Tại các khu dân cư trên địa bàn TP.Tam Kỳ, nhiều lối thoát hiểm bị chiếm dụng, bưng bít gây khó khăn cho công tác cứu nạn cứu hộ, nhất là khi có cháy xảy ra.
Giữa đêm 15.2.2021, một vụ cháy lớn đã xảy ra tại 2 ngôi nhà ở đường Trưng Nữ Vương, ngay trung tâm TP.Tam Kỳ. Từ đám cháy nhà ông H.H. (kinh doanh dầu nhờn và thiết bị phụ tùng xe máy), đã nhanh chóng cháy lan sang nhà kinh doanh áo cưới bên cạnh.
Chỉ trong thời gian ngắn, cả hai ngôi nhà đều bùng cháy mạnh, tài sản đều bị thiêu rụi. Lúc đó ông H. cố gắng tìm cách sống sót chờ cứu hộ, vì toàn bộ gian nhà phía trước đều bốc cháy dữ dội, phía sau lại không có lối thoát hiểm.
“Chỉ trong vòng 5 phút là khói đã đen kịt toàn bộ ngôi nhà. Nếu lúc đó có lối thoát hiểm phía sau thì tôi đã tự thoát được ra ngoài, nhưng vì không có nên tôi chỉ còn biết trùm mền ướt, đợi cứu hộ vào cứu” - ông Hải kể lại.
Trong khi đó, tiệm áo cưới bên cạnh cũng bị cháy lan rất nhanh, chị K.L. (chủ nhà) vẫn còn bàng hoàng khi kể lại sự việc: “Lúc đó là 12 giờ khuya, chỉ có mẹ tôi ẵm một đứa con của tôi thoát được ra ngoài, ngay sau đó đám cháy lan rất nhanh, toàn bộ phía trước đều cháy khiến vợ chồng tôi cùng hai con nhỏ và bà dì bị mắc lại bên trong. Chúng tôi chạy ra phía sau, nhưng đường thoát hiểm đều bị bịt kín, khói đen bắt đầu lan nhanh xuống dưới, chúng tôi phải chạy lên tầng 3 và ở đó chờ cứu hộ”.
Thực tế, theo quy hoạch phía sau dãy nhà của ông H. và bà L. có lối thoát hiểm nhưng từ rất lâu nó đã bị bịt kín. Từ nhà đầu ngõ đến cuối ngõ đều xây dựng cơi nới trên lối thoát hiểm. Đây cũng là tình trạng chung của hầu hết các khu dân cư cũ và mới.
Hậu quả, khi không còn lối thoát hiểm, nếu có hỏa hạn xảy ra, người gặp nạn không thể thoát ra ngoài và lực lượng cứu hộ cũng gặp rất nhiều khó khăn để tiếp cận hiện trường. Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH Công an tỉnh cho biết, từ năm 2021 đến nay trên địa bàn tỉnh xảy ra 61 vụ cháy, trong đó tại Tam Kỳ có 14 vụ.
Trung tá Phạm Văn Nhất - Phó Trưởng phòng Cảnh sát PCCC&CNCH cho biết: “Thực tế nhiều nhà dân trong khu dân cư không đảm bảo lối thoát hiểm, không có lối thoát hiểm khẩn cấp, lối thoát hiểm dự phòng hoặc có nhưng đã bị người dân hàn khung sắt, che chắn bằng các cấu kiện làm mất tác dụng của lối thoát nạn.
Vì vậy khi có sự cố cháy xảy ra thì người dân không thoát ra ngoài kịp thời. Cùng với đó, người dân cũng không chủ động trang bị cho mình phương án thoát nạn cũng như không trang bị các phương tiện dụng cụ để phá dỡ lối thoát nạn nên khi có cháy xảy ra thì không thoát ra ngoài kịp thời”.
Hiện nay, Tam Kỳ quyết liệt xử lý và giải quyết tình trạng lấn chiếm lối thoát hiểm để đảm bảo cứu nạn cứu bộ khi có tình huống. Tuy nhiên, nhiều người vẫn chưa tự giác phối hợp, cố tình tái vi phạm. Trong đó có những khu dân cư, nhà dân đã xây dựng kiên cố từ rất lâu ngay trên lối thoát hiểm.