Mở rộng quan hệ đối tác với tổ chức phi chính phủ nước ngoài: Lợi ích cho cộng đồng

ALĂNG NGƯỚC 31/03/2021 08:25

Cùng với thu hút nguồn lực đầu tư theo định hướng của tỉnh, Quảng Nam đã và đang chú trọng mở rộng quan hệ đối tác với các tổ chức phi chính phủ nước ngoài (PCPNN), tiếp nhận các dự án, chương trình viện trợ một cách phù hợp và hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.

Mô hình canh tác lúa cải tiến SRI giúp nâng cao năng suất cây lúa nước ở vùng cao. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC
Mô hình canh tác lúa cải tiến SRI giúp nâng cao năng suất cây lúa nước ở vùng cao. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC

Tập trung lĩnh vực ưu tiên

Sở Ngoại vụ cho biết, năm 2020 Quảng Nam tiếp nhận 104 chương trình, dự án và phi dự án với tổng giá trị viện trợ hơn 6,36 triệu USD (tương đương 146,3 tỷ đồng), giảm gần 27,6% so với năm 2019 (giá trị viện trợ đạt gần 8,8 triệu USD, tương đương 202,1 tỷ đồng). Cũng trong năm 2020, giá trị cam kết viện trợ cho các chương trình, dự án đạt hơn 84,6 tỷ đồng. Hoạt động viện trợ chủ yếu được triển khai tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên như: y tế, giáo dục, NN&PTNT; giải quyết các vấn đề xã hội; giải quyết hậu quả chiến tranh, môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Hiện toàn tỉnh có 57 tổ chức PCPNN, các tổ chức, cá nhân người nước ngoài đến hoạt động hợp tác viện trợ và hỗ trợ những chương trình, dự án mới. Tuy nhiên, do tác động của đại dịch Covid-19 ảnh hưởng đến công tác PCPNN khiến giá trị viện trợ bị cắt giảm. Năm 2020 Quảng Nam chỉ cho phép 95 đoàn khách thuộc các tổ chức PCPNN, tổ chức quốc tế với 590 khách là các nhà tài trợ, chuyên gia, tình nguyện viên người nước ngoài đến hoạt động tài trợ, từ thiện xã hội, hỗ trợ kỹ năng sử dụng ngoại ngữ, khắc phục thiên tai...

Theo đánh giá, thời gian qua, mặc dù công tác PCPNN luôn được quan tâm nhưng việc tiếp nhận các dự án vẫn còn bộc lộ nhiều thiếu sót, nhất là ở các địa phương, tổ chức. Ngoài chưa quan tâm đúng mức việc bố trí nhân sự tham gia phối hợp với các tổ chức viện trợ trong thực hiện dự án, một số địa phương còn thiếu chủ động tiếp xúc, cung cấp thông tin cho các tổ chức tài trợ khiến việc vận động nguồn hỗ trợ gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, công tác đàm phán, tham gia ký kết các thỏa thuận viện trợ đối với một số chương trình, dự án viện trợ còn chưa sát thực tế của từng địa phương; còn thiếu sự phối hợp giữa các tổ chức PCPNN khi thực hiện chương trình, dự án cùng chung lĩnh vực trên một địa bàn dẫn đến lãng phí nguồn lực…

Để khắc phục tình trạng này, thời gian tới, ngoài triển khai hiệu quả chương trình tăng cường hợp tác và vận động viện trợ PCPNN giai đoạn 2021 - 2025, Quảng Nam tiếp tục phối hợp với cơ quan trung ương xây dựng kế hoạch và tổ chức hoạt động xúc tiến vận động viện trợ từ các tổ chức viện trợ; đồng thời mở rộng quan hệ đối tác giữa các cơ quan, ban ngành, địa phương, đơn vị với các tổ chức PCPNN, nhất là các tổ chức nay mới đăng ký hoặc bổ sung địa bàn hoạt động tại Quảng Nam.

Đóng góp tích cực

Ông Văn Bá Sơn - Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ cho hay, giai đoạn 2016 - 2020, thông qua 511 chương trình, dự án và phi dự án, Quảng Nam tiếp nhận gần 38,5 triệu USD (tương đương hơn 865 tỷ đồng) giá trị viện trợ từ các tổ chức PCPNN. Các chương trình, dự án của tổ chức PCPNN thường có quy mô vừa và nhỏ, phù hợp với nhu cầu và khả năng tiếp cận của địa phương. Ngoài các khoản viện trợ thông qua chương trình, dự án đầu tư và hỗ trợ kỹ thuật, hằng năm Quảng Nam còn tiếp nhận nhiều khoản viện trợ phi dự án, thông qua chương trình tình nguyện viên, hỗ trợ của chuyên gia thuộc tổ chức PCPNN đến hoạt động nhân đạo...

“Nguồn vốn viện trợ từ các tổ chức PCPNN đã đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đáp ứng nhanh và đúng với yêu cầu thiết thực của địa phương” - ông Sơn nói.

Không chỉ tạo ra thu nhập, góp phần giảm nghèo cho nhiều cộng đồng, địa phương miền núi, các hoạt động dự án của tổ chức PCPNN còn tạo “dấu ấn” bằng chương trình hỗ trợ tín dụng, kỹ thuật sản xuất, cơ sở hạ tầng, quản lý tài nguyên; xây dựng năng lực và tiếp cận thị trường cho sản phẩm truyền thống, mang tính đặc sắc về văn hóa dân tộc thiểu số; chương trình phát triển hạ tầng nông thôn, trường học, trạm y tế... đóng góp tích cực cho phát triển cộng đồng, làm thay đổi cuộc sống của người dân miền núi.

“Ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, các tổ chức PCPNN còn có vai trò chia sẻ kinh nghiệm, phương pháp làm cũng như cách thức xây dựng các chương trình, dự án quốc gia, chính sách và khung pháp lý cho những vấn đề liên quan. Đồng thời thúc đẩy ngoại giao nhân dân, đóng vai trò cầu nối thông tin giữa Việt Nam nói chung và Quảng Nam nói riêng với các nước trên thế giới; được xem như một kênh thu hút vốn đầu tư, mở rộng quan hệ đối ngoại, tạo nguồn lực phát triển cho cộng đồng” - ông Sơn nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Mở rộng quan hệ đối tác với tổ chức phi chính phủ nước ngoài: Lợi ích cho cộng đồng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO