Gần đây, Hội An tiếp tục có nhiều biện pháp linh hoạt nhằm đẩy mạnh, đa dạng hóa kênh tiêu thụ yến sào ở thị trường thế giới lẫn nội địa.
Chủ động thị trường
Theo ông Trương Văn Bay - Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An, mỗi năm Hội An khai thác 1 - 1,5 tấn yến sào của vùng đảo Cù Lao Chàm. Mặt hàng được vinh danh là “vàng trắng” của vùng đất Hội An nói riêng, Quảng Nam nói chung trước kia phần lớn đều xuất khẩu qua các khách hàng truyền thống như Hồng Kông, Đài Loan, Trung Quốc, Nhật Bản, Singapore… Doanh thu từ yến đem lại cho thành phố 80 - 100 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, “vàng trắng” của Cù Lao Chàm từng đối diện với tình hình biến động thị trường cuối năm 2012, đầu năm 2013, bế tắc đầu ra và rớt giá. Trước nỗ lực của thành phố và của tỉnh, tình hình tiêu thụ đã được khơi thông trở lại, nhưng thực tế đặt ra cho Hội An bài toán về chủ động thị trường, giá cả. Ông Trương Văn Bay cho biết thêm, để tăng sức cạnh tranh và tạo sự chủ động về thị trường, thành phố đang chỉ đạo Đội quản lý khai thác yến giao các đơn vị đẩy mạnh quảng bá thương hiệu và mở rộng kênh phân phối. Ngoài 2/3 trữ lượng yến cao cấp (yến quang, yến thiên) được xuất khẩu qua Hồng Kông, Đài Loan, còn một phần trữ lượng là yến bài và yến tầm trung có giá thành vừa phải đã được đưa đến người tiêu dùng qua hệ thống showroom, các doanh nghiệp tại Hội An, bên cạnh dòng yến rẻ tiền (yến địa, yến cám, yến xơ mướp…). “Thành phố cũng đang tính đến việc có nên giao quyền phân phối độc quyền dòng sản phẩm yến bài (400kg/năm) trên thị trường trong và ngoài nước cho Công ty Hải Nam (TP.Hồ Chí Minh) hay tập trung mở rộng đầu tư hệ thống bán lẻ tại Hội An và khu vực lân cận. Phải chờ phía công ty trình phương án kinh doanh, chúng tôi sẽ cân nhắc cụ thể” - ông Bay nói.
Sản phẩm yến sào Hội An đã qua sơ chế có mặt trên thị trường. Ảnh: H.L |
Ông Lê Bình - Đội trưởng Đội quản lý khai thác yến sào cho biết gần đây Hội An mở 3 showroom để quảng bá và trực tiếp bán lẻ 5 - 6 dòng sản phẩm yến đã qua sơ chế đến người tiêu dùng. Đó là showroom ở số 53 đường Nguyễn Thái Học, ở thôn Bãi Ông (Cù Lao Chàm) và ở số 2 đường Nguyễn Huệ. Sắp tới, showroom tại cầu Cửa Đại sẽ chính thức khai trương. Cùng với đó, việc đổi mới logo thương hiệu, đăng ký sở hữu trí tuệ tại các quốc gia tiêu thụ yến cũng là vấn đề cấp thiết.
Vì có giá trị cao hơn hẳn các loại yến trong và ngoài nước nên yến sào Hội An có giá thành cao, rất khó đến với số đông người tiêu dùng. Ông Lê Bình nhận định, sức mua trên thị trường Hội An là rất lớn, nhưng người dân, nhà buôn, các cửa hàng phần lớn chú trọng đặt mua các loại yến rẻ tiền để dễ tiêu thụ, song dòng sản phẩm này thì không có nhiều. Còn với dòng sản phẩm cao cấp (khoảng 4.500USD/kg) thì thương nhân và người tiêu dùng khó tiếp cận. Bài toán đưa yến sào Hội An phát triển theo hướng công nghiệp hóa, tạo ra nhiều chủng loại mặt hàng với đa dạng giá cả đã từng được đặt ra, song khó khăn ở chỗ, giá thành sản phẩm yến thô rất cao, chi phí đầu tư thiết bị, dây chuyền công nghệ là rất lớn, đẩy giá thành sản phẩm đã qua tinh chế lên rất cao. “Hội An không chủ trương đi theo hướng phát triển công nghiệp chế biến yến sào mà đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu truyền thống với dòng sản phẩm cao cấp, khuyến khích tiêu thụ thị trường nội địa với dòng sản phẩm vừa túi tiền. Khâu quảng bá đến doanh nghiệp với việc phát hành thẻ khách hàng ưu tiên cũng là một hướng tiêu thụ” – ông Bình nói.
Đa dạng sản phẩm
Ông Lê Hùng Vân - Trưởng bộ phận dịch vụ du lịch (Đội quản lý khai thác yến) – người trực tiếp quản lý kinh doanh show room tại số 2 Nguyễn Huệ, cho biết hiện sản phẩm yến loại 1 tại cửa hàng có giá gần 12 triệu đồng/lạng, yến quang và yến thiên giá xấp xỉ 11 triệu đồng/lạng, yến tinh hơn 10 triệu đồng/lạng, yến mảnh có giá thấp nhất 7 triệu đồng/lạng. “Nếu người tiêu dùng có nhu cầu đặt hàng yến chưng cất, chúng tôi cũng có sản phẩm yến chén, tức yến tiềm thuốc bắc, hạt sen, đường phèn với giá 160 nghìn đồng/chén. Rượu trứng yến 200 nghìn đồng/chai là sản phẩm giúp bồi bổ cơ thể, tăng sức đề kháng. Để tạo sản phẩm lạ mắt này, chúng tôi đã chọn những trứng yến sạch, chưa qua ấp, bóc vỏ, đánh với mật ong đủ chín, ngâm trong rượu. Đây cũng là hướng “bình dân” sản phẩm, đẩy mạnh khâu tiêu thụ” - ông Vân nói. Nếu trước, để mua một lạng yến, người tiêu dùng phải bỏ công chờ đợi, phải làm giấy tờ đăng ký mua thì nay bất kỳ lúc nào cũng có thể đặt mua sản phẩm nhanh và tiện lợi tại các cửa hàng. Dòng sản phẩm tầm trung như yến mảnh, yến bài, yến gia công (đã qua sơ chế, làm sạch) được xem là bán chạy tại showroom. Ông Vân cho biết thêm: “Trên thị trường, vì lợi nhuận, sản phẩm yến Hội An rất dễ bị làm giả. Vì vậy, bất kỳ sản phẩm chúng tôi bán ra đều có gắn logo thương hiệu, tem chống giả. Việc đảm bảo chất lượng, giữ uy tín với người dân và du khách được chúng tôi đặt lên hàng đầu”.
Công ty TNHH Thương mại – dịch vụ Thiên Lộc An là công ty kinh doanh yến sào ra đời đầu tiên tại Hội An. Ngoài cung cấp sản phẩm yến Hội An đã qua sơ chế, công ty còn hướng đến các sản phẩm đã qua tinh chế như yến chén, rượu trứng yến, nhận gia công sản phẩm yến. Công ty còn có dịch vụ giao hàng tận nơi, nhanh chóng để khách thưởng thức. Anh Lê Công Thanh, người trực tiếp quản lý kinh doanh tại công ty cho biết, sản phẩm yến tinh chế được chế biến rất công phu. Để có yến chưng cất cho khách thưởng thức phải mất rất nhiều thời gian, trải qua nhiều công đoạn, sản phẩm sau làm sạch được sấy khô, chưng cách thủy. “Việc đẩy mạnh quảng bá, đa dạng sản phẩm bên cạnh chú trọng giữ thương hiệu, chống hàng nhái, hàng giả là điều chúng tôi rất quan tâm” - anh Thanh nói.
BÍCH LIÊN