Cuối năm 2013, tuyến đường Tam Kỳ - Tam Thanh được quyết định đầu tư nâng cấp, mở rộng để thúc đẩy phát triển kinh tế và đáp ứng công tác cứu nạn, cứu hộ. Thế nhưng, vì vướng giải tỏa mặt bằng mà đường phải thi công “cắt khúc”.
Từ tháng 6.2014, tuyến đường Tam Kỳ - Tam Thanh được khởi công xây dựng, đến nay mới thảm nhựa vỏn vẹn 1km, nhưng nằm rải rác trên tuyến. Kiểu thi công “nhảy cóc” này ảnh hưởng đến sinh hoạt, đi lại của người dân sống dọc hai bên đường. Nhiều người dân địa phương than thở, khi trời mưa thì nước chảy thẳng vào nhà, gây ngập úng cục bộ do đường mới thảm nhựa chưa có hệ thống thoát nước; vào mùa nắng khói bụi bay mịt mù, mặt đường nham nhở ổ gà, ổ voi. Trên tuyến đường này có nhiều hộ dân thuộc phường An Phú và xã Tam Phú không chịu bàn giao mặt bằng thi công, trong khi đó chính quyền lúng túng khi giải quyết chính sách bồi thường (BT), tái định cư.
Một ngôi nhà tại phường An Phú chưa giải tỏa được. Ảnh: T.H |
Ông Ngô Đúng (ở khối phố Phú Phong, phường An Phú, TP.Tam Kỳ) cho biết, nhà ông bị thu hồi gần 200m2 đất ở nhưng chỉ được áp giá BT 500 nghìn đồng/m2. Còn ngay khu vực ngã ba Bà Tá, cách nhà ông chừng 500m (cũng thuộc phường An Phú), nhưng giá đất ở được BT lên đến hơn 1,5 triệu đồng/m2 nên ông không đồng ý bàn giao mặt bằng. “Cơ quan chức năng áp giá BT 500 nghìn đồng/m2 là quá thấp. Trong khi trên cùng một tuyến đường, có nơi lại áp giá cao gấp 3 lần. Giá mấy anh bên đơn vị BT đưa ra chỉ tạm thời chứ chưa chính thức nên tôi cũng chưa nhận tiền, bàn giao mặt bằng” - ông Đúng nói. Còn nhiều người dân sinh sống ở khu vực chưa thi công thảm nhựa cho rằng, gần một năm nay đường “đứng bánh”, mùa này dòng người đổ xô về bãi tắm đông đúc. Hậu quả là dân sống dọc ven đường thường xuyên hít khói bụi bẩn. Chủ một quán cháo vịt ở phường An Phú than phiền: “Đường loang lổ, bị phá nát nhưng vẫn chưa thấy đầu tư thảm nhựa. Thi công kiểu nửa vời này dân hưởng đủ tình trạng ô nhiễm”. Chính vì chưa bàn giao mặt bằng nên nhiều phương tiện, máy móc của nhà thầu “đắp chiếu” tại hiện trường.
Tại phường An Phú, thời điểm này còn 29 hộ chưa thống nhất nhận tiền bàn giao mặt bằng. Ban Quản lý các dự án đầu tư và xây dựng TP.Tam Kỳ là chủ đầu tư dự án ký hợp đồng với đơn vị tư vấn xây dựng giá BT theo từng khu vực. Theo đó, giá đất ở dự kiến đoạn từ đầu tuyến đến giáp xã Tam Phú là 1.150.000 đồng/m2; giá đất cụ thể ở trên địa bàn xã Tam Phú từ 890 nghìn đồng đến 1 triệu đồng/m2. Giải thích việc ì ạch thi công, ông Nguyễn Quang Tuấn – Giám đốc Ban Quản lý các dự án đầu tư xây dựng TP.Tam Kỳ cho biết, khó khăn là việc xây dựng giá BT rơi vào đúng thời điểm phải áp dụng Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực. UBND tỉnh có văn bản ủy quyền cho UBND các huyện, thành phố thuộc tỉnh xây dựng bảng giá BT, hỗ trợ cụ thể cho từng dự án. Hiện, đơn vị đã xây dựng bảng giá gửi Sở Tài nguyên – môi trường thẩm định. Giá BT mới chắc chắn sẽ cao hơn giá BT cũ.
Ngày 31.10.2013, UBND tỉnh có Quyết định số 3386 phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình nâng cấp, mở rộng tuyến đường Tam Kỳ - Tam Thanh gồm hạng mục nền, mặt đường và công trình (giai đoạn 1). Tổng vốn đầu tư dự án hơn 100 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng hơn 47,7 tỷ đồng; chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng hơn 35,8 tỷ đồng. |
Dự án mở rộng, nâng cấp tuyến Tam Kỳ - Tam Thanh đi qua phường An Phú và xã Tam Phú có 301 hộ dân bị ảnh hưởng, trong đó có 26 hộ bị giải tỏa trắng. Hiện nay đã có 130 hộ đồng ý nhận tiền bàn giao mặt bằng và đơn vị thi công đã thảm nhựa được hơn 1km, thi công nền đường được khoảng 0,2km. Theo ông Tuấn, nếu phương án giá mới được phê duyệt sớm thì cuối tháng 5 này sẽ giải tỏa xong mặt bằng phần còn lại để bàn giao cho nhà thầu thi công. Trong tháng 5, nhà thầu gần như không thể thi công được do địa phương chưa bàn giao mặt bằng. “Giải phóng mặt bằng chậm do phải chờ giá phê duyệt chính thức từ các cơ quan chức năng” – ông Tuấn nói.
Tuyến đường Tam Kỳ - Tam Thanh hoàn thành đưa vào sử dụng sẽ tạo điều kiện đi lại cho nhân dân và nhu cầu vận tải trong vùng, tăng cường khả năng liên kết phát triển vùng, đồng thời góp phần phục vụ kịp thời công tác cứu hộ, cứu nạn, phòng tránh và giảm nhẹ thiệt hại khi có thiên tai, bão lũ xảy ra. Tuy nhiên, với việc ách tắc giải tỏa mặt bằng và thực trạng thi công “cắt khúc” như hiện nay, không biết đến bao giờ dự án mới hoàn thành.
TRẦN HỮU