Mở rộng vùng chỉ dẫn địa lý "Ngọc Linh" cho sản phẩm sâm củ: Bảo hộ thương hiệu

HOÀNG LIÊN 07/05/2018 09:45

Việc nghiên cứu, mở rộng vùng bảo hộ chỉ dẫn địa lý (CDĐL) “Ngọc Linh” cho sản phẩm sâm củ, nâng giá trị và bảo hộ thương hiệu sản phẩm trên thị trường, tránh tình trạng giả mạo làm ảnh hưởng tới uy tín và chất lượng vùng sâm là nhiệm vụ cấp thiết.

Sản phẩm từ sâm Ngọc Linh ra thị trường. Ảnh: H.L
Sản phẩm từ sâm Ngọc Linh ra thị trường. Ảnh: H.L

Mở rộng vùng CDĐL

Ngày 16.8.2016, Cục Sở hữu trí tuệ ban hành Quyết định 3235 về việc cấp giấy Chứng nhận đăng ký CDĐL số 00049 cho sản phẩm sâm Ngọc Linh chung cho hai tỉnh Quảng Nam và Kon Tum (bao gồm xã Măng Ri và Ngọc Lei của Kon Tum và Trà Linh của Quảng Nam). Tuy nhiên, trên thực tế sâm Ngọc Linh được người dân phát hiện trong tự nhiên và trồng với phạm vi rộng hơn tại 6 xã Trà Nam, Trà Cang, Trà Tập, Trà Don, Trà Dơn, Trà Leng (Nam Trà My) và xã Phước Chánh (Phước Sơn), xã Ch’Ơm (Tây Giang). Những bất cập trong quản lý và phát triển CDĐL đã hiển hiện khi sản phẩm sâm Ngọc Linh từ nhiều vùng được thương mại hóa và gắn mác sâm Ngọc Linh. Nếu không có công cụ quản lý tốt thì tình trạng lạm dụng thương hiệu sâm Ngọc Linh gây ảnh hưởng tới uy tín, chất lượng vùng sâm được bảo hộ.

Từ những bất cập trên, Viện Thổ nhưỡng nông hóa (Viện KH-CN) đã tiến hành nghiên cứu về cơ sở khoa học và thực tiễn chứng minh tính đặc thù của sản phẩm sâm và yếu tố tự nhiên, con người quyết định đến đặc thù của sản phẩm sâm tại các vùng nghiên cứu đề nghị mở rộng phạm vi bảo hộ CDĐL “Ngọc Linh” trên địa bàn Quảng Nam. Đây là nghiên cứu cung cấp cơ sở khoa học và thực tiễn phục vụ đăng ký mở rộng phạm vi bảo hộ của CDĐL “Ngọc Linh” cho sản phẩm sâm củ và phát triển vùng trồng sâm Ngọc Linh theo quy hoạch của tỉnh. Theo đó, diện tích vùng trồng sâm được nhóm nghiên cứu đề xuất mở rộng phạm vi bảo hộ CDĐL là 11.789,16ha, bao gồm diện tích đã được bảo hộ hơn 2.855ha thuộc xã Trà Linh và diện tích đề xuất tiếp tục mở rộng gồm 8.933,6ha thuộc 6 xã: Trà Nam, Trà Cang, Trà Tập, Trà Don, Trà Dơn, Trà Leng (Nam Trà My), vốn nằm trong quy hoạch bảo tồn và phát triển vùng trồng sâm của tỉnh. Còn theo TS.Lương Đức Toàn - Viện Thổ nhưỡng nông hóa, diện tích đăng ký mở rộng phạm vi bảo hộ CDĐL “Ngọc Linh” cho sản phẩm sâm củ phải đảm bảo các điều kiện quy định. Đó là  tính đặc thù của sản phẩm sâm (hình thái, chất lượng), đặc thù về điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng, khí hậu, tập quán canh tác của con người quyết định tính đặc thù của sản phẩm sâm…

Bảo hộ vùng sâm gốc

TS.Nguyễn Quang Hải - Phó Viện trưởng Viện Thổ nhưỡng nông hóa cho rằng, đến nay cơ bản tỉnh, trung ương, địa phương đã thống nhất được phạm vi mở rộng của CDĐL “Ngọc Linh” cho sản phẩm sâm củ theo đề xuất của Viện Thổ nhưỡng nông hóa. Phạm vi mở rộng CDĐL cũng phù hợp với Quy hoạch bảo tồn và phát triển cây sâm Ngọc Linh của tỉnh Quảng Nam. “Cây sâm Ngọc Linh có khả năng mở rộng ra 7 xã thuộc huyện Nam Trà My vì bản thân ở những xã này vốn đã có cây sâm mọc và lâu nay người dân vẫn có trồng, tuy chưa nhiều. Song với những vùng sâm di thực tại Tây Giang, Phước Sơn, cần có sự đánh giá kỹ càng, cần có sự tác động đến quy trình canh tác để thích ứng, đảm bảo chất lượng sâm như vùng được bảo hộ CDĐL” - TS.Hải nói.

Ông Hồ Văn Thể - Phó Chủ tịch UBND xã Trà Linh cho biết, xã Trà Linh hiện có 4/4 thôn, trong 2.600 hộ dân có 2.300 hộ trồng sâm, với 150.000 cây giống, còn 300 hộ còn lại chưa trồng vì chưa có đất, cây giống. Cũng theo ông Thể, việc mở rộng vùng bảo hộ ra 7 xã góp phần bảo vệ quyền lợi cho bà con nhân dân 7 xã khi sâm Ngọc Linh trở thành sản phẩm quốc gia là hết sức quan trọng. Việc làm này giúp bảo vệ thương hiệu sản phẩm tốt hơn, tạo điều kiện cho bà con thoát nghèo bền vững và làm giàu chính đáng, góp phần bảo vệ rừng tốt hơn. Về phía xã, sẽ tích cực vận động nhân dân không nên bán sâm non có độ tuổi từ 3 năm tuổi tới 5 năm tuổi, mà chỉ bán khi 6 năm tuổi trở lên… Ông Hồ Quang Bửu - Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My cho rằng, có nhiều lý do để mở rộng vùng CDĐL. Cây sâm tự nhiên vốn đã có ở 7 xã này, việc mở rộng CDĐL sẽ phát triển được nhiều sản phẩm sâm gốc trên thị trường, giúp người dân thoát nghèo bền vững. CDĐL được mở rộng thì người dân tham gia trồng sâm nhiều hơn, không những phát triển kinh tế mà còn bảo vệ rừng tốt hơn. Việc mở rộng CDĐL cũng giải quyết những bất cập trong quản lý và phát triển CDĐL “Ngọc Linh” đã được bảo hộ, nếu không có công cụ quản lý tốt về CDĐL thì nguy cơ CDĐL cho sản phẩm sâm củ sẽ bị lạm dụng, gây ảnh hưởng tới quá trình trồng và kinh doanh sản phẩm tại những vùng được bảo hộ. “Dù huyện đẩy mạnh tuyên truyền, yêu cầu từng hộ trồng sâm làm cam kết không được trồng cây sâm lạ, song vẫn chưa đủ nếu không triển khai các biện pháp khoa học kỹ thuật vào vùng sâm. CDĐL và việc mở rộng phạm vi vùng bảo hộ CDĐL là hình thức bảo hộ thương hiệu vùng sâm gốc. Để phát triển công nghiệp sâm, đề nghị nhà nước và các nhà khoa học cần ứng dụng công nghệ vào nghiên cứu tạo nguồn giống chuẩn, đầu tư di thực cây sâm Ngọc Linh tại những vùng có đặc thù tự nhiên tương đồng. Song cần phải quản lý chặt chẽ thông qua việc kiểm tra, kiểm định vùng sâm gốc, gắn tem lên sản phẩm, truy xuất nguồn gốc sản phẩm nhằm bảo vệ thương hiệu vùng sâm gốc để phân biệt với vùng sâm di thực” - ông Bửu nói.

HOÀNG LIÊN

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Mở rộng vùng chỉ dẫn địa lý "Ngọc Linh" cho sản phẩm sâm củ: Bảo hộ thương hiệu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO