Mơ mơ màng màng...

VU GIA 09/10/2016 08:26

Mới rồi, có một viện nghiên cứu và một trường đại học đã phối hợp tổ chức hội thảo “Giá trị văn hóa trong gia đình”. Chủ đề khá thú vị, nên không ít người như tôi đến lắng nghe, những mong rút ra được bài học để lo cho gia đình nho nhỏ của mình, có chút “bổi” để thắp lên ngọn lửa tin yêu cho con cháu mình… Hàng chục năm qua, chúng ta có rất nhiều “Gia đình văn hóa”, rất nhiều khu phố văn hóa, làng văn hóa, xã văn hóa, phường văn hóa… Nhưng hằng ngày, báo chí phản ánh nào là cướp của giết người, nào là cha con, anh em, vợ chồng, chém giết nhau, nào là đồng đội, đồng chí bắn giết nhau...

Tranh minh họa.
Tranh minh họa.

Tại hội thảo trên, các đại biểu cho rằng khuôn mẫu văn hóa gia đình chuyên chở các giá trị của một thời đại, một xã hội, khẳng định những giá trị văn hóa cội nguồn của dân tộc. Đúng quá! Thiết thực quá! Bổ ích quá! Kịp thời quá! Và người nghe được nghe những lời vàng ý ngọc của quý vị có chức danh, có học vị mà khi giới thiệu còn vang hơn cả tiếng chuông.

Ngày xưa, các bậc thức giả khi đọc sách “Trung dung” của Tử Tư dẫn lời Khổng Tử, thì sung sướng thốt lên: “Sáng nghe, chiều chết cũng đành”, nên tôi cũng lo lo. Nhưng rất may mắn là những lời được gọi là vàng ngọc trong buổi hội thảo ấy chẳng phải là lời của thánh hiền nên chẳng ai chết, trong đó có tôi.

Một đại biểu cho rằng “trong quá trình đô thị hóa, người dân phải đương đầu với hàng loạt vấn đề về môi trường sống, tệ nạn xã hội, sự vô cảm… nên gia đình cũng đối mặt những nguy cơ cá nhân hóa, tôn vinh cái tôi, không cần sự kết nối hay quan tâm tới các thành viên… Bố mẹ, con cái mỗi người đóng cửa khép kín trong phòng riêng, không có bữa cơm chung, không có sinh hoạt gia đình”. Thực trạng đó khiến nhiều người nghĩ “đô thị hóa” chẳng tốt lành chi; “tôn vinh cái tôi” cũng bậy bạ. Nhưng ngẫm lại, việc “đô thị hóa” là bước tiến mới của đất nước sau hàng chục năm đổi mới, và “tôn vinh cái tôi” có gì sai? Sau 10 năm (1932-1941), Thơ Mới có mặt trên văn đàn và làm chủ văn đàn, Hoài Thanh có bài viết: “Một thời đại trong thi ca”. Hoài Thanh cho hay: “Ngày trước là thời chữ ta, bây giờ là thời chữ tôi”, và “Đời chúng ta nằm trong vòng chữ tôi”. Vậy, việc “tôn vinh cái tôi” là một bước tiến của nhân loại, và dân tộc ta tiếp nhận nó, chứ không phải tự dưng mà có. Còn việc “Bố mẹ, con cái mỗi người đóng cửa khép kín trong phòng riêng, không có bữa cơm chung, không có sinh hoạt gia đình” làm cho xã hội, gia đình lắm nhiễu nhương như hôm nay, thì trước đây những học sinh miền Nam như thế nào? Những đứa trẻ thôn quê trôi dạt ra thành phố làm đủ thứ nghề để kiếm tiền đi học “không có bữa cơm chung, không có sinh hoạt gia đình” như chúng tôi thì như thế nào?

Vị đại biểu này còn cho rằng “Lối sống phóng túng cũng làm xuất hiện nhiều bà mẹ “trẻ con””, nghe cũng lạ. Là người Việt Nam dường như phần lớn đều nhớ câu ca dao: “Lấy chồng từ thuở mười ba/ Đến khi mười tám, thiếp đà năm con/ Ra đường, thiếp vẫn còn son/ Về nhà, thiếp đã năm con với chàng”; hoặc những bậc thân mẫu của một số  anh hùng chí sĩ khi sinh họ ra lúc mới 16 tuổi, chẳng lẽ do “lối sống phóng túng”?

Một vị đại biểu khác nói như đinh đóng cột: “Tâm lý trọng tiền càng lúc càng phổ biến, một bộ phận lớn trong xã hội đánh giá con người không bằng trí tuệ, đạo đức, lối sống mà bằng việc đi xe gì, tiêu bao nhiêu tiền...”, tôi thấy cũng kỳ kỳ. “Tâm lý trọng tiền” có gì sai? Nếu ai ai cũng coi thường đồng tiền, không có “tâm lý trọng tiền” thì xã hội không phát triển và đất nước chúng ta cũng chẳng cần đổi mới, chẳng cần xóa bỏ nền kinh tế tập trung quan liêu, bao cấp để chuyển sang nền kinh tế thị trường làm chi. Còn việc “xã hội đánh giá con người” là do chính thực lực con người ấy tạo nên, chứ không có quyền lực nào bắt buộc được, nếu có cũng chỉ nhất thời.

Một vị khác phát biểu nghe rất là khoa học, rất là hàn lâm: “Mọi sự truyền dạy, giáo dục tốt nhất đều từ gia đình. Cần nhận thức sâu sắc về vai trò của gia đình và chuẩn mực văn hóa truyền thống, kết hợp hiệu quả giữa giáo dục gia đình, dòng họ với giáo dục nhà trường”, nhưng tôi không biết “nhận thức sâu sắc” như thế nào, không biết “chuẩn mực truyền thống” tròn méo ra sao, rồi làm sao “kết hợp hiệu quả giữa giáo dục gia đình, dòng họ với giáo dục nhà trường”?

Ý chung của nhiều đại biểu là phải lấy gia lễ, gia giáo, giáo dục trong gia đình làm nền tảng xây dựng đạo đức con người, song tôi cứ lùng bùng lỗ tai. Theo Từ điển Tiếng Việt, “lễ giáo” là những điều giáo dục về khuôn phép sống theo tư tưởng Nho giáo. Hơn nửa thế kỷ qua, chúng ta xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa, lấy chủ nghĩa Mác-Lênin làm kim chỉ nam hành động, lẽ nào quay về lại thời phong kiến? Và tư tưởng Nho giáo là tư tưởng gì? Nơi nào dạy tư tưởng này? Cũng theo Từ điển Tiếng Việt, “gia giáo” là sự giáo dục trong gia đình (thường nói về gia đình phong kiến thời trước), rứa thì cái “gia lễ”, “gia giáo” hắn dài ngắn ra răng? Văn hóa xã hội chủ nghĩa mà chúng ta nỗ lực xây dựng hơn nửa thế kỷ qua chạy đi đâu không thấy nhắc tới? Chủ nghĩa Mác-Lênin có vai trò gì trong việc này?

Một vị lãnh đạo cấp sở đề nghị để có được giải pháp toàn diện, rất cần xây dựng chiến lược gia đình từ nay đến năm 2020 và xa hơn nữa. Nghe cũng mừng, nhưng qua buổi hội thảo này, tôi cứ thấy mơ mơ màng màng, không biết việc “xây dựng chiến lược gia đình” ấy theo chuẩn mực nào?

Những cuộc hội thảo như thế có cần thiết không, và mỗi năm trên đất nước này có bao nhiêu cuộc hội thảo như thế?

VU GIA

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Mơ mơ màng màng...
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO