Với mục tiêu xây dựng thành phố sinh thái - văn hóa - du lịch, thời gian qua Hội An đã triển khai các giải pháp thúc đẩy đô thị phát triển để giảm tải áp lực cho khu phố cổ, nâng cao đời sống cư dân ven đô, đồng thời vẫn bảo tồn được bản sắc riêng có.
Chăm lo hạ tầng
Cầu dân sinh Cẩm Kim chính thức bắc nhịp đôi bờ sông Thu Bồn, nối liền phường Cẩm Phô và xã Cẩm Kim của TP.Hội An vào tháng 1.2016, xóa cảnh lụy đò của người dân từ Cẩm Kim qua vùng trung tâm và ngược lại. Tuy nhiên, cây cầu bán kiên cố có thiết kế không cho phép ô tô lưu thông. Thế nhưng trong một thời gian ngắn nữa thôi, ô tô có thể qua cầu Cẩm Kim kiên cố nằm trên quốc lộ 14H do Bộ GTVT đầu tư, nối liền xã Cẩm Kim với phường Thanh Hà. Cây cầu này đang trong giai đoạn hoàn thiện.
Chủ tịch UBND TP.Hội An - ông Nguyễn Văn Sơn chia sẻ, ngoài cầu Cẩm Kim thuộc quốc lộ 14H sẽ kết nối 2 khu di sản phố cổ Hội An và khu đền tháp Mỹ Sơn (Duy Xuyên), hạ tầng giao thông đối ngoại trên địa bàn còn được cấp trên quan tâm đầu tư rộng mở. Điển hình là các tuyến ĐT607 và ĐT608 kết nối với Điện Bàn và vùng kinh tế trọng điểm phía bắc Quảng Nam; đường dẫn cầu Cửa Đại kết nối với trục ven biển đường 129 qua Duy Xuyên vào Tam Kỳ, Chu Lai, Dung Quất (Quảng Ngãi).
Thực hiện chiến lược xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, 5 năm qua, Hội An đã huy động nhiều nguồn lực tập trung làm các công trình trọng điểm có tổng vốn ước đạt hơn 13.320 tỷ đồng, riêng chi đầu tư phát triển từ ngân sách thành phố ước 2.760 tỷ đồng. Đến nay nhiều tuyến đường được thảm nhựa, vỉa hè được nâng cấp, hệ thống thoát nước, cây xanh, chiếu sáng toàn bộ các tuyến đường nội thị được triển khai với gần 200 tỷ đồng.
Khu tái định cư Làng Chài có vốn đầu tư gần 450 tỷ đồng đã cơ bản hoàn thiện hạ tầng đô thị hiện đại, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội khu vực phía đông bắc. Cầu Thanh Nam có chi phí thực hiện hơn 300 tỷ đồng đóng vai trò quan trọng giải tỏa áp lực giao thông đô thị, thúc đẩy phát triển khu vực đông nam.
Từ cuối quý IV.2016, nhờ sự quan tâm của Trung ương và tỉnh, việc kéo điện lưới quốc gia với kinh phí đầu tư hơn 500 tỷ đồng ra Cù Lao Chàm được hoàn thành, tạo động lực cho việc phát triển kinh tế - xã hội của xã đảo Tân Hiệp.
Trong triển khai kiến thiết các công trình, dự án, Hội An cơ bản giữ được kiến trúc đặc trưng, tỷ lệ cây xanh đô thị đạt trên 8m2/người. Những nỗ lực trong việc đẩy mạnh hợp tác quốc tế, tranh thủ các nguồn hỗ trợ, tài trợ cùng với ngân sách địa phương đối ứng đã cho kết quả đáng kể khi nhiều chương trình, dự án xây dựng cơ bản, nhất là về phòng chống và khắc phục thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu mang lại hiệu quả.
Kết nối đô thị
TP.Hội An đã hình thành các tiểu vùng kinh tế - xã hội để đầu tư đồng bộ, quản lý đô thị chặt chẽ nhưng vẫn đảm bảo kết nối hài hòa, mềm mại. Ở khu vực đô thị, trung tâm là phố cổ tiếp tục được tôn tạo, giữ gìn và phát huy, triển khai các dự án nâng cấp hạ tầng đô thị, chợ đêm, hàng rong, thuyền du lịch sông Hoài, mở rộng không gian phố đi bộ... Một số khu đô thị - dịch vụ mới hình thành đã kéo giãn dân cư, giảm dần áp lực cho khu vực trung tâm.
Khu vực làng quê Cẩm Thanh, Cẩm Kim, Cẩm Hà đã có đổi thay vượt bậc thông qua việc triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới, phát huy được tiềm năng, lợi thế về sinh thái, cảnh quan, tài nguyên nhân văn. Với khu vực biển đảo, cơ cấu kinh tế chuyển dịch khá rõ theo hướng du lịch - dịch vụ. Hạ tầng các khu quy hoạch dân cư vùng ven biển tiếp tục thực hiện, một số dự án du lịch ven biển đã đưa vào hoạt động, cảng du lịch Cửa Đại được hoàn thiện và vận hành tốt hơn.
Đặc biệt, các đề án “Xây dựng làng quê - làng nghề sinh thái Cẩm Kim giai đoạn 2017 - 2025”; “Phát triển bền vững xã đảo Tân Hiệp trên cơ sở bảo tồn và phát huy giá trị của Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm - Hội An, giai đoạn 2017 - 2025” đạt được nhiều kết quả đáng mừng.
Theo ông Nguyễn Văn Sơn, quan điểm của địa phương là phát triển đô thị sinh thái, do vậy, thành phố cố gắng giữ gìn diện tích đất nông nghiệp hiện có, không cho lấp ruộng lúa. Bên cạnh các dự án về nhà ở đã hình thành, Hội An hoạch định chỉ phát triển đô thị hiện đại về phía tây (phường Thanh Hà, giáp Điện Bàn), kèm theo giãn dân ra vùng ven. Khu vực phố cổ hướng về phía đông sẽ là đô thị sinh thái.
Quản lý chặt chẽ về quy hoạch, kiến trúc, địa phương không cho hình thành các tòa nhà cao quá 6 tầng (trừ phường Thanh Hà), không làm mái bằng mà phải là mái ngói. Tránh hiệu ứng nhà kính và tạo điểm nhấn cho đô thị.
Chủ trương xây dựng nhà vườn cũng triển khai thực hiện bằng cách quy định mỗi lô đất ở tại các khu đô thị mới có diện tích tối thiểu 140m2, bề ngang rộng 7m. Để khi làm nhà, gia chủ sẽ chừa ra diện tích đất kha khá dùng vào trồng cây xanh, tạo cảnh quan. Khách sạn chỉ được xây dựng 60% diện tích hiện hữu, tương tự biệt thự xây dựng 50%, đất còn lại dùng trồng cây xanh.
Sắp tới đây, công viên Hội An sẽ trở thành công viên cây xanh với việc di dời hàng loạt công trình công cộng, trụ sở làm việc. Cùng với đó, Hội An hướng đến xây dựng “thành phố đi bộ”, di chuyển bằng xe điện, “thành phố xe đạp”, phát triển giao thông xanh, giao thông thông minh. Các bãi đỗ xe ô tô sẽ tiếp tục được hình thành tại vùng ven để hiện thực hóa mục tiêu trên, tạo nền tảng nắm bắt những cơ hội để bứt phá mạnh mẽ hơn...