Mở rộng biên độ Quỹ đầu tư phát triển: Cơ hội thúc đẩy phát triển

TRỊNH DŨNG 18/03/2021 09:54

Tại Kỳ họp thứ 22 vào ngày 16.3 vừa qua, HĐND tỉnh đã phê chuẩn gia tăng vốn điều lệ Quỹ Đầu tư phát triển Quảng Nam và mở rộng danh mục đầu tư. Quyết định trên có tạo cơ hội cho quỹ này gia tăng phát triển hay không vẫn phải chờ thực tế trả lời.

 

Thúc đẩy đầu tư tư nhân

Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Đức, Khu phố chợ Điện Nam Trung (Điện Bàn), Khu phố chợ Nam Phước (Duy Xuyên), Bệnh viện Đa khoa Thăng Hoa (Thăng Bình)…; hay 8 dự án được tài trợ vốn năm 2020 (giải ngân 162,595/233 tỷ đồng tổng hạn mức cho vay) như nhà ở Khu phố chợ Khâm Đức (Phước Sơn), Trường Đồng (Tam Kỳ), Sky-line (Điện Bàn), Trung tâm Đào tạo sát hạch lái xe (Phú Ninh), mở rộng, nâng cấp Bệnh viện Đa khoa Minh Thiện (Tam Kỳ)… được xem là những điển hình hiệu quả của đồng vốn đầu tư từ Quỹ Đầu tư phát triển Quảng Nam từ 10 năm qua.

Theo thống kê, trong 10 năm qua, Quỹ này đã cho vay đầu tư hơn 67 dự án thuộc nhiều lĩnh vực phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội địa phương với tổng hạn mức cam kết hơn 1.329 tỷ đồng (đã giải ngân 932,941 tỷ đồng). Tổng số các dự án Quỹ tham gia cho vay còn hiệu lực đến thời điểm này là 22, tổng mức vốn cam kết cho vay của các dự án khoảng 700 tỷ đồng, dư nợ cho vay đến cuối năm 2020 hơn 400 tỷ đồng. Chỉ tính giai đoạn 2016 - 2020, chênh lệch thu - chi tăng hàng năm, góp phần tăng nhanh nguồn vốn hoạt động, tỷ suất lợi nhuận trên vốn điều lệ ngày càng tăng, bình quân khoảng 10% mỗi năm.

Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Đức và khu phố chợ Điện Nam (Điện Bàn) là những dự án có sự đóng góp lớn của Quỹ đầu tư phát triển. Ảnh: T.D
Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Đức và khu phố chợ Điện Nam (Điện Bàn) là những dự án có sự đóng góp lớn của Quỹ đầu tư phát triển. Ảnh: T.D

Theo nhiều phân tích, không phải tại thiếu năng lực, mà cơ chế, chính sách “không rõ ràng” đã trở thành rào cản, khiến việc tồn tại hay giải thể của Quỹ luôn đặt trên bàn nghị sự. Đầu tư trực tiếp, góp vốn thành lập doanh nghiệp bị cắt giảm, nhiều dự án đầu tư buộc dừng. Từ năm 2018, Quỹ chỉ còn hoạt động cho vay một số lĩnh vực quá hẹp và đầy rủi ro về mặt chính sách và thị trường.

Ông Đặng Phong - Giám đốc Sở Tài chính nói, thiếu địa vị pháp lý, không văn bản cụ thể về cơ chế hoạt động, thiếu sự thống nhất mô hình hoạt động, tổ chức bộ máy hay sự phân cấp, giao trách nhiệm cụ thể từ trung ương đến từng địa phương không rạch ròi, quy định các lĩnh vực đầu tư, danh mục cho vay cứng nhắc, không tương thích với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội địa phương… Vốn điều lệ, chủ sở hữu thấp, không thể đáp ứng được nhu cầu vay vốn hay đầu tư trực tiếp của các dự án có tổng mức đầu tư lớn. Song, dù đầu tư trực tiếp, cho vay đều bị khó khăn, nhưng Quỹ này vẫn đạt mục tiêu, hiệu quả bảo toàn (tăng thêm 83% so với vốn ngân sách cấp ban đầu). Mỗi đồng vốn hoạt động của Quỹ cho vay, góp vốn đã thu hút hơn 3,6 tỷ đồng vốn tư nhân tham gia đầu tư kết cấu hạ tầng… đã là thành công!

Cơ hội thay đổi

Quyết định tăng vốn (300 tỷ đồng vốn điều lệ), mở rộng danh mục cho vay đầu tư của Quỹ (7 lĩnh vực) giai đoạn 2021 - 2025 vừa được HĐND phê chuẩn như một lời xác nhận, xóa tan mối nghi ngờ về tính thiếu hiệu quả của Quỹ đầu tư phát triển.

Ông  Nguyễn Đức - Trưởng ban Kinh tế ngân sách HĐND tỉnh nói, việc tăng vốn, nới rộng danh mục đầu tư, tạo điều kiện, đáp ứng nhu cầu mở rộng, phát triển nâng cao quy mô hoạt động của Quỹ là cần thiết. Song, cần huy động thêm nhiều nguồn lực. Căn cứ chủ trương, định hướng, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội Quảng Nam từng năm, từng thời kỳ để xây dựng lộ trình cho vay, đầu tư theo thứ tự ưu tiên (nhất là đối tượng vay vốn, đầu tư thực hiện dự án tại các huyện miền núi, địa bàn khó khăn), chú trọng khâu thẩm định, lựa chọn danh mục đầu tư, cho vay phù hợp khả năng huy động nguồn lực, quy mô hoạt động, đảm bảo an toàn của nguồn vốn của Quỹ.

Ông Nguyễn Tiên Thạch - Giám đốc Quỹ đầu tư phát triển Quảng Nam nói, việc tăng vốn điều lệ bổ sung cho Quỹ giai đoạn 2021 - 2025 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, góp phần mở rộng quy mô hoạt động, tăng tiềm lực tài chính, từng bước đưa quỹ trở thành công cụ đắc lực trong đầu tư tài chính, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội địa phương.

Sự tăng vốn hoạt động sẽ đáp ứng nhu cầu cho vay các dự án tiềm năng đã xúc tiến đầu tư, vì hiện tại nguồn vốn của Quỹ không đủ để cấp hạn mức tín dụng cho các dự án mới. Việc gia tăng hạn mức đầu tư và cho vay các dự án quy mô lớn có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Quỹ sẽ cải thiện được tính thanh khoản, đảm bảo cơ cấu tài chính đạt mức an toàn, giảm bớt rủi ro về tài chính do lệ thuộc quá nhiều vào nguồn vốn huy động và tăng cường khả năng tự chủ về tài chính.

Kế hoạch của Quỹ giai đoạn 2021 - 2025 sẽ tăng quy mô vốn. Dự kiến tổng nguồn vốn kế hoạch đến năm 2025 đạt ít nhất 1.200 tỷ đồng, dự kiến hạn mức cấp tín dụng các dự án cho vay khoảng 1.100 tỷ đồng, theo định hướng phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Cụ thể, sẽ đầu tư xây dựng mở rộng trường học, trung tâm đào tạo, dạy nghề chất lượng cao, bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh, hệ thống y tế cộng đồng, mua sắm máy móc, trang thiết bị y tế, kết cấu hạ tầng khu - cụm công nghiệp; các dự án sản xuất công nghiệp, công nghệ cao, NN&PTNT, lâm thủy sản, môi trường, năng lượng, nhà ở, văn hóa thương mại du lịch, giao thông và các lĩnh vực ưu tiên khác của địa phương…

“Sẽ kiểm soát chặt việc quản lý, sử dụng nguồn vốn của Quỹ, đảm bảo thực hiện đúng mục tiêu đề ra. Quỹ sẽ lựa chọn danh mục, dự án đầu tư trọng tâm, trọng điểm để cho vay, hạn chế dàn trải, phân tán nguồn lực; hạn chế đến mức thấp nhất vốn gửi tại ngân hàng thương mại” - ông Thạch nói.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Mở rộng biên độ Quỹ đầu tư phát triển: Cơ hội thúc đẩy phát triển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO