 80 NĐ/CP của Chính phủ ban hành năm 2011 quy định các biện pháp nhằm giúp người chấp hành xong án phạt tù sớm tái hòa nhập cộng đồng, xóa bỏ mặc cảm, nỗ lực vươn lên làm ăn chính đáng và trở thành những công dân có ích cho gia đình, xã hội. Thực hiện nghị định này, một trong những biện pháp đã và đang được Quảng Nam thực hiện mang tính bền vững đó là hỗ trợ vốn vay tạo điều kiện cho người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương có điều kiện phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống.

Anh Đ.V.B. (SN 1962) đang là chủ cơ sở dệt chiếu tại xã Duy Vinh, huyện Duy Xuyên. Nhìn vào cơ ngơi khấm khá của ông chủ này, ít ai nghĩ anh đã từng một thời lầm lỡ phải chịu án phạt tù 7 năm. Nhờ quá trình cải tạo tốt, năm 2005 anh được đặc xá ra tù trước thời hạn. Trở về địa phương với bao mặc cảm, tuy nhiên được sự động viên của gia đình, chính quyền, anh quyết tâm làm lại từ đầu. Với 40 triệu đồng vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội, anh tạo dựng cơ ngơi từ nghề dệt chiếu truyền thống của gia đình. Đến nay, cơ sở sản xuất của anh đã hoạt động ổn định, hiệu quả, giải quyết việc làm cho hàng chục lao động địa phương.

Cũng giống như anh Đ.V.B., anh V.V.H. ở xã Duy Nghĩa (Duy Xuyên) cũng làm lại cuộc đời sau 13 năm thi hành án phạt tù. Trở về địa phương, thấm thía cái giá phải trả cho sự lầm lỗi trong quá khứ, anh H. quyết chí làm người lương thiện. Cùng với sự giúp sức của chính quyền, các cơ quan đoàn thể và gia đình, chính nguồn vốn vay từ sự bảo lãnh của Công an xã, anh mở xưởng điêu khắc mỹ nghệ để ổn định cuộc sống. Hiện nay, xưởng mỹ nghệ của anh tạo việc làm ổn định cho 3 lao động và dạy nghề cho 2 người xin học việc. Anh H. chia sẻ: “Về địa phương sau khi chấp hành án phạt tù, tôi quyết chí làm lại cuộc đời. Trong bao khó khăn làm tôi phải trăn trở, “vốn làm ăn” là vấn đề đặt ra nhiều suy nghĩ nhất. Nhờ sự giúp đỡ, bảo lãnh của chính quyền tạo điều kiện vay vốn, tôi mở xưởng mộc mỹ nghệ. Mộc là nghề truyền thống của gia đình, và trong thời gian thụ án tôi đã được nâng cao tay nghề ở xưởng mộc của trại tạm giam”.

Từ năm 2002 đến tháng 1.2014, Quảng Nam có 5.056 người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương, trong đó 4.535 người có việc làm, ổn định cuộc sống. Ở nhiều địa phương, sự bảo lãnh của đoàn thể, chính quyền địa phương đã tạo điều kiện cho người chấp hành xong án phạt tù được vay vốn sản xuất, làm kinh tế, ổn định cuộc sống. Như tại Duy Xuyên, việc bảo lãnh vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội với lãi suất thấp đã tạo điều kiện cho người chấp hành xong án phạt tù phát triển kinh tế, làm lại cuộc đời. Bà Nguyễn Thị Mỹ - Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Duy Xuyên cho biết: “Thời gian qua, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Duy Xuyên đã phối hợp với Công an huyện thực hiện hỗ trợ vốn vay cho người chấp hành xong án phạt tù trở về, giúp họ có điều kiện phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống. Công tác cho vay vốn với các đối tượng này được giám sát chặt chẽ và phát huy hiệu quả. Việc hoàn trả vốn vay đã và đang được thực hiện tốt”.

Không chỉ tại Duy Xuyên, hầu hết địa phương trên địa bàn tỉnh đã và đang thực hiện việc hỗ trợ vốn vay cho người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương thông qua hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội. Với sự hỗ trợ kịp thời của xã hội cả về vật chất, tinh thần, đặc biệt là tạo điều kiện về việc làm, vốn vay... đã giúp những người lầm lỡ trở thành người có ích cho xã hội.

VÂN DU

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Mở lối hoàn lương
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO