Kỳ họp thứ 3, HĐND tỉnh (khóa IX) đã kết thúc với khá nhiều Nghị quyết được ban hành, “tiếp sức” cho Quảng Nam phát triển. Xóa cơ chế xin cho; đẩy nhanh tiến độ bồi thường, giải phóng mặt bằng… là những giải pháp đã được đặt ra để mở rộng không gian phát triển.
Băn khoăn tăng trưởng GRDP, xây dựng nông thôn mới
Không chất vấn, không nhiều giải trình, nhưng kỳ họp lần này vẫn “nóng” với nhiều câu hỏi liên quan đến chỉ tiêu tăng trưởng GRDP; hiệu lực đầu tư công; cơ chế phân bổ, phân cấp đầu tư; mô hình nông thôn mới, nhất là có đủ điều kiện và không gian để cung ứng lao động, giảm nghèo, xóa bỏ cơ chế xin cho vốn tồn tại từ nhiều năm qua.
Quản lý hiện trạng vùng đông hiện vẫn là bài toán nan giải của Quảng Nam. Ảnh: TRỊNH DŨNG |
Đại biểu Võ Bảy - Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Quảng Nam cho rằng, cần cân nhắc thêm về chỉ tiêu GRDP tăng từ 11,5% đến 12% là quá khiêm tốn. Năm 2016 GRDP tăng khá cao, vượt dự báo đến 30% thì việc dự báo, dự toán thu ngân sách thấp sẽ dẫn đến nguồn vượt thu tăng, sẽ lại “lún sâu” vào cơ chế xin - cho, bị động trong khâu quản lý, điều hành ngân sách. Đại biểu Đinh Văn Đào - Cục trưởng Cục Thống kê có cái nhìn khác khi cho rằng năm 2017, Quảng Nam sẽ giảm tăng trưởng nóng. Có thể nói Quảng Nam đã tăng trưởng đến đỉnh điểm mà năng lực cạnh tranh không dễ gì đột biến, cần phải có lộ trình. Đó là chưa kể đầu tư sẽ giảm sút và những chính sách vĩ mô không thể lường trước được nên đặt mức tăng trưởng ấy là hợp lý.
Xây dựng nông thôn mới đang có khá nhiều triển vọng, có khả năng đến năm 2020 có 50% số xã đạt chuẩn. Song rất nhiều ý kiến phân vân, lo ngại việc quản lý nguồn vốn, kiểm soát nợ xây dựng cơ bản. Vốn hỗ trợ sản xuất, nhất là đầu tư cho chuyển giao khoa học kỹ thuật, tạo vùng sản xuất hàng hóa, gắn xây dựng nông thôn mới với tái cơ cấu nông nghiệp vẫn còn là khoảng trống khó có thể lấp đầy. Bên cạnh đó, cần tránh tình trạng đánh giá, không phản ánh đầy đủ, đúng thực chất khi xét công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Hiện khá nhiều địa phương quá chú trọng đầu tư cho các tiêu chí về xây dựng cơ bản, “lơ” các tiêu chí an ninh, xã hội, dẫn đến mất cân đối. Đại biểu Võ Bảy cho rằng cần yêu cầu rà soát, thay thế xã không đủ tiêu chí bằng việc dồn sức đầu tư cho những xã có đủ điều kiện.
Trong một góc nhìn khác, đại biểu Nguyễn Thị Thu Lan - Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy cho rằng công tác giảm nghèo chưa thực sự hiệu quả. Bao nhiêu tiền của Nhà nước đổ ra thì hiệu lực giảm nghèo bền vững tới đâu? Cần xác định cụ thể lại chương trình này. Bước chuyển từ nhà nước kế hoạch hóa, bao cấp sang nhà nước kiến tạo không có lý do gì nhà nước bỏ tiền ra đầu tư để nhận lại con số giảm nghèo không có gì thay đổi!
Xóa bỏ cơ chế xin - cho
Mối bận tâm của khá nhiều đại biểu là liệu nguồn lực ngân sách nhà nước sẽ như thế nào khi hầu như phụ thuộc vào công nghiệp ô tô. Đại biểu Nguyễn Đức - Trưởng ban Kinh tế & ngân sách HĐND tỉnh cho rằng thu ngân sách không bền vững, phụ thuộc quá nhiều vào công nghiệp ô tô. Còn việc tìm kiếm, khai thác, nuôi dưỡng nguồn thu, năng lực cạnh tranh, hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước địa phương khó khăn, nên số thu thiếu ổn định.
Trước lo lắng của đại biểu, Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu cho rằng, ngân sách nhà nước sẽ được quản lý chặt hơn và kiểm soát đầu tư công sẽ được nâng lên. Đã phân cấp mạnh, quy trách nhiệm cá nhân, tạo sức ép giải trình, bảo đảm công khai minh bạch, sẽ không còn chỗ cho sự lạm dụng ngân sách nhà nước. Kế hoạch đầu tư sẽ thực hiện đúng quy trình, mở rộng không gian phát triển, thu hút đầu tư, xây dựng các dự án động lực, tăng nguồn lực cho ngân sách nhà nước. Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu công bố 6 nhiệm vụ, kế hoạch cụ thể xác lập cho năm 2017 và đề nghị các địa phương không chờ đợi, phải lên kế hoạch hành động cụ thể, thực thi các Nghị quyết của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, lo cải thiện môi trường đầu tư, nhanh chóng triển khai chính sách khởi nghiệp với chỉ tiêu sẽ có thêm 1.000 doanh nghiệp mới gia nhập thị trường, cải cách hành chính, đưa quan hệ hành chính công vụ giữa các sở, ngành và địa phương vào mục tiêu phát triển.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu, không chỉ phát triển ngành du lịch dịch vụ thành ngành kinh tế mũi nhọn, Quảng Nam đã hội đủ điều kiện để trở thành trung tâm sản xuất, lắp ráp ô tô quốc gia. Đã có một số nhà đầu tư chiến lược như Hyundai, Mazda… đang xúc tiến các thủ tục ký kết hợp tác tại Chu Lai. Một khi điều này thành hiện thực thì nguồn lực năm 2017 sẽ gia tăng mạnh. Với sự phân cấp đầu tư mạnh mẽ như hiện tại đã chấm dứt cơ chế xin - cho. Vấn đề quan trọng là việc tăng cường trách nhiệm của các chủ đầu tư, tăng cường kiểm soát ở các cơ quan nhà nước trong đấu thầu, tiến độ thi công và giải phóng mặt bằng. “Giải phóng mặt bằng đang là nút thắt. Nếu tất cả địa phương quan tâm thì sẽ mở. Chúng ta đã làm mất lòng tin nhà đầu tư và dân chúng quá nhiều về sự yếu kém của công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tạo ra nhiều khiếu nại, khiếu kiện. Chính điều này đã mất đi cơ hội huy động vốn. Kế hoạch đến ngày 30.6.2016 sẽ hoàn tất việc quản lý hiện trạng vùng đông. Sẽ rất khó nhưng không gì không thể khi có sự đồng lòng từ mọi cấp. Tại sao 42 năm qua vẫn không thể cấp sổ đỏ cho dân. Đó chính là lý do chính quyền không thể mời nhà đầu tư vào khu vực này được. Không lẽ mời họ vào để giành giật đất với dân? Phải nhanh chóng thay đổi, tháo gỡ nút thắt này. Đây là điều quyết định cho sự phát triển của Quảng Nam” - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Đinh Văn Thu nói.
TRỊNH DŨNG