Mở ra để... cãi tiếp

NGUYỄN ĐIỆN NAM 05/08/2019 15:51

Gặp ông bạn già xa xứ về thăm quê, hàn huyên trên trời dưới đất đôi hồi về lịch sử, văn hóa, rồi thế nào cũng có chuyện… cãi. Đành chép miệng “Quảng Nam hay cãi” đó mà!

Thực ra tính cãi thì người ở đâu cũng có. Nhưng nó “đóng đinh” vận vào người Quảng hẳn vì nhiều nguyên do. Trên sinh lộ tiến về phương Nam, dừng chân ở xứ Quảng người Việt ở xen với người Chàm. Văn hóa giao thoa, hỗn dung, tiếp biến nhiều giá trị, đã thành hình tính cách con người mang những đặc thù của vùng đất Mở. Như nhận xét của Li Tina “những người khai hoang ít ràng buộc bởi những gò bó của một địa vị xã hội cao và những quy định trong cách ứng xử của xã hội cũ, nên được tự do phát huy sáng kiến... Người dân có khuynh hướng cởi mở tự nhiên hơn... có lòng quảng đại của người di dân đối với người khác”(Xứ Đàng Trong).

Con người ở vùng đất mới này có sự phóng khoáng, cởi mở hơn bởi ít bị ràng buộc trong những lễ nghi, tập quán khuôn khổ như ở nguyên quán. Vì vậy, cấu trúc làng xã ở xứ Quảng  có nhiều nét khác miền ngoài. Phép vua và lệ làng ở đây, không có mức độ ràng buộc, tác động đến chân tơ kẽ tóc của người dân trong làng xã như ở miền Bắc, và đã có những CẢI biên, CẢI biến, CẢI tạo... Mà đã CẢI như thế hẳn nhiều lúc phải CÃI với tư tưởng cũ, lề lối cũ; CÃI với xưa và CÃI với nay để tìm hướng đi mới; tranh CÃI, tranh luận để xác lập giá trị mới (tất nhiên, cái cũ cũng cố tìm cách CÃI lại để bảo vệ giá trị của mình, nhưng dần dần đã bị cái mới CẢI tạo, lấn át).

Song hành với những cuộc CẢI biến về cấu trúc cộng đồng xã hội, CẢI tạo về tư tưởng là một cuộc CẢI tạo tự nhiên vô cùng vĩ đại. Công lao khai khẩn, khai canh, khai cư của tiền nhân thật lớn lao, khó nhọc. Kết quả là bản đồ Đại Việt có thêm vùng đất rộng lớn ở phương Nam (Quảng Nam).

Cái sự CÃI để CẢI, còn có mặt tích cực ở chỗ hình thành cảng - thị, giao thương buôn bán. Thương mãi ở Đàng Trong một thời được coi trọng hơn nhiều. Thương nhân được trọng vọng, Chúa Nguyễn cũng gửi thư thăm hỏi đến cả thương nhân Nhật, hay giao cho người Minh Hương phụ trách cảng vụ Hội An. Rõ ràng, cách đây mấy trăm năm, việc CÃI về chính sách kinh tế đã diễn ra, và cơ cấu kinh tế đã ít nhiều được CẢI biến. Từ đó, tính cách thị dân và tính cách nông dân đã CẢI hóa lẫn nhau để tạo nên một nét đặc thù: người Quảng vừa làm nông vừa chạy chợ, vừa chân đồng vừa chân biển, vừa làng vừa phố. Tính cách hoạt mà tĩnh, buôn bán thì kiếm lời nhưng trọng chữ tín nghĩa, ở chợ mà hồn vẫn chân quê.

Tính hay cãi, hay tính nóng nảy như thế nước chảy gấp mà các sử quan triều Nguyễn từng ghi nhận là do phong khí vùng đất. Nhưng theo chúng tôi không chỉ do ở thiên tính, cốt tính mà còn bởi tác động của xã hội. Nếu con người đã thật thà, chất phác thì ưa kiện tụng để làm gì? Phải chăng, vì trực tính mà không thể chịu được những bất công, ngang trái, ngu xuẩn nên mới CÃI với thiện ý để CẢI, chống lại hoặc giáo hóa để tìm ra lẽ đúng, lẽ thật. Nhưng cái sự cãi cũng mang lại không ít rắc rối “...người Quảng Nam bị nhiều trắc trở trong việc thăng quan tiến chức mà một trong những lý do chính, quan trọng có thể vì bệnh hay cãi mà ra. Cãi đúng hay sai, điều ấy không thể biết được vì nó đã thuộc về dĩ vãng. Nhưng chỉ cần nghe tiếng “hay cãi” là không cấp lãnh đạo nào “ nghe” dễ chịu. Đó là những người bình thường nhưng lại thích đẩy sự bàn luận đến triệt để, chứ không kể những nhân vật có bệnh cãi bằng một giọng trịch thượng, khiêu khích... (Nguyễn Văn Xuân - Vài suy nghĩ về tính cách Quảng Nam).

Ngày nay làm thế nào để chuyện “hay cãi” có thiện ý. Để phát triển, hẳn sẽ tiếp tục CÃI để... CẢI. Từ CÃI đến được CẢI (thay đổi, sáng tạo) mới hay.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Mở ra để... cãi tiếp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO