Ngày 23.3, công trình nâng cấp, cải tạo tuyến ĐT610 khánh thành, chính thức mở “nút thắt” trên trục giao thông chiến lược nối Nông Sơn - Duy Xuyên, mở ra cơ hội đổi thay cho cả một vùng quê.
Mở “nút thắt”
Nông Sơn có nhiều tiềm năng lợi thế để phát triển, nhất là du lịch văn hóa, du lịch sinh thái, mà sao vùng đất này lại khó thoát nghèo? Nông Sơn có điều kiện phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại, phát triển du lịch - dịch vụ, công nghiệp. Nếu viện dẫn, do một huyện miền núi mới được chia tách (năm 2008), có điểm xuất phát thấp, thường xuyên bị ngập lụt, lốc xoáy và lũ quét cũng đúng, song chưa đủ thuyết phục. Nguyên nhân có nhiều, nhưng quan trọng là giao thông vận tải (GTVT) liên vùng còn hạn chế.
Mặt đường ĐT610, đoạn nối xã Duy Phú với xã Quế Trung đã được kiên cố hóa.Ảnh: CÔNG TÚ |
Muốn phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh - quốc phòng thì hạ tầng giao thông cần phải “đi trước một bước” nhưng lâu nay người dân Duy Xuyên, Đại Lộc, Điện Bàn chưa thể rút ngắn thời gian tới Nông Sơn vì tuyến đường huyết mạch ĐT610 nối xã Duy Phú (Duy Xuyên) với xã Quế Trung (Nông Sơn), thuộc lý trình km25+750-km36+410,94 là đường cấp phối, việc lưu thông chẳng khác nào cực hình. Người dân đành xuống quốc lộ 1 rồi vòng lên tuyến ĐT611, hoặc phải sử dụng đò dọc mới về nơi cần tới.
“Nút thắt” đoạn tuyến ĐT610 đã kìm hãm bao ước mơ đổi đời. Trú thôn Trung An (xã Quế Trung), nhà ông Trần Đức nằm ven “điểm nghẽn” nên chứng kiến nhiều chuyện bi ai. Ông Đức kể rằng, những hôm trời mưa, trẻ em nghiêng ngả dắt xe đạp trên mặt đường lầy lội, đá lởm chởm và trơn trợt để đến trường nhìn thật tội nghiệp. Vào mùa nắng ráo, hễ có ô tô tải chở keo hay than đá, gạch ngói ì ạch chạy qua là bụi bay mù mịt, ảnh hưởng sức khỏe của cư dân ven đường. Nông dân muốn cải thiện thu nhập, nhưng nuôi con gì, trồng cây nào lúc tiêu thụ đều bị ép giá do đường sá tệ quá. “Đầu tư kinh tế rừng, kinh tế trang trại mà giao thông cách trở cũng không mang lại hiệu quả, làm sao bà con mình dứt được cái nghèo” - một người dân xã Quế Trung nói. Bà Đoàn Thị Hai trú tại thôn Bàn Sơn, xã Duy Phú cho hay, hồi trước có xe đò chạy từ Nông Sơn qua Duy Xuyên để xuống Nam Phước rồi ra Đà Nẵng. Về sau, đường ngày càng xấu nên họ bỏ luôn. Người dân các xã vùng tây Duy Xuyên mất đi một luồng tuyến lưu thông thuận tiện xuống quốc lộ 1.
Thi công đoạn nắn tuyến qua đèo Phường Rạnh để đảm bảo an toàn giao thông. |
Chính thức mở đường
Phó Giám đốc Sở GTVT - ông Trần Thanh An có lần nói với chúng tôi, rằng sau ngày tái lập tỉnh đến nay, ĐT610 đã được tỉnh quan tâm đầu tư nâng cấp nhưng chủ yếu từ đầu tuyến, nơi giáp quốc lộ 1 lên đến km25+750 (ngã tư vào Khu đền tháp Mỹ Sơn, thuộc xã Duy Phú). Phía bên cuối tuyến, qua địa bàn Nông Sơn chỉ mới thực hiện được một đoạn rồi dừng lại do gặp khó khăn về nguồn vốn. Đoạn nối giữa xã Duy Phú với xã Quế Trung thì rơi rớt lại. Thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thiên tai và xe quá tải trọng qua lại, tuyến đường huyết mạch qua đèo Phường Rạnh xuống cấp trầm trọng. Cử tri địa phương đã bao lần kiến nghị với đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh, song dự án mãi chưa thực hiện do nguồn vốn ngân sách gặp khó khăn. Còn nhớ tại kỳ họp cuối cùng của HĐND tỉnh năm 2014, đại biểu Huỳnh Tấn Triều - Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, nguyên Chủ tịch UBND huyện Nông Sơn và đại biểu Nguyễn Công Dũng - Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên tha thiết đề nghị UBND tỉnh sớm đầu tư kiên cố hóa bề mặt “điểm nghẽn” của tuyến đường này. Có như thế, việc lưu thông trên tuyến mới an toàn, liên hoàn với dự án cầu Giao Thủy khi hoàn thành.
Theo ông Nguyễn Văn Nhân - nguyên Giám đốc Sở GTVT, thực trạng trên đã được ngành nắm bắt và tham mưu UBND tỉnh cho chủ trương thực hiện. Cùng với đó, quy hoạch phát triển GTVT được HĐND tỉnh thông qua năm 2014, ghi rõ: năm 2015 phải tiến hành nâng cấp, cải tạo mặt đường ĐT610. Ngày 22.5.2015, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1815/QĐ-UBND phê duyệt bổ sung dự án thành phần đầu tư xây dựng đường và công trình tuyến ĐT610, đoạn nối 2 huyện Duy Xuyên - Nông Sơn, lý trình km25+750 - km36+410,94, vào dự án đầu tư xây dựng công trình đường tránh lũ, cứu hộ, cứu nạn khu trung tâm hành chính huyện Nông Sơn và vùng phụ cận. Dự án thành phần này có điểm đầu tại ngã tư đường vào tháp Mỹ Sơn, điểm cuối nối đường tránh lũ, cứu hộ, cứu nạn khu trung tâm hành chính Nông Sơn. Tổng mức đầu tư 125 tỷ đồng, trích từ ngân sách nhà nước. Sở GTVT được giao làm chủ đầu tư; Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh là đại diện chủ đầu tư. Ngày 1.11.2015, công trình chính thức được khởi công xây dựng.
Vận hội mới
Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Nguyễn Thanh Tâm cho biết, dự án nâng cấp, cải tạo tuyến ĐT610 có tổng chiều dài 10,64km, thiết kế theo tiêu chuẩn đường cấp IV miền núi, vận tốc thiết kế 40km/h. Nền đường rộng 7,5m (mặt rộng 5,5m, lề rộng mỗi bên 1m), lề gia cố bê tông xi măng mỗi bên rộng 0,5m. Gói thầu số 1 (địa phận Duy Xuyên) do Công ty TNHH Đầu tư và phát triển xây dựng Trường Giang thi công; gói 2 (địa phận Nông Sơn) do liên danh Công ty TNHH Đầu tư và phát triển xây dựng Trường Giang và Công ty TNHH Thương mại và xây dựng 126 đảm nhận thực hiện. |
“Nút thắt” tuyến huyết mạch mở ra sẽ mang đến niềm tin và hy vọng thoát nghèo cho cả vùng quê rộng lớn. Nhiều người hàng ngày ra xem công nhân làm việc, một số gia đình còn làm tiệc đãi các cán bộ kỹ sư, công nhân lao động đang thi công trên công trường. Liên danh nhà thầu (Công ty TNHH Đầu tư và phát triển xây dựng Trường Giang và Công ty TNHH Thương mại và xây dựng 126) xem đó là niềm động viên quý giá để họ nỗ lực lao động hết mình nhằm đền đáp tấm chân tình của người dân vùng sơn cước. Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh - ông Nguyễn Thanh Tâm cho hay, chủ đầu tư đặt ra tiến độ xây dựng 17 tháng (dự kiến đưa vào sử dụng ngày 1.6.2017). Nhưng trước tầm quan trọng của dự án và để khớp nối liên hoàn cầu Giao Thủy, UBND tỉnh và Sở GTVT chỉ đạo thúc đẩy nhanh tiến độ, rút ngắn thời gian về đích. Ban đã cử cán bộ kỹ sư giàu kinh nghiệm bám sát công trình để điều hành, giám sát thi công. Lực lượng của tư vấn giám sát luôn bám sát quá trình thực hiện từ phía nhà thầu.
Tuyến ĐT610 được nâng cấp, cải tạo là cơ hội để tỉnh, huyện khai phá tiềm năng về du lịch văn hóa, du lịch sinh thái. Bởi từ Di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn (Duy Xuyên), du khách sẽ dễ dàng lên thăm Nông Sơn khi băng qua những khu rừng keo lá tràm, những cánh đồng lúa tươi non, những biền dâu xanh ngát. Để từ đây tìm hiểu nhiều truyền thuyết gắn liền với tên làng, tên núi, tên sông, danh thắng như: vườn Tiên, núi Chúa, núi Cà Tang, Hòn Kẽm Đá Dừng, lăng Bà Thu Bồn, Tí, Sé, Dùi Chiêng, làng trái cây Đại Bình, nước nóng Tây Viên, thủy điện Khe Diên hay mỏ than Nông Sơn. |
Để cơ động khi di chuyển, liên danh nhà thầu cho lắp đặt trạm trộn bê tông xi măng tươi ngay trên công trường. Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư và phát triển xây dựng Trường Giang - bà Hồ Thị Lê là người trực tiếp “trụ bám” chỉ huy cán bộ kỹ thuật, công nhân lao động suốt ngày này qua tháng nọ. “Chúng tôi quán triệt về trách nhiệm, vinh dự khi được giao thực hiện dự án nâng cấp ĐT610. Đây là công trình trọng điểm, có ý nghĩa lớn lao đối với vùng tây Quảng Nam, đặc biệt là các huyện Nông Sơn, Duy Xuyên. Vì thế, chủ đầu tư, đơn vị thi công đã khắc phục khó khăn để đẩy nhanh tiến độ, đưa công trình hoàn thành trước hạn định hơn 2 tháng” - bà Hồ Thị Lê nói với chúng tôi. “Rõ ràng, đoạn tuyến này được đầu tư đã góp phần hoàn thiện mạng lưới đường ĐT theo chương trình trọng tâm phát triển cơ sở hạ tầng của tỉnh nhà. Cung đường thông suốt sẽ đảm nhiệm nhiều vai trò quan trọng, mà trước tiên tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại và vận chuyển hàng hóa. Đặc biệt, khoảng cách từ Nông Sơn đến các trung tâm huyện, thành phố lân cận khác sẽ được rút ngắn đáng kể” - ông Trần Thanh An phấn khởi chia sẻ.
Ngoài tuyến ĐT611 ở hướng đông nam, cung đường ĐT610 còn kết nối liên hoàn với cầu Giao Thủy, qua ĐT609B (giao ĐT609), ra quốc lộ 14B hướng về cảng Tiên Sa (Đà Nẵng) để tạo nên một trục giao thông huyết mạch. “Giao thông đi trước một bước” đang mở ra vận hội mới để thoát nghèo, thu hút đầu tư khai phá tiềm năng của các địa phương liên quan. Bên cạnh hiệu quả kinh tế mang lại, “mạch máu” này còn giải quyết những vấn đề an sinh xã hội, nhờ đó mà lòng dân phấn khởi.
CÔNG TÚ