Mở rộng không gian tập hợp văn nghệ sĩ

BẢO ANH 16/07/2023 08:03

Việc số lượng hội viên tăng quá chậm, thậm chí có lúc có nơi còn sụt giảm là điều cần phải suy nghĩ - nhất là khi yêu cầu “mở rộng phạm vi và tăng cường tập hợp văn nghệ sĩ” luôn được đặt ra...

Kết nối, chia sẻ, kích thích niềm đam mê VHNT cho công chúng là bước đệm cần thiết để tạo nguồn phát triển hội viên trong dài hạn. TRONG ẢNH: Họa sĩ Nguyễn Dũng giới thiệu cho người xem về một số tác phẩm của Chi hội Mỹ thuật Quảng Nam. Ảnh: B.A
Kết nối, chia sẻ, kích thích niềm đam mê VHNT cho công chúng là bước đệm cần thiết để tạo nguồn phát triển hội viên trong dài hạn. TRONG ẢNH: Họa sĩ Nguyễn Dũng giới thiệu cho người xem về một số tác phẩm của Chi hội Mỹ thuật Quảng Nam. Ảnh: B.A

Những chuyển động chậm

Kể từ sau Đại hội Chi hội nhiệm kỳ 2019 - 2024 diễn ra hồi tháng 5/2019 đến nay, Chi hội Văn nghệ dân gian Quảng Nam đã 4 lần tổ chức xét chọn và kết nạp hội viên (HV) mới. Thống kê đến hết tháng 6/2023, tổng số HV của chi hội này đã tăng hơn gấp đôi, từ 10 lên 21; trở thành chi hội có tốc độ phát triển HV nhanh nhất ở Hội VHNT tỉnh.

Theo nhà nghiên cứu Trần Văn An - Chi hội trưởng Chi hội Văn nghệ dân gian, dư địa cho phát triển HV của chi hội còn khá lớn và nếu không có thay đổi nào về tiêu chí kết nạp thì trong vài năm tới, số lượng HV của chuyên ngành này vẫn sẽ duy trì ở mức đó hoặc cao hơn.

Nhưng đó chỉ là câu chuyện của riêng Chi hội Văn nghệ dân gian - một chi hội còn khá “trẻ” của Hội VHNT Quảng Nam. Sự gia tăng số lượng HV ở hầu hết chi hội còn lại đều chậm, thậm chí có trường hợp giẫm chân tại chỗ hoặc thụt lùi.

Như ở chi hội có quy mô lớn nhất của Hội VHNT tỉnh là Chi hội Văn học, mặc dù năm nào cũng tổ chức xét chọn và kết nạp HV mới nhưng kể từ Đại hội Chi hội lần thứ IX (tháng 5/2019) đến nay, số HV của chi hội chỉ tăng thêm 4 người: từ 71 lên 75.

Ở các chi hội Âm nhạc, VHNT các dân tộc thiểu số - miền núi, Nhiếp ảnh - vốn là các chuyên ngành từng có tốc độ phát triển lực lượng rất tốt, nhân tố VHNT tiềm năng dồi dào, nhưng 4 năm qua mỗi chi hội chỉ tăng thêm 1 HV. Cá biệt, ở Chi hội Mỹ thuật vào thời điểm cuối năm 2019 tổng số HV là 38 thì đến nay chỉ còn 35; Chi hội Sân khấu từ 32 HV giảm xuống còn 28 HV...

Theo đại diện ban điều hành một số chi hội, sở dĩ số HV tăng chậm, thấp hơn mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội đề ra, là vì số người có khả năng sáng tác và có nguyện vọng gia nhập hội không còn nhiều như trước.

Trong khi đó, do yêu cầu nâng cao chất lượng HV, xóa bỏ tình trạng vào hội cho vui theo kiểu “đánh trống ghi tên” nên các chi hội buộc phải vừa “siết chặt” đầu vào vừa kiên quyết cho thôi sinh hoạt đối với các HV không còn sáng tác hoặc thiếu gắn bó với hội.

Ngoài ra, nguyên nhân quan trọng khác khiến cho sự gia tăng số lượng HV nói chung không đạt được như ý muốn là việc một số HV thay đổi nơi cư trú nên xin chuyển sinh hoạt về địa phương khác hoặc HV qua đời.

Từng có chi hội, có thời điểm tổng số HV qua đời và chuyển đi nhiều hơn tổng số HV được kết nạp mới. Bởi vậy, theo thống kê của Ban Công tác HV - Hội VHNT tỉnh, trong 4 năm qua mặc dù toàn hội kết nạp gần 30 HV mới nhưng tính đến nay tổng số HV chỉ tăng thêm 10 người.

Đôi điều cần suy nghĩ

Với một vùng đất giàu tiềm năng và có bề dày truyền thống về VHNT như Quảng Nam mà mỗi năm chỉ kết nạp thêm không quá 10 người vào hội có thể nói là quá ít. Nguyên nhân đầu tiên được đưa ra là “thiếu nguồn”, mà câu chuyện nhà văn Lê Trâm - Chi hội trưởng Chi hội Văn học, đưa ra sau đây là ví dụ.

Ông kể, không ít lần, chi hội phát hiện một số học sinh phổ thông có khả năng sáng tác khá tốt, có thể “nuôi dưỡng” để kết nạp vào hội. Tuy nhiên, hầu hết trong số này khi vào đại học thì chuyển hướng, không quan tâm đến văn nghệ nữa, hoặc vẫn tiếp tục theo đuổi việc sáng tác nhưng lại chuyển đến định cư ở các thành phố lớn.

Câu chuyện nhà văn Lê Trâm nêu ra mới chỉ là một ví dụ từ môi trường học đường - nơi được xem là mảnh đất thuận lợi để phát hiện, ươm trồng các nhân tố tiềm năng VHNT. Trong thực tế, có một số người đam mê VHNT và sáng tác khá nhiều, song đến nay họ vẫn đứng ngoài hội chỉ vì “không được người của hội rủ rê”. Số khác thì không mặn mà lắm với việc gia nhập hội, vì ngại phải đi vào khuôn khổ, vì không rõ mình sẽ “được” gì nếu trở thành hội viên...

Một ủy viên Ban Chấp hành Hội VHNT tỉnh nêu vấn đề: “Điều quan trọng là chúng ta đã thật sự tìm kiếm, phát hiện, kết nối, động viên những người có năng lực sáng tác và đam mê VHNT ở ngoài hội để họ hiểu về hội, nhận ra sức hấp dẫn của hội và có mong muốn vào hội hay chưa?”.

Trong khi đó, cũng có ý kiến cho rằng tiêu chuẩn kết nạp HV mà Hội VHNT Quảng Nam đang áp dụng là “hơi cao và khắt khe”, và đó cũng chính là một trong các nguyên nhân khiến cho việc phát triển đội ngũ HV của hội bị chậm lại.

Để phá dỡ “rào cản” này, nhiều người cho rằng cần xây dựng lại bộ tiêu chí mới, linh hoạt hơn, vừa đảm bảo chất lượng đầu vào vừa đáp ứng được yêu cầu mở rộng tập hợp những người có năng khiếu, có khả năng sáng tác VHNT vào hội.

Chẳng hạn, với những nhân tố mới có nguyện vọng vào hội, thay vì chờ họ nỗ lực đạt chuẩn mới kết nạp thì có thể xem xét kết nạp sớm hơn - như một cách để khuyến khích, động viên họ tiếp tục phấn đấu hoàn thiện mình...

Để đánh giá tầm vóc của hội VHNT địa phương, trước hết phải nhìn vào chất lượng đội ngũ HV thông qua biểu hiện sinh động nhất là số lượng tác phẩm thật sự có giá trị mà họ sáng tạo ra và đem đến cho công chúng. Số lượng HV nhiều hay ít không phải là tiêu chí đánh giá và cũng không thể hiện được một cách chính xác sự “mạnh” hay “yếu” của một tổ chức hội rất đặc thù như hội VHNT.

Tuy nhiên, trước yêu cầu “tiếp tục mở rộng phạm vi và tăng cường tập hợp văn nghệ sĩ”, việc đẩy mạnh công tác kết nạp HV mới, gia tăng số lượng văn nghệ sĩ trong tổ chức hội VHNT, đảm bảo sự kế thừa và phát triển của hội... là việc không thể không làm.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Mở rộng không gian tập hợp văn nghệ sĩ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO