(Xuân Tân Sửu) - Để cụ thể hóa chiến lược phát triển lâm sản gỗ và ngoài gỗ, khu vực miền núi cần tạo ra không gian sinh kế đa dạng.
Sợ rủi ro
Theo ông Nguyễn Đông – Phó Giám đốc Công ty CP Đầu tư và phát triển lâm nghiệp Quảng Nam, doanh nghiệp chỉ đặt vấn đề hợp tác với hộ nào sở hữu đất rừng lớn, có điều kiện kinh tế ổn định, chỉ dành vài héc ta hợp tác trồng rừng gỗ lớn, quản lý theo chứng chỉ FSC; diện tích còn lại hầu như họ canh tác theo tư duy truyền thống. Do vậy, Nhà nước phải giải cho được bài toán sinh kế đồng thời với phát triển trồng rừng gỗ lớn.
Ông Hồ Văn Biển ở xã Quế Thọ (huyện Hiệp Đức) vay vốn ngân hàng trồng 3ha rừng gỗ lớn, với chu kỳ trồng ít nhất 10 năm mới khai thác. Thế nhưng, thời hạn vốn vay ngân hàng 5 năm, lãi suất phải trả hằng tháng.
“Khi rừng được 5 năm tuổi, gia đình bất đắc dĩ phải bán với giá rẻ từ 50 - 70 triệu đồng/ha. Tôi vẫn biết nếu để rừng thêm vài năm nữa, giá trị sẽ tăng lên nhiều lần nhưng phải bán để có tiền trả nợ ngân hàng và trang trải đời sống” - ông Biển bộc bạch.
Ông Huỳnh Đức Viên - Phó Chủ tịch HĐND huyện Hiệp Đức cho biết, mỗi hộ nông dân có vài héc ta mà vận động họ trồng rừng gỗ lớn, hay chuyển hóa từ chu kỳ 5 - 7 năm kéo dài tối thiểu 10 năm không hề là chuyện đơn giản, bởi các sinh kế khác ngoài rừng ở miền núi thường bấp bênh. Không phải người trồng không biết tính toán giá trị kinh tế trên đơn vị diện tích trồng rừng gỗ lớn, nhưng mấu chốt là họ không có nguồn thu ổn định khác.
Điều làm các địa phương có thế mạnh kinh tế rừng và doanh nghiệp băn khoăn là cơn bão số 9 năm 2020 vừa qua làm đổ gãy nhiều rừng keo có đường kính lớn lẫn nhỏ. Nhà nước mới có chủ trương trồng rừng gỗ lớn, “hạch toán” kinh tế chỉ mới trên lý thuyết chứ chưa có cơ sở đúc kết thực tiễn. Khu vực miền núi phần lớn người dân trồng rừng manh mún, nhỏ lẻ do quỹ đất hạn hẹp và vốn đầu tư thấp.
Miền Trung thường bị tổn thương trực tiếp do thiên tai, chỉ cần một cơn bão quét qua, hay xảy ra một vụ cháy rừng là không ít chủ rừng lâm cảnh nợ nần. Đây là một trong những nguyên nhân làm cho người dân chưa thiết tha với việc trồng rừng gỗ lớn có chu kỳ dài. Như vậy, chuyện đồng bào dân tộc thiểu số không dám mạo hiểm trồng rừng chu kỳ ít nhất 10 năm, một mặt nằm ở chỗ đời sống vùng miền núi còn khó khăn, mặt khác chính sách bảo hiểm rủi ro cho người trồng cây lâm nghiệp đến nay hầu như chưa có.
Cải thiện sinh kế ngoài gỗ
Nhiều chính sách, chương trình, dự án giúp người dân phát triển kinh tế, hưởng lợi từ rừng đã được triển khai ở các huyện miền núi. Ngành nông nghiệp thống kê, có hơn 30.000 hộ được hưởng lợi thông qua công tác giao khoán bảo vệ rừng, phát triển rừng, phát triển các sản phẩm lâm sản ngoài gỗ.
Cụ thể, chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, giao khoán rừng theo Nghị định 75 năm 2015 của Chính phủ, Quyết định số 38 của Thủ tướng Chính phủ đã giao khoán bảo vệ rừng cho khoảng 22.000 hộ. Dự án KfW10 (bảo vệ và quản lý tổng hợp các hệ sinh thái rừng ở các tỉnh Quảng Nam, Kon Tum và Gia Lai) hỗ trợ sinh kế cho 2.500 hộ thông qua các hoạt động bảo vệ rừng, xây dựng các công trình cộng đồng; dự án hỗ trợ sinh kế (con giống, cây giống) cho 86 thôn tại vùng đệm các khu rừng đặc dụng theo Quyết định số 24, năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ.
Nhiều năm qua, miền núi đẩy mạnh khai thác tiềm năng của lâm sản ngoài gỗ để tránh tình trạng người dân phụ thuộc quá lớn vào rừng tự nhiên lẫn rừng sản xuất. Hiệp hội Xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam (Vietcraft) và dự án Trường Sơn xanh do Cơ quan Hợp tác quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ giúp người dân các huyện Đông Giang, Nam Giang, Tây Giang, Núi Thành, Phước Sơn cải thiện sinh kế thông qua phát triển chuỗi giá trị mây tre đan và cây dược liệu. Các sản phẩm ngoài gỗ này thường có giá trị thương mại thấp, tự cung tự cấp là chính nhưng qua cách “tiếp thị” bài bản của Vietcraft, nhiều mặt hàng lâm sản bản địa trở nên có giá trị hơn.
Ông Lê Bá Ngọc, Phó Chủ tịch VietCraft khẳng định, dự án giúp giảm áp lực lên rừng tự nhiên, phát triển mạnh lâm sản phụ ngoài gỗ, thay đổi tư duy làm ăn, mở rộng vào lĩnh vực dịch vụ hơn là phụ thuộc vào rừng. Đến nay, VietCraft cùng một số tổ chức hỗ trợ cho hơn 2.500 người dân Cơ Tu phục hồi làng nghề đan lát truyền thống...
Khai thác tiềm năng lâm sản ngoài gỗ
Theo TS. Phan Văn Thắng (Trung tâm Nghiên cứu lâm sản ngoài gỗ), Quảng Nam có nguồn tài nguyên lâm sản ngoài gỗ đa dạng bậc nhất Việt Nam, điển hình với 1.129 loài thực vật bậc cao đã có tới 832 loài cây lâm sản ngoài gỗ làm dược liệu (theo công bố của Bộ Y tế năm 2017) và hàng chục loại lâm sản ngoài gỗ cho các sản phẩm về tinh dầu, lương thực, thực phẩm… Có tới 20-30 loài có tiềm năng khai thác, sử dụng và thương mại phổ biến.
Lâm sản ngoài gỗ được coi là lĩnh vực có vị trí quan trọng trong cơ cấu thu nhập hộ gia đình (chiếm 20-25% tổng thu nhập của hộ gia đình), đặc biệt là một trong những phân ngành có vai trò đáng kể để nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, đóng góp vào tăng trưởng của địa phương. Tuy nhiên, những đóng góp của phân ngành lâm sản ngoài gỗ trên địa bàn các huyện miền núi của Quảng Nam chưa tương xứng với tiềm năng, thu nhập từ lâm sản ngoài gỗ của người dân còn thấp. Hầu hết lâm sản ngoài gỗ được sản xuất ra chủ yếu xuất khẩu ở dạng thô (như vỏ quế xuất khẩu sang Úc), các mặt hàng khác như dược liệu xuất khẩu sang Trung Quốc theo đường tiểu ngạch, giá thấp. Lượng tiêu thụ trong nước chỉ chiếm 10-15% tổng sản lượng, tập trung chủ yếu vào nhóm sản phẩm lâm sản ngoài gỗ làm thực phẩm.
Vì vậy, Quảng Nam cần có chiến lược phát triển lâm sản ngoài gỗ dưới tán rừng tự nhiên và rừng phòng hộ, rừng sản xuất, nhất là sản phẩm có thế mạnh của Quảng Nam như sâm Ngọc Linh và quế Trà My. Cùng với đó, là các giải pháp ngắn hạn và dài hạn như hình thành các vùng sản xuất lâm sản ngoài gỗ với quy mô hợp lý; tăng cường ứng dụng công nghệ, thiết bị tiên tiến trong thu hái và chế biến sản phẩm lâm sản ngoài gỗ; cải thiện năng suất, chất lượng sản phẩm; quảng bá thị trường; xây dựng thương hiệu; xây dựng mối liên kết giữa doanh nghiệp chế biến và người sản xuất nguyên liệu theo hướng liên kết chuỗi; xây dựng cơ sở dữ liệu về sản xuất, lưu thông, tiêu thụ lâm sản ngoài gỗ; cải thiện các mối quan hệ thương mại để nâng cao giá trị hàng xuất khẩu… BTV (lược ghi)