Mở rộng tuyến đường tránh lũ qua xã Đại Cường: Tạo sự đồng thuận từ nhân dân

CÔNG TÚ 13/10/2016 09:19

Bắt đầu từ bờ kè sông Vu Gia, một tuyến đường trục dọc tránh lũ qua xã Đại Cường đang được huyện Đại Lộc đầu tư mở rộng, để kết nối trục ngang ĐH3.ĐL mà tương lai là tỉnh lộ (ĐT) 610B nối dài.

Công trình đầu tư quy mô lớn so với các tuyến đường liên thôn khác tại Đại Lộc. Ảnh: CÔNG TÚ
Công trình đầu tư quy mô lớn so với các tuyến đường liên thôn khác tại Đại Lộc. Ảnh: CÔNG TÚ

Ước vọng sắp thành

Nguyên thủy trục dọc này đi qua địa bàn các thôn 8, 9, Ô Gia Nam, Ô Gia Bắc, Thanh Vân, Trang Điền và khớp nối với một trục đường liên xã khác đi về các xã Đại Chánh, Đại Thạnh, Đại Tân, Đại Thắng và ngược lại liên thông ĐH3.ĐL ra thị trấn Ái Nghĩa. Được xem là huyết mạch giao thông quan trọng, vậy nhưng mặt đường quá nhỏ, hư hỏng nặng nhiều đoạn khiến việc đi lại sản xuất, học tập, vận chuyển hàng hóa gặp khó khăn và mất an toàn. “Nước sông mới vừa dâng trên báo động 1, đoạn tuyến qua thôn 8, thôn 9 liền bị ngập, chia cắt với trung tâm xã. Hết lần này đến lần khác, nhân dân và cán bộ địa phương tha thiết bày tỏ nguyện vọng với cấp có thẩm quyền bố trí kinh phí đầu tư” - một người dân thôn 8 nói. Rồi tháng 6.2015, tuyến ĐH3.ĐL chính thức khởi công xây dựng với kinh phí hàng trăm tỷ đồng, nhưng người dân lại thấp thỏm  vì nền cung đường bắt đầu từ bờ kè sông Vu Gia vào cuối địa phận thôn Trang Điền vốn thấp, nay càng thấp hơn so với bề mặt trục cắt ngang ĐH3.ĐL. Người dân liên tục kiến nghị phải khắc phục tình trạng này, và tháng 3.2016, UBND huyện Đại Lộc ban hành quyết định phê duyệt báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư dự án.      


Song, công trình muốn thi công được thì phải có mặt bằng sạch theo quy mô mở rộng. Trong khi đó, nguồn vốn đầu tư cho dự án không có chi phí giải phóng mặt bằng, địa phương phải chịu trách nhiệm vận động người dân hiến đất. Phó Chủ tịch UBND xã Đại Cường - ông Nguyễn Ngọc Phương cho hay: “Chúng tôi đã tổ chức họp dân thông báo chủ trương, mời các hộ có liên quan đến rồi tiến hành tuyên truyền, vận động. Các đồng chí lão thành cách mạng cũng sốt sắng vào cuộc. Xác định đây là tuyến đường dân sinh hết sức quan trọng, xã nỗ lực giải thích cho bà con thấy sự cần thiết phải chung tay cùng Nhà nước thì ước vọng mới trở thành hiện thực”. Trên tinh thần tất cả vì lợi ích của người dân, suốt vài tháng qua, cả hệ thống chính trị ở Đại Cường đã vào cuộc vận động mọi người hiến đất sản xuất, đất vườn, đất ở. Riêng về cây cối, vật kiến trúc trên đất, xã đề nghị huyện Đại Lộc hỗ trợ kinh phí. Theo ông Đỗ Văn Hải - Trưởng ban nhân dân thôn Ô Gia Nam, chính quyền, hội đoàn thể phổ biến, tuyên truyền cho người dân thấu hiểu tuyến đường mở rộng hoàn thành thì bộ mặt nông thôn thêm khang trang, an toàn khi đi lại, dễ dàng cho công tác cứu hộ, cứu nạn, phù hợp quy hoạch xây dựng nông thôn mới. Đến thời điểm này, toàn thôn chỉ còn hộ bà Tôn Nữ Thị Bê là chưa đồng thuận bàn giao mặt bằng. Bà Bê cho rằng mép đường vào sâu đất ở gia đình mình tới 2m, trong khi chiều dọc của mảnh đất chỉ có 14m, rất khó cho việc xây dựng nhà cửa của đứa con trai. Tại thôn Trang Điền, hộ Nguyễn Ngạt cũng chưa chịu bàn giao mặt bằng, khi con ông yêu cầu hỗ trợ thêm chi phí xây dựng lại công trình vệ sinh, nâng mức bồi thường cây cối.

Cần sự chia sẻ

Ngoài 2 hộ vừa nêu, những gia đình còn lại bị ảnh hưởng bởi dự án đã đồng thuận với chủ trương chung. Theo thống kê của bộ phận địa chính xã, gần 5.000m2 đất lúa và 2.000m2 đất thổ cư hiện đã thông thoáng. Nhiều hộ hiến đất lúa lên tới hàng trăm mét vuông, điển hình như hộ bà Trương Thị Thiên hiến 450m2; không ít trường hợp tự nguyện hiến hàng chục mét vuông đất ở. Có mặt bằng, tận dụng thời tiết khô ráo, nhà thầu công trình đường tránh lũ từ kè sông Vu Gia đi thôn Trang Điền (xã Đại Cường) là Công ty TNHH Xây dựng Tâm Miền Trung tập trung nhân lực, thiết bị, nguyên vật liệu để thực hiện dự án. Hai mũi thi công đồng thời được triển khai. Mới khởi công ngày 27.8 vừa qua, doanh nghiệp đã đổ bê tông xi măng hoàn thành gần 1,5km. Theo ông Nguyễn Đình Hiền -  Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng Tâm Miền Trung, nếu thời tiết thuận lợi và tháo gỡ được “nút thắt” mặt bằng hộ bà Bê và ông Ngạt sẽ đẩy nhanh tiến độ xây dựng. Hợp đồng ký kết 6 tháng, nhưng nhà thầu phấn đấu đưa vào sử dụng trong năm nay. Nói về giải pháp khơi thông vị trí mặt bằng còn vướng, ông Nguyễn Ngọc Phương và ông Đỗ Văn Hải đều khẳng định, địa phương sẽ tiếp tục vận động tuyên truyền hai hộ đồng thuận hiến đất.

Có thể khẳng định, tuyến đường trục dọc qua trung tâm xã Đại Cường được mở rộng sẽ giải quyết nhiều vấn đề ở địa phương, phục vụ lại chính người dân. Hơn nữa, người dân cũng là đối tượng hưởng lợi về tinh thần và vật chất, nhất là giá đất ở sẽ tăng cao so với hiện tại. Nhiều người dân nhận xét, địa bàn Đại Lộc chưa có một tuyến đường liên thôn nào được đầu tư quy mô như dự án trên. Công trình có chiều dài hơn 2,658km, nền đường rộng 6,5m, trong đó lòng đường rộng 5m. Tổng mức đầu tư gần 8,5 tỷ đồng từ vốn ngân sách nhà nước và các nguồn hợp pháp khác. Trục dọc này khớp nối đồng bộ với ĐH3.ĐL mà theo quy hoạch sẽ trở thành ĐT610B nối dài, kết nối quốc lộ 1 với quốc lộ 14B (thông qua cầu Ông Đốc tương lai sẽ được xây dựng). Cho nên, dù nguồn lực còn nhiều khó khăn, cấp trên vẫn quan tâm bố trí kinh phí thực hiện là sự cố gắng rất lớn. “Tất nhiên, người dân chúng tôi cần thể hiện trách nhiệm, hy sinh để dự án mình khao khát bấy lâu nay chính thức được giải tỏa” - một hộ bị ảnh hưởng đất ở bày tỏ.

CÔNG TÚ

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Mở rộng tuyến đường tránh lũ qua xã Đại Cường: Tạo sự đồng thuận từ nhân dân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO