Cùng với hạt nhân là Khu di sản văn hóa thế giới - Đô thị cổ Hội An, không gian du lịch Hội An ngày càng được mở rộng, đa dạng ngành nghề và khai thác hợp lý tài nguyên sinh thái. Tuy nhiên, việc hoàn thiện các tour, tuyến và tạo hấp lực mới cho các sản phẩm du lịch là điều cần kíp.
Cù Lao Chàm cần hoàn thiện tour, tuyến
Mặc dù đạt được những kết quả đáng kể nhưng hiện tại, du lịch Hội An đang đối mặt với những thách thức không nhỏ. Sau sản phẩm du lịch di sản phố cổ, sản phẩm du lịch biển đảo Cù Lao Chàm cũng được xem là đặc trưng nhưng chưa hoàn thiện và còn phát sinh nhiều vấn đề về quy mô, loại hình, không gian khai thác..., nên cần được đầu tư hoàn thiện các tour, tuyến du lịch, các sản phẩm dịch vụ. Cù Lao Chàm vẫn còn thiếu định hướng quy hoạch phát triển rõ ràng, đồng bộ nên việc đầu tư cơ sở hạ tầng và dịch vụ, mở rộng không gian chưa tương xứng, còn lúng túng.
Trước mắt, TP.Hội An triển khai hoàn chỉnh hạ tầng phục vụ giao thông đường thủy, đường bộ, hạ tầng dịch vụ về môi trường, kinh doanh tại các bãi biển du lịch. Tiếp tục triển khai các chương trình bảo vệ tài nguyên biển, rừng gắn với phát triển dịch vụ du lịch theo hướng du lịch sinh thái biển đảo.
Nghiên cứu thu hút đầu tư các điểm tham quan giới thiệu giá trị Khu dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm, các giá trị văn hóa lịch sử đặc trưng nhằm làm phong phú tuyến tham quan và làm cơ sở tăng giá trị nguồn thu bán vé tham quan lâu dài.
Theo TS. Chu Mạnh Trinh - cán bộ Ban Quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm, Cù Lao Chàm phải là tập hợp của con người - rừng - biển. Đặt tập hợp theo thứ tự nào cũng có thể khai thác 6 tuyến, 7 tuyến hoặc 9 tuyến và con người phải là chủ thể.
Cần thêm chính sách hỗ trợ
Những năm gần đây, với lợi thế về tiềm năng phong phú, TP.Hội An đã tạo điều kiện phát triển hiệu quả loại hình du lịch khám phá, trải nghiệm nghề và làng nghề truyền thống.
Không gian du lịch nhờ vậy được kéo giãn về các làng quê, làng nghề với nhiều chương trình hấp dẫn, được du khách ưa chuộng, như chuốt gốm, trồng rau, cày ruộng, trải nghiệm sông nước, khám phá rừng dừa... Các điểm du lịch này cũng đã góp phần kéo dài thời gian lưu trú, tham quan của du khách ở địa phương.
Tuy nhiên, nếu có thêm những chính sách, kế hoạch hỗ trợ, khuyến khích cụ thể, phù hợp và mang tính đột phá hơn nữa thì loại hình du lịch ở các vùng ven đô, biển đảo sẽ trở thành hệ thống sản phẩm hỗ trợ du lịch phố cổ thực sự đồng bộ và hiệu quả.
Bởi với Hội An, không chỉ có làng rau Trà Quế - Cẩm Hà, làng gốm Thanh Hà, làng mộc Kim Bồng, rừng dừa nước Cẩm Thanh, làng nông nghiệp An Mỹ - Cẩm Châu... mà còn những làng quê có nhiều tiềm năng khác biệt về tài nguyên thiên nhiên, nhân văn và sinh thái.
Các mô hình hoặc điểm đến dù quy mô ở mức vừa và nhỏ nhưng có lợi thế về giá trị đặc thù để đáp ứng nhu cầu của du khách thì hấp lực vẫn mạnh mẽ và tạo được sức lan tỏa rộng rãi, đảm bảo được lợi ích cho cộng đồng.
Bởi vậy, chính quyền thành phố cần tạo cơ chế hình thành các điểm du lịch cộng đồng theo đặc trưng về tự nhiên, kinh tế, đời sống dân cư, làng nghề... của từng địa bàn nhằm từng bước hình thành và phát triển hệ thống sản phẩm hỗ trợ du lịch phố cổ để phát triển du lịch bền vững.
Ông Trần Ánh - Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP.Hội An cho biết, địa phương đang thực hiện các giải pháp để tiếp tục kích thích phát triển hơn nữa về ngành kinh tế du lịch - dịch vụ. Đầu tư thêm các điểm đến, tour tuyến tham quan, mở rộng không gian du lịch ra ngoại ô.
“Hiện nay, ngoài khu phố cổ, ngoài rừng dừa Bảy Mẫu, làng gốm Thanh Hà, Cù Lao Chàm, Hội An đang xúc tiến mở rộng thêm ra làng rau Trà Quế, làng mộc Kim Bồng. Xu hướng chung là để mọi địa danh trên thành phố đều là điểm đến độc đáo và hấp dẫn để vừa kéo giãn du khách vừa tăng thêm nguồn thu, tạo thêm sinh kế cho người dân ở vùng ven” - ông Ánh nói.