Mở rộng không gian phát triển

TÙY PHONG 04/08/2015 09:09

Chủ động tìm nguồn lực đầu tư hạ tầng, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp mở rộng sản xuất, kinh doanh… là mục tiêu của Thăng Bình trong thời gian tới…

1.Con đường Thanh niên ven biển chạy từ Hội An đến Tam Kỳ như một dải lụa mềm vắt mình qua những nổng cát lô nhô nơi miệt biển Thăng Bình. Một con  đường khác là “cứu hộ, cứu nạn” cũng sắp sửa thông xe kỹ thuật vào cuối tháng 9 năm nay như một cơn gió mát, thổi ngang qua vùng đất khô cằn, nhen nhóm hy vọng đổi đời cho dân vùng cát. Những con đường này đã kéo dân địa phương gần hơn với đô thị Hà Lam, Tam Kỳ hay nối Hội An. Người dân đã xây dựng những ngôi nhà kiên cố bám theo mặt lộ, thay thế dần những mái lá tạm bợ, tranh tre. Thời sự của dân địa phương lúc này không ngoài chuyện một “đô thị kinh tế du lịch, thương mại” sẽ hình thành ngay trên vùng đất cát đầy nắng gió. Người dân vùng đông Thăng Bình hy vọng sẽ có nhiều cơ hội việc làm hơn thay vì chủ yếu cày xới trên mảnh đất hoa màu cằn cỗi hay chờ đợi những chuyến biển khơi xa...

Đường Thanh niên ven biển qua vùng đông Thăng Bình tạo cơ hội để địa phương phát triển công nghiệp, dịch vụ - du lịch.Ảnh: T.PHONG
Đường Thanh niên ven biển qua vùng đông Thăng Bình tạo cơ hội để địa phương phát triển công nghiệp, dịch vụ - du lịch.Ảnh: T.PHONG

Thị trấn Hà Lam đã nhộn nhịp hơn với kẻ mua người bán trong những dãy phố khang trang. Không khí đặc quánh tiếng ồn ô tô, xe khách, tiếng nhạc xập xình từ những quán cà phê ven quốc lộ 1, từ các cửa hàng bán máy móc điện tử… Thăng Bình đang quyết tâm xây dựng thị trấn Hà Lam thành đô thị loại IV vào năm 2020. Hầu hết đoạn nối quốc lộ 1 - 14E - đường cao tốc sẽ được nâng cấp. Công viên văn hóa Hà Kiều, đường para đi quốc lộ 14E, sân vận động huyện; đường từ quốc lộ 14E (tổ 13, thị trấn Hà Lam) đi Bình Quý, Bình Chánh, đường từ quốc lộ 1 đi Phú Cang; những khu dân cư hiện hữu, các tuyến đường giao thông, hệ thống thoát nước thải… sẽ được ưu tiên nguồn lực để xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ. Thị trấn sẽ mọc lên một khu trung tâm thương mại, thêm chợ và cả cụm công nghiệp, hạ tầng sẽ được đầu tư để phát triển công nghiệp, thương mại. Nguồn lực chủ yếu ngắn hay dài hạn để đầu tư kết cấu hạ tầng thị trấn đều dựa vào các dự án khai thác quỹ đất, phát triển dân cư…

2.Tham vọng đầu tư phát triển hạ tầng công nghiệp, góp phần đưa tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất ngành công nghiệp - xây dựng tăng 20%, cơ cấu kinh tế 37% và nâng tỷ lệ lấp đầy các khu, cụm công nghiệp đã được quy hoạch chi tiết trên 70% trong vòng 5 năm tới đang là mục tiêu của Thăng Bình. Một cuộc “cách mạng” bắt đầu diễn ra, mở đường cho các cụm công nghiệp địa phương phát triển đúng hướng và thực chất hơn. Kế hoạch của Thăng Bình là toàn bộ tuyến đường huyện giai đoạn 2015 - 2020 sẽ được xây dựng, nâng cấp, mở rộng bằng vốn bảo trì đường bộ hay bằng nguồn vốn trung hạn và các nguồn vốn khác. Quan điểm của chính quyền địa phương là lựa chọn nhà đầu tư và quyết tâm tìm nguồn vốn đầu tư cơ sở hạ tầng trong điều kiện nguồn lực địa phương khó khăn. Công nghiệp sẽ trở thành trọng điểm, tạo động lực để chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Tất cả sự phát triển theo quy hoạch ngành này đều gắn với quy hoạch vùng, tạo tính đồng bộ, tác động lẫn nhau để phát triển.

Kế hoạch đầu tiên của Thăng Bình là phải nhanh chóng triển khai và phối hợp với tỉnh để quy hoạch mở rộng Khu công nghiệp Tam Thăng đến Bình Sa và Khu công nghiệp Đông Quế Sơn đến Bình Giang, nâng Cụm công nghiệp Hà Lam - Chợ Được lên thành khu công nghiệp và quy hoạch xây dựng khu công nghiệp vùng tây, hoàn thành quy hoạch chi tiết các cụm công nghiệp còn lại. Đầu tư cơ sở hạ tầng, thực hiện tốt các cơ chế chính sách xây dựng dự án cơ hội, đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường quảng bá và xúc tiến kêu gọi đầu tư vào các cụm công nghiệp, điểm công nghiệp. Một số ngành công nghiệp có lợi thế như công nghiệp chế biến sâu khoáng sản, sản xuất vật liệu xây dựng, chế biến nông - lâm hải sản - may mặc hay các ngành công nghiệp phụ trợ, sử dụng nguyên liệu và lao động tại địa phương, phát triển công nghiệp theo hướng xuất khẩu… là những lựa chọn của địa phương. Quy hoạch cụm công nghiệp tốt, đền bù, giải tỏa nhanh kịp giao đất cho doanh nghiệp; cung cấp thông tin trung thực cả về khó khăn, thuận lợi để doanh nghiệp lựa chọn trước khi đầu tư; minh bạch thủ tục đầu tư kể cả vận dụng linh hoạt việc vận động doanh nghiệp ứng trước vốn đền bù, giải tỏa… sẽ là sợi chỉ đỏ xuyên suốt quá trình kêu gọi, xúc tiến đầu tư của Thăng Bình.

Ông Hồng Quốc Cường - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Thăng Bình cho hay địa phương sẽ kiên trì với định hướng phát triển. Không chờ đợi, sẽ chủ động, tích cực vận động, vận dụng, triển khai tốt các cơ chế chính sách hỗ trợ của Nhà nước, nhất là tranh thủ các nguồn vốn, các chương trình mục tiêu, vốn ngoài kế hoạch, vốn tín dụng và kêu gọi cộng đồng, xã hội hóa để đầu tư kết cấu hạ tầng. Chủ động tạo quỹ đất sạch sau quy hoạch, rút ngắn thời gian và giảm chi phí, tạo mọi điều kiện cho doanh nghiệp được hưởng các chính sách ưu đãi của Chính phủ, tỉnh và huyện theo đúng thẩm quyền. Chủ trương cốt lõi của địa phương là tạo ra nhiều lợi thế so sánh cho nhà đầu tư. Vận hành tốt các cơ chế, chính sách của Chính phủ và tỉnh ban hành, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư.

TÙY PHONG

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Mở rộng không gian phát triển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO