Mở thị trường lao động Nhật Bản

DIỄM LỆ 15/03/2017 09:34

Khởi động năm 2017, xuất khẩu lao động (XKLĐ) của tỉnh đã có những tín hiệu vui khi thị trường Nhật Bản khởi sắc hơn. XKLĐ đang dần trở thành phong trào trong nhân dân.

Người lao động đăng ký thông tin tuyển dụng lao động đi xuất khẩu. Ảnh: D.L
Người lao động đăng ký thông tin tuyển dụng lao động đi xuất khẩu. Ảnh: D.L

Hăng hái đi XKLĐ

Chúng tôi gặp chị Thái Thị My Thi (sinh năm 1994, xã Tiên Cảnh, Tiên Phước) khi chị đang chuẩn bị hành trang lên đường vào TP.Hồ Chí Minh học tập trước khi đi XKLĐ. Trong phiên giao dịch việc làm đầu năm 2017, chị Thi đến Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh để tìm kiếm việc làm. Chị Thi học xong đại học ngành sư phạm vào năm 2016, nhưng xin việc làm không được. Chị đi tìm việc làm trái nghề, với hy vọng có được một công việc để có thu nhập trước mắt. Khi đến sàn giao dịch việc làm, tìm hiểu thông tin về XKLĐ, chị Thi thấy các công ty XKLĐ đều chọn thị trường Nhật Bản để tư vấn cho người lao động nên chị tìm hiểu kỹ. Thấy vừa ý, chị chọn Công ty Tocontap Sài Gòn để đăng ký sơ tuyển. Ngày 28.2, chị Thi sơ tuyển và đã trúng tuyển đơn hàng đi làm công việc đóng gói trong một công ty ở Nhật Bản. Chị Thi nói: “Chi phí đi XKLĐ gần 110 triệu đồng, lúc đầu tôi cũng do dự, sợ không đủ tiền đi. Về bàn bạc với gia đình, ai cũng ủng hộ cả tinh thần, tài chính để tôi đi làm nên sự quyết tâm được củng cố. Thiếu tiền thì gia đình có thể vay thêm để tôi được đi XKLĐ. Thực ra chi phí đi cao, nhưng thị trường Nhật Bản chất lượng cao, thu nhập tốt nên tôi sẽ cố gắng học hành, đi làm thật tốt. Thời gian đi làm bên đó hơn 4 năm, tôi tin sẽ có nguồn thu nhập ổn định, sau về lại có được một khoản tiết kiệm để làm gì đó, chứ nghề mình học giờ không xin việc được thì bôn ba mãi cũng vậy thôi”. Chị Thi sẽ nhập học ở Công ty Tocontap Sài Gòn trong tháng 3.2017, học xong chị sẽ được phỏng vấn nhận việc một lần nữa từ phía Nhật Bản, và chị sẽ lên đường để đi XKLĐ như mong ước.

Sau khi thực hiện xong nghĩa vụ quân sự đối với Tổ quốc, anh Hoàng Văn Nguyên (sinh năm 1995, thị trấn Trà My, Bắc Trà My) quay về quê và làm nghề thợ hồ. Tuổi còn trẻ, anh Nguyên mong muốn đi làm một nghề gì đó ổn định hơn. Khi đến với Trung tâm Dịch vụ việc làm, anh Nguyên được tư vấn nên đi XKLĐ vì đã có tay nghề thợ hồ, mà các công ty đang cần tuyển dụng lao động ngành xây dựng để đi làm việc ở Nhật Bản. Anh Nguyên cầm bộ hồ sơ đăng ký, rồi về bàn bạc với gia đình để tìm kiếm sự ủng hộ tài chính. Gia đình anh rất đồng thuận, nên quyết định góp sức giúp anh đi XKLĐ. Anh Nguyên cho hay: “Rất may là ngay lần đầu tiên đi tìm việc làm, tôi đã được tư vấn đúng hướng nên chọn con đường đi XKLĐ. Khi đi sơ tuyển, tôi cứ sợ sẽ rớt vì đã biết tiếng Nhật ra sao đâu mà thi. Nhưng không phải vậy, tôi có quyết tâm và có sức khỏe nên được chọn qua vòng sơ tuyển. Trong tháng tới, khi công ty thông báo lại ngày nhập học tôi sẽ vào TP.Hồ Chí Minh để học ở Công ty Tocontap Sài Gòn. Vô đó mới học tiếng Nhật nên tôi sẽ hết sức cố gắng để được đi XKLĐ sớm”.

Tập trung thị trường Nhật Bản

Ngay từ đầu năm 2017, Phòng XKLĐ Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh đã tổ chức tư vấn XKLĐ cho người lao động tại 7 điểm ở các huyện Núi Thành, Hiệp Đức, Tiên Phước. Còn tại Trung tâm Dịch vụ việc làm, Phòng XKLĐ luôn rộng cửa đón chào những lao động có mong muốn được đi XKLĐ, để họ được tư vấn chọn công ty, chọn thị trường tốt nhất đi làm việc. Thị trường Nhật Bản luôn là lựa chọn “số 1” mà người lao động chọn. Theo nhu cầu của người lao động, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh đã kết nối cùng các Công ty Hiteco, Tocontap Sài Gòn, Hải Phong giúp người lao động sơ tuyển để được đi XKLĐ. Các công ty trên khi có danh sách người lao động đăng ký đi XKLĐ do Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh kết nối, họ đều đến trực tiếp để phỏng vấn sơ tuyển lao động. Trong 3 tháng đầu năm, có khoảng 80 người đăng ký sơ tuyển đi XKLĐ; trong đó có 36 người (9 nữ) đã qua vòng sơ tuyển, hoàn thành hồ sơ khám sức khỏe gửi đến các công ty, đã và đang đợi ngày nhập học.

Ông Lê Tôn Tưởng - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh cho biết: “Khi chúng tôi đi tư vấn việc làm tại cơ sở, hầu như ai cũng quan tâm đến vấn đề XKLĐ. Có thể nói việc tuyên truyền mạnh mẽ cho XKLĐ nay đã đạt được kết quả, người dân biết đến nhiều hơn, quan tâm hơn khi thấy những người đi XKLĐ ở các thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc đều có nguồn thu nhập ổn định, khá lên, tạo dựng được sự nghiệp sau khi về lại quê hương. Lãnh đạo các huyện, thành phố, thị xã đã quan tâm hơn nhiều đối với công tác XKLĐ, xem đó là con đường giải quyết việc làm hiệu quả. Chẳng hạn như huyện Tiên Phước, đã giao chỉ tiêu XKLĐ về từng thôn, khối phố. Mỗi thôn, khối phố trong năm 2017 đặt mục tiêu tuyên truyền, vận động 1 người đi XKLĐ. Toàn huyện có 108 thôn, khối phố thì chỉ tiêu là 108 người. Sự vào cuộc mạnh mẽ này thực sự là động lực cho trung tâm mạnh dạn kết nối với các công ty XKLĐ, giúp đưa người lao động đi XKLĐ tốt hơn”.

Năm 2017, Trung tâm Dịch vụ việc làm sẽ chú trọng đến thị trường Nhật Bản để tư vấn, định hướng cho người lao động, kết nối các công ty XKLĐ đầy đủ cơ sở pháp lý trong việc đưa người lao động đi XKLĐ. Trong thời gian tới, dự kiến chương trình miễn phí đưa lao động đi làm việc ở Nhật Bản sẽ được Bộ LĐ-TB&XH giao cho Quảng Nam một số chỉ tiêu. Chương trình này được thực hiện sẽ giúp được người lao động có nhu cầu đi XKLĐ nhưng còn gặp khó khăn về tài chính được đi XKLĐ mà không tốn kém chi phí. Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh sẽ đi về cơ sở nhiều hơn nữa, đặc biệt là các huyện ở khu vực miền núi, nơi còn nhiều lao động, để tuyên truyền, tư vấn cho người lao động chọn con đường XKLĐ. Đồng thời với đó, những chuyến xe đưa người lao động cũng như những người có trách nhiệm ở địa phương sẽ được trung tâm phối hợp cùng các công ty XKLĐ tổ chức. Qua đó, người lao động trước khi quyết định đăng ký đi XKLĐ có được đầy đủ thông tin, tìm hiểu cụ thể điều kiện học hành và có quyết định đúng đắn nhất.

DIỄM LỆ

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Mở thị trường lao động Nhật Bản
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO