Mở rộng không gian nghệ thuật biểu diễn

XUÂN HIỀN 20/09/2020 07:51

Xác định ranh giới rạch ròi giữa nghệ thuật biểu diễn truyền thống và đương đại không khác gì tự mình dựng nên vách ngăn tách biệt. Sự đổi thay về cách tiếp cận với nghệ thuật, đặc biệt ở giới trẻ, đã mở ra những chiều kích xử sự khác nhau, đối với riêng nghệ thuật biểu diễn…

Không gian của nghệ thuật truyền thống được rộng mở. Ảnh: L.T.K
Không gian của nghệ thuật truyền thống được rộng mở. Ảnh: L.T.K

Dự thảo Nghị định quy định về hoạt động biểu diễn đang được Bộ VH-TT&DL hoàn thiện để trình Quốc hội vào kỳ họp sắp tới. Tại Quảng Nam, nhiều năm qua, hoạt động nghệ thuật biểu diễn được đánh giá tích cực khi chạm đến số đông khán giả.

Khôi phục loại hình nghệ thuật truyền thống

Một đêm diễn của Đoàn Ca kịch Quảng Nam đầu xuân Canh Tý tại TP.Tam Kỳ có rất đông khán giả tìm đến xem. Không phải vở diễn mới, nhưng sức hút của ca kịch bài chòi đối với người dân xứ Quảng vẫn rất lớn. Càng ngày, các vở diễn cho thấy sự chuyên nghiệp hơn của những diễn viên đã quen mặt.

Bà Võ Thị Thu Mây - Trưởng đoàn Ca kịch Quảng Nam cho biết, cường độ tập luyện được tăng lên từng giờ trước mỗi vở diễn của các diễn viên. Không chỉ có vậy, lựa chọn kịch bản phù hợp cũng được để tâm hơn. Hành trình gần 60 năm hình thành và phát triển từ một Đoàn văn công Giải phóng, những nỗ lực trong việc kế thừa và phát triển loại hình nghệ thuật dân ca bài chòi truyền thống đã được nhìn thấy. Các vở diễn đầy sức nặng, gây tiếng vang với cư dân Quảng Nam và ở nhiều địa phương khác. Chưa kể, phần nào đó từ những đêm diễn ở các vùng quê xa xôi, góp thêm màu sắc cho đời sống tinh thần của người dân. Khi bài chòi được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể của nhân loại, trong đó bao gồm cả trò chơi dân gian bài chòi và nghệ thuật biểu diễn bài chòi, Đoàn Ca kịch Quảng Nam gần như được tiếp thêm động lực mới để dàn dựng nhiều hơn những vở diễn xuất sắc.

“Chính những đoàn ca kịch chuyên nghiệp truyền thống là cơ sở để nghệ thuật bài chòi được bảo tồn mạnh mẽ và nâng lên một tầm mức cao hơn ở góc độ thưởng thức nghệ thuật dân gian” - nhà nghiên cứu Đặng Hoành Loan nói. Đoàn Ca kịch Quảng Nam cũng là đơn vị duy nhất biểu diễn nghệ thuật truyền thống tiêu biểu của Quảng Nam.

Cũng theo bà Võ Thị Thu Mây, hàng năm, Đoàn Ca kịch Quảng Nam thực hiện khoảng 40 - 60 buổi diễn, chủ yếu tại các địa bàn nông thôn, vùng sâu vùng xa, thu hút hàng trăm ngàn lượt người xem.

“Ngoài biểu diễn phục vụ các nhiệm vụ chính trị, tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu về các loại hình dân ca kịch truyền thống của Quảng Nam với công chúng trong và ngoài tỉnh, đoàn cũng quan tâm, tập trung bổ sung, đào tạo, hỗ trợ, tạo điều kiện cho nhiều nghệ sĩ trẻ đạt thành tích cao tại các liên hoan, hội diễn sân khấu toàn quốc” - bà Võ Thị Thu Mây nói.

Ông Nguyễn Thanh Hồng - Giám đốc Sở VH-TT&DL cho biết, cùng với những đóng góp từ Đoàn Ca kịch Quảng Nam, tại nhiều địa phương, công tác bảo tồn, phát huy giá trị các loại hình nghệ thuật truyền thống rất được quan tâm.

“Như huyện Quế Sơn ban hành kế hoạch khôi phục và phát triển nghệ thuật tuồng, dân ca trên địa bàn huyện, đến nay có 19 câu lạc bộ (CLB) tuồng và dân ca duy trì hoạt động, định kỳ 2 năm tổ chức liên hoan giữa các câu lạc bộ. Huyện Duy Xuyên vẫn duy trì hoạt động của đoàn tuồng Sông Thu. Tại Hội An thường xuyên hoạt biểu diễn bài chòi, dân ca phục vụ du khách. TP.Tam Kỳ duy trì thường xuyên hoạt động của các CLB bài chòi, khôi phục loại hình nghệ thuật truyền thống bả trạo. Các huyện miền núi ban hành Đề án bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc…” - ông Nguyễn Thanh Hồng chia sẻ.

Mở không gian

Chính hoạt động văn hóa quần chúng với nhiều hình thức đã đáp ứng tốt nhu cầu về đời sống tinh thần của người dân ở cơ sở. Các hội làng là nơi tập họp, cũng là không gian để tôn vinh giá trị truyền thống.

Ông Nguyễn Thanh Hồng thông tin, hiện Quảng Nam có 20 CLB tuồng và 20 CLB dân ca. Đây là nơi nuôi dưỡng các hạt nhân văn nghệ ở cơ sở và là nguồn chính để tham gia hội thi, liên hoan văn nghệ quần chúng các cấp. Và cũng chính những CLB này góp phần bảo tồn và phát huy giá trị các loại hình nghệ thuật truyền thống của Quảng Nam. Được đánh giá khá tốt trong công tác bảo tồn nghệ thuật truyền thống còn có chương trình “Sân khấu học đường”. Việc triển khai đưa nghệ thuật truyền thống (tuồng và dân ca) vào giảng dạy thí điểm ở một số trường THCS của các địa phương từ nhiều năm nay đã tạo thêm không gian mở cho những loại hình này.

Thị trường nghệ thuật nhiều năm trở lại đây chứng kiến sự lên ngôi của các giá trị truyền thống được chuyển tải trong các “lớp áo” khác nhau. May mắn của Quảng Nam trong nhiều năm trước, chính là khơi mở được nhiều đối tượng tiếp nhận nhờ sự phát triển của du lịch. Bài chòi, sắc bùa... không còn bó hẹp trong phạm vi làng xóm mà đã được “biểu diễn” tại nhiều quốc gia khác nhau. Các loại hình nghệ thuật truyền thống của đồng bào miền núi được “xuống phố” trước sự ngưỡng vọng về tinh hoa độc đáo của các tộc người, của những bạn bè quốc tế. 

Mới đây, Cục Nghệ thuật biểu diễn thông tin, từ đại dịch Covid-19, hình thức thưởng thức nghệ thuật biểu diễn trực tuyến ở Việt Nam rất có tiềm năng. Trước đây, việc cá nhân hoặc tổ chức thử nghiệm các chương trình trực tuyến còn nhỏ lẻ, lượng tương tác không lớn; nhưng qua thời gian giãn cách xã hội, sự bùng nổ các chương trình giải trí online phong phú, chất lượng khiến khán giả ngồi tại nhà vẫn có thể tiếp cận và thưởng thức, đã tạo nên sắc diện và hướng đi mới ngay trong giai đoạn khó khăn. Điều này tạo đà cho nghệ sĩ vừa phải thích nghi để chuyển mình phù hợp với hoàn cảnh mới, vừa trở lại ánh đèn sân khấu đầy nhiệt huyết, đem đến những tác phẩm chất lượng với cả hai hình thức sân khấu truyền thống và sân khấu online. Theo đó, Cục Nghệ thuật biểu diễn đang xem xét ở tầm nhìn dài hơi, chiến lược, sớm tạo nền tảng cơ sở vật chất, nâng cao trình độ biểu diễn của nghệ sĩ, tiến đến hình thức biểu diễn trực tuyến, góp phần phát triển đời sống văn hóa tinh thần trong kỷ nguyên số.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Mở rộng không gian nghệ thuật biểu diễn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO