Mở rộng không gian "Phố đi bộ" Hội An: Chưa "chốt" phương án cuối cùng

QUỐC HẢI 27/08/2016 09:02

Chủ trương mở rộng “Phố dành cho người đi bộ và xe thô sơ” (gọi tắt là phố đi bộ) tại phố cổ Hội An đang nhận nhiều ý kiến đóng góp và sẽ có phương án cuối cùng sau khi khảo sát kỹ lượng, tạo được sự đồng thuận của người dân.

Nên mở rộng ra đường Phan Châu trinh hay đường Hoàng Diệu?
Nên mở rộng ra đường Phan Châu trinh hay đường Hoàng Diệu?

Quá tải

Bắt đầu thực hiện từ tháng 6.2004, dự án “Khu phố cổ không có tiếng động cơ xe máy”, nay là “Phố dành cho người đi bộ và xe thô sơ” tại phố cổ Hội An đã trở thành một sản phẩm văn hóa du lịch riêng có mang thương hiệu Hội An. Theo ông Nguyễn Văn Dũng - Chủ tịch UBND thành phố, qua 12 năm thực hiện, dự án thực sự là một mô hình tiêu biểu riêng có, đem lại lợi ích cho cộng đồng và xã hội, góp phần rất lớn cho việc phát triển kinh tế du lịch của Hội An. Tuy vậy, trong quá trình thực hiện vẫn còn một bộ phận nhỏ người dân chưa đồng tình ủng hộ. Tại các ngõ hẻm vào phố cổ, xe máy vẫn để nhiều và đôi lúc còn lưu thông đã tạo tiếng ồn ảnh hưởng đến không gian chung. Nhà giữ xe của phường Minh An chưa phát huy hiệu quả. Các lề đường trong khu phố cổ luôn bị lấn chiếm bởi các gánh hàng rong, bán hình ảnh 3D, hàng lưu niệm, quần áo, xe đẩy… đã làm giảm đi nét đẹp của phố.

“Phố dành cho người đi bộ và xe không động cơ” thực hiện trong toàn bộ khu phố cổ Hội An với bán kính khoảng 0,5km, thuộc 2 phường Minh An và Cẩm Phô. Ban đầu, dự án được thực hiện vào ngày thứ Bảy và thứ Tư hằng tuần; từ ngày 1.4.2013 đến nay, dự án đạt tần suất hoạt động 7 ngày 7 đêm trong tuần (buổi sáng bắt đầu từ 9h đến 11h, buổi chiều, tối từ 15h đến 21h30) và mở rộng thêm sang đường Nguyễn Phúc Chu vào năm 2015”.

Do lưu lượng du khách và hàng quán buôn bán tấp nập đang khiến cho phố cổ trở nên quá tải. Thống kê trong 6 tháng đầu năm nay đã có gần 880.000 lượt khách mua vé tham quan, đó là chưa kể lượng xe xích lô du lịch, xe đạp, người dân địa phương hay các nơi tụ tập về sinh sống, buôn bán, làm ăn và cả lực lượng chức năng thường trực mỗi ngày trong phố cổ. Chính vì sự quá tải của phố cổ nên từ đầu năm nay, Nghị quyết của HĐND TP.Hội An đã đưa vào nội dung “Phấn đấu đến cuối năm 2016 sẽ mở rộng không gian chương trình hoạt động “Phố dành cho người đi bộ và xe không động cơ” nhằm đa dạng thêm sản phẩm du lịch, đồng thời kéo dãn lượng du khách chủ yếu tập trung ở phía tây của khu phố cổ vốn đã tạo nên sự quá tải trong nhiều năm qua”. Ông Võ Phùng, Giám đốc Trung tâm Văn hóa - thể thao Hội An (đơn vị trực tiếp thực hiện dự án) nói: “Hiện nay, chúng tôi đề xuất mở rộng không gian xuống đến đường Hoàng Diệu, bao gồm cả khu vực chợ Hội An, có thể mở luôn sang đường Phan Bội Châu bởi vì đường này có kiến trúc Pháp rất đặc trưng. Tức là đưa cả chợ Hội An, một phần “Phố đêm” xuống đây sẽ kéo dãn được lượng khách tập trung ở phía tây xuống phía đông phố cổ”.

Cân nhắc

Tại kỳ họp thứ 2, HĐND TP.Hội An (khóa XI) tổ chức vào cuối tháng 7 vừa qua, 35 đại biểu HĐND thành phố cũng đã cho ý kiến thống nhất chủ trương mở rộng “Phố đi bộ”. Tuy nhiên, khi mở rộng phải kết hợp với việc bố trí các điểm kinh doanh, vui chơi để kéo giãn lượng khách trong khu vực phố cổ. Thành phố cũng cần có điểm giữ xe phục vụ nhu cầu của người dân và các hộ tiểu thương trong chợ Hội An. Cần xây dựng lộ trình thực hiện để có cơ sở áp dụng trong năm 2017; cùng với đó phải đầu tư mở rộng chợ ẩm thực, khai thác du lịch tại tuyến kè; cân nhắc kỹ lưỡng tính khả thi và chỉ nên thực hiện sau khi cầu Cẩm Nam mới được xây dựng và có sự đồng thuận của người dân trong khu vực. Ông Nguyễn Văn Vinh - Phó Chủ tịch Thường trực HĐND thành phố nêu ý kiến: “Hoàng Diệu là độc đạo dẫn qua Cẩm Nam, nếu triển khai “Phố đi bộ” trên đường này sẽ gây rất nhiều khó khăn cho hàng ngàn người dân Cẩm Nam. Việc mở rộng “Phố đi bộ” là cần thiết nhưng chỉ nên mở đến phạm vi đường Trần Quý Cáp mà thôi”.

Không ủng hộ hướng mở rộng không gian này, ông Nguyễn Văn Lanh - Trưởng phòng VH-TT Hội An cho rằng, hướng mở rộng nên đưa về phía đường Phan Châu Trinh sẽ hiệu quả và phù hợp hơn và việc mở rộng chỉ có thể thực hiện sau khi sắp xếp lại trật tự trong khu phố cổ. “Trước hết phải sắp xếp lại khu phố cổ. Thứ nhất, chuyển một số trụ sở cơ quan, ban ngành ra ngoài khu phố cổ. Thứ hai, hợp nhất một số bộ phận chức năng có nhiệm vụ na ná nhau như Đội kiểm tra quy tắc với Đội kiểm soát vé, Đội kiểm tra liên ngành du lịch với Đội kiểm tra văn hóa... Thứ ba, mạnh dạn giảm tải xích lô vào phố cổ, kể cả xe đạp và thời gian cho xe máy vào phố cổ; sắp xếp lại trật tự kinh doanh, tuyên truyền xây dựng nếp sống văn minh đô thị. Tôi thống nhất nới rộng không gian nhưng đưa về phía đường Phan Châu Trinh sẽ hiệu quả và phù hợp hơn” - ông Lanh bày tỏ. Về việc này, ông Nguyễn Văn Dũng cho rằng: “Phải mở rộng nhưng mở rộng tới đâu? Vấn đề này UBND thành phố sẽ  xây dựng đề án cụ thể. Từ nay đến cuối năm chỉ tập trung hoàn chỉnh đề án thôi, còn ngày 1.1.2017 mới  triển khai. Không thể vội vàng mở rộng được, mở ra phía đông bắc (đường Phan Châu Trinh) hay đông nam (đường Hoàng Diệu) thì cần phải khảo sát nghiêm túc và quan trọng là phải có ý kiến đồng thuận của người dân”.

“Phố dành cho người đi bộ và xe không động cơ” là một trong những sản phẩm văn hóa du lịch quan trọng góp phần quảng bá thu hút du khách đến với Hội An, tạo cơ hội kinh doanh, buôn bán và nâng cao chất lượng đời sống sinh hoạt văn hóa tinh thần cho nhân dân. Chính vì thế, thời gian điều chỉnh và mở rộng như thế nào phải được chính quyền và các ngành chức năng nghiên cứu phù hợp cùng với sự đồng thuận của cộng đồng địa phương.

QUỐC HẢI

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Mở rộng không gian "Phố đi bộ" Hội An: Chưa "chốt" phương án cuối cùng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO