Mô típ mỹ nhân - tiểu nhân, một nhạo cợt của Kim Dung

NGUYỄN TẤN ÁI 06/01/2019 04:40

Hồng nhan hồ dễ tìm tri kỷ
Anh hùng bất quá mỹ nhân quan!

Điều cốt yếu làm nên những danh tác võ hiệp của Kim Dung không chỉ là sự kích thích của những chiêu thức võ công trác tuyệt hay những bí kíp độc công kỳ dị mà chính là ở chỗ mỗi sáng tạo của Kim Dung đều rất giàu ẩn ý, dù đôi lúc thoáng nhìn chỉ như là những cợt đùa. Một trong những đùa cợt một cách nghiêm chỉnh ấy là sự sáng tạo ra mô típ anh hùng - tiểu nhân trong Lộc Đỉnh ký: tao ngộ Vi Tiểu Bảo và Trần Viên Viên.

Minh họa: HIỂN TRÍ
Minh họa: HIỂN TRÍ

“Một hai nghiêng nước  nghiêng thành”

Trần Viên Viên xuất thân  từ một kỹ viện ở Tô Châu, nhan sắc cầm kỳ dậy cả một phương nên được tuyển vào chốn hậu cung của hoàng đế Sùng Trinh nhà Minh. Rất tiếc ông vua bất tài này ngay cả cái tài nịnh hót chiều chuộng mỹ nhân cũng không có nốt, số phận cùng danh tiếng Viên Viên cũng thăng hoa từ đó.

Viên Viên bị ban cho Ngô Tam Quế làm tỳ thiếp. Lý Tự Thành nghe danh Viên Viên, tiếc đời danh nữ lại vùi thân nơi mọi rợ nên dấy binh đánh đến kinh thành cướp lấy Viên Viên. Ngô Tam Quế mất ái thiếp, nổi giận đùng đùng liên kết với giặc Thanh từ quan ngoại đánh tới kinh thành, bức tử Sùng Trinh, cướp lại Trần Viên Viên.

Vậy là một Trung Quốc rộng lớn oai danh khiếp phục chư hầu trong phút chốc tan tành cũng bởi một  danh kỹ! Hai vua (Sùng Trinh là vua cuối nhà Minh, Lý Tự Thành sau cũng lên ngôi vua) một chúa (Bình Tây Vương Ngô Tam Quế) cũng vì nàng mà hành sự.

Nếu mục đích sống là để lại cái danh cho đời thì Viên Viên quả không uổng một đời sống trên dương thế.

Mà nếu trách thì trách các đấng quân vương binh quyền trong tay lại không biết giữ mình, để thân bại danh liệt chứ hoa phù dung nào tội tình gì. Mà xưa nay biết bao đấng bậc tài tình sau khi đoạt cho mình mọi công danh lại tình nguyện đánh đổi một khoảnh khắc cận kề cái đẹp, thế mới hay cái giá trị nhất trong đời lại là nhan sắc, dám khuyên không chỉ riêng các ngài tài tử mà ngay cả các nhà đạo đức chớ có coi thường!

Có lẽ cũng cảm cái oan tình nhi nữ mà tài tử Ngô Mai Thôn mới soạn thành Viên Viên khúc.

Mỹ nhân và tiểu nhân

Hồi kể chuyện tao ngộ Trần Viên Viên và Vi Tiểu Bảo trong Lộc Đỉnh ký thật hấp dẫn một cách hoạt kê, xin tham khảo một đoạn ngắn:

Trần Viên Viên nói: “Mời đại nhân ngồi”. Đợi Vi Tiểu Bảo ngồi xuống một tấm bồ đoàn xong, bước tới cạnh tường lấy chiếc đàn tỳ bà xuống, ôm vào trong tay, ngồi xuống tấm bồ đoàn kia, chỉ vào bức tự thư trên tường nói khẽ: “Đây là một bài thơ trường thiên của tài tử Ngô Mai Thôn viết cho tiện thiếp, gọi là Viên Viên khúc. Hôm nay có duyên, xin đàn một khúc cho đại nhân nghe, chỉ sợ làm rát tai người”.

Vi Tiểu Bảo cả mừng, nói “Hay lắm, hay lắm. Có điều bà hát vài câu thì phải giải thích một lượt, chứ loại tài tử rắm chó như ta học vấn rất tầm thường”.

Trần Viên Viên mỉm cười nói: “Đại nhân quá khiêm nhường rồi”, gẩy dây đàn một cái tinh tinh tang tang mấy tiếng, nói: “Khúc này lâu quá chưa đàn, nếu có sơ suất xin đừng trách”. Vi Tiểu Bảo nói: “Không cần khách khí. Nếu có đàn sai nhịp ta cũng không biết đâu”.

Vi Tiểu Bảo bản tính gian manh giảo hoạt vậy mà vừa gặp gỡ Viên Viên đã trở nên thật thà khí khái phô bày hết cái học vấn rắm chó của mình. Đủ thấy khi tao ngộ Viên Viên, Vi tước gia như được tái sinh. Đó phải chăng là chức năng thanh tẩy tâm hồn của cái đẹp?

Hay họ Vi cảm khái với xuất thân của Viên Viên mà nuôi lòng đồng bệnh tương lân?

Hay con người ta chỉ gian dối khi buộc lòng phải đối phó với môi trường gian manh để tìm cái sống mà lúc thoát khỏi sự kiềm tỏa của đời xung quanh thì cũng có thể trở về với bản lai diện mục của mình? Biết vậy để hiểu thêm ra rằng một khi ở đời còn quá nhiều kẻ lưu manh vô học thì chớ vội chửi người, chỉ là vì cái ô trọc mọc lên từ nền tảng xã hội đó thôi!

Điều đáng nói là Viên Viên một đời không luyến tiếc Hoàng đế Sùng Trinh, hết lừa Lý Tự Thành lại phản bội Ngô Tam Quế, vậy mà danh nữ ấy lại hết lòng tin cẩn nhờ cậy vào Vi Tiểu Bảo. Phải chăng trong lòng người tài nữ, địa vị họ Vi kia hơn hẳn một chúa hai vua? Kẻ tiểu lưu manh kia kỳ thực đã nhạo cợt tấm thịnh tình của hàng vương bá?

Kim Dung thật tài tình trong sáng tạo, tôi không hiểu từ nhất điểm linh khiếu nào mà ông dám đưa thêm vào danh sách những kẻ mê muội tài sắc Viên Viên một gã Vi Tiểu Bảo, như một nhạo cợt cái chính thống, như một biện minh cho mọi thói tật, như một mắng yêu cho một số phận.

Tôn trọng mô típ mỹ nhân - anh hùng truyền thống.
Sáng tạo một mô típ mỹ nhân - tiểu nhân.
Mà đố ai có đủ can đảm phán xét gặp gỡ nào mới thật là tao ngộ!

NGUYỄN TẤN ÁI

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Mô típ mỹ nhân - tiểu nhân, một nhạo cợt của Kim Dung
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO