Mở rộng những vườn rau an toàn

HOÀNG LIÊN - PHÚC HOÀNG 13/03/2014 12:47

Gần đây, hàng loạt mô hình sản xuất rau an toàn được triển khai ở các huyện như: Nam Trà My, Bắc Trà My, Điện Bàn, Thăng Bình, Quế Sơn… đã tạo điều kiện cho nông dân tiếp cận kỹ thuật  mới.

Mới đây, dự án “Xây dựng mô hình sử dụng phân hữu cơ vi sinh chức năng để trồng rau sạch kết hợp nhà lưới tại huyện Bắc Trà My” được nghiệm thu giai đoạn 1. Hai gia đình ông Nguyễn Tam Thọ và bà Nguyễn Thị Nhung (thôn 4, Trà Cang, Bắc Trà My) triển khai dự án trên diện tích 3.000m2, trong đó mô hình trồng rau trong nhà lưới chiếm 300m2. Có 8 loại rau sạch gồm: cải xanh, xà lách, bồ ngót, húng quế, mồng tơi, cần tây, mướp đắng và dưa leo được gieo trồng. vụ rau đầu tiên cho năng suất cao gấp nhiều lần so với đối chứng. “So với những luống rau khác, những luống rau bón phân vi sinh hữu cơ này phát triển rất tốt, rau xanh mướt, đồng thời ít bị sâu bệnh” -  ông Nguyễn Tam Thọ cho biết. “Chúng tôi sẽ tiếp tục đầu tư phát triển, chọn nhân rộng mô hình trong dân để mở rộng diện tích, bố trí sản xuất tại những vùng gần chợ để dễ tiêu thụ” - ông Nguyễn Nhuần, Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My nói.

Tưới rau bằng hệ thống phun sương.                                                                                                                                                              ảnh: Hoàng Liên
Tưới rau bằng hệ thống phun sương. Ảnh: Hoàng Liên

Mô hình sản xuất rau an toàn trong nhà lưới và ngoài tự nhiên sử dụng phân hữu cơ vi sinh chức năng đã tạo cơ hội cho nông dân miền núi tiếp cận, làm quen với công nghệ mới. Việc sử dụng phân vi sinh giảm thiểu tác hại cho sức khỏe, giảm ô nhiễm do thuốc bảo vệ thực vật, tạo sự an tâm cho người tiêu dùng khi tiếp cận với sản phẩm nông nghiệp sạch. Trồng rau trong nhà lưới giúp điều chỉnh được ánh sáng, nhiệt độ trong mùa nắng gắt, rau cũng sẽ không bị hư hại, dập nát trong mùa mưa, lại chống được ong, côn trùng gây hại. Mùa nắng, hệ thống tưới phun sương sẽ giúp tưới tự động, đảm bảo độ ẩm để rau phát triển…

Dự án “Ứng dụng công nghệ sinh học để sản xuất phân hữu cơ vi sinh tại chỗ bón cho cây rau bản địa (rau lủi, rau dớn và rau cần ta) tại huyện Nam Trà My” hứa hẹn là hướng đi mới giúp bà con thoát nghèo. Theo ban chủ nhiệm dự án, rau lủi, rau dớn và rau cần ta là những loại rau bản địa miền núi đang được ưa chuộng trên thị trường. Tuy nhiên, sản lượng rau rừng có hạn do người dân chủ yếu hướng tới khai thác mà chưa chú trọng trồng thâm canh, phát triển sản lượng. Dự án triển khai trồng trên diện tích vườn 500m2, đầu tư lưới che, hệ thống tưới tự động và hỗ trợ phân bón vi sinh cho người dân. Ngoài ra, bà con còn được tập huấn về kỹ thuật trồng, chăm sóc rau trong nhà lưới, kỹ thuật làm phân vi sinh và bón cho cây trồng. Đáng mừng là mô hình đã nhận được sự hưởng ứng của đông đảo người dân. Bà con đã nhận thức được triển vọng phát triển sản xuất từ các giống rau rừng, không chỉ phục vụ bữa ăn hàng ngày mà còn có thể tạo thành sản phẩm hàng hóa.

Gia đình anh Hồ Thắng (thôn Khúc Lũy, xã Điện Minh, Điện Bàn) nhận được sự đầu tư, hỗ trợ mô hình sản xuất rau an toàn từ dự án với 4 loại rau được sản xuất gồm: mướp đắng, cải xanh, bồ ngót, mồng tơi được trồng trên diện tích 1.000m2. Không chỉ được hỗ trợ về mặt kỹ thuật trồng, kỹ thuật chế biến và bón phân vi sinh hữu cơ cho rau, hộ tham gia mô hình còn được đầu tư nhà lưới, hệ thống tưới phun sương. “Thu hoạch lứa rau đầu, tuy giá cả không cao nhưng năng suất và sản lượng có tăng lên so với kiểu làm truyền thống. Với đà này, dự kiến trên 200m2 diện tích, mướp đắng có thể cho thu hoạch từ 700-750kg. Với cải xanh, trên diện tích 350m2, từ nay đến thời điểm kết thúc mô hình, chúng tôi sẽ thu nhập từ 1 - 1,4 tấn rau…” - anh Hồ Thắng nói. Tại buổi hội thảo đầu bờ được tổ chức mới đây, ông Trần Văn Quang - Phó Trưởng phòng Kinh tế hạ tầng huyện Điện Bàn chia sẻ: “Có thể nói, kết quả ban đầu của dự án là khá tốt, bà con rất hưởng ứng. Tuy nhiên, việc nhân rộng mô hình cũng cần tính đến yếu tố thị trường, đầu ra cho nông sản”.

Ông Phan Văn Phu - Giám đốc Trung tâm Ứng dụng & thông tin KH-CN cho hay: “Với phương thức cầm tay chỉ việc, các dự án trên tạo sự gắn kết giữa nhà khoa học và nhà nông. Từ những kết quả đạt được, việc nhân rộng mô hình góp phần xóa đói giảm nghèo cho người dân, nhất là khu vực miền núi là cấp thiết. Để sản phẩm bà con làm ra trở thành sản phẩm hàng hóa, bên cạnh sự hỗ trợ về cơ sở vật chất, kỹ thuật từ dự án, địa phương cần bố trí vùng sản xuất rau sạch, chú trọng đào tạo kỹ thuật, tiến tới đăng ký cấp chứng nhận cho những diện tích đảm bảo điều kiện tiêu chuẩn an toàn”.

HOÀNG LIÊN - PHÚC HOÀNG

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Mở rộng những vườn rau an toàn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO