(VHQN) - Mở tour đến vùng sâm không chỉ để bán sâm mà còn giúp du khách trải nghiệm cuộc sống của đồng bào nơi đại ngàn Ngọc Linh...
Phong tục, tập quán và lễ hội là một trong những nguồn tài nguyên du lịch độc đáo và là “hồn cốt” của một dân tộc hoặc một địa phương. Việc khai thác nguồn tài nguyên này kết hợp với tài nguyên sâm sẽ giúp Quảng Nam có thêm sản phẩm du lịch đặc thù thu hút khách.
Dựng câu chuyện về sâm
Trong phát biểu tại một hội thảo về sâm Ngọc Linh tổ chức tại TP.Tam Kỳ vào trung tuần tháng 8.2022, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc có gợi ý về việc xây dựng một câu chuyện kể về sâm Ngọc Linh.
Cũng tại hội thảo này, tôi có dịp hiếm hoi trò chuyện với dược sĩ Đào Kim Long - người đã có những nghiên cứu và công bố đầu tiên về cây sâm Ngọc Linh. Như lời ông, Quảng Nam hay Kon Tum đều phải có trách nhiệm gìn giữ, bảo tồn và phát triển cây sâm quý hiếm này.
Là người có nhiều năm tháng “nằm rừng” cùng những người dẫn đường là cư dân bản địa vùng núi Ngọc Linh, ông đã nghe kể nhiều câu chuyện thú vị có thật trong nhân dân về cây thuốc giấu chữa nhiều loại bệnh theo phương thuốc cổ truyền.
Dược sĩ Đào Kim Long nói: “Trước khi phát hiện những thành phần quý giá trong sâm Ngọc Linh thì cây thuốc giấu này đã được các đồng bào dân tộc thiểu số Trung Trung Bộ Việt Nam, đặc biệt là dân tộc Xê Đăng, sử dụng như một loại củ rừng, chữa nhiều loại bệnh.
Dựa trên những thông tin lưu truyền trong cộng đồng các dân tộc thiểu số Quảng Nam, Kon Tum về một loại củ quý hiếm trên núi Ngọc Linh có tác dụng tốt đối với sức khỏe con người, và do nhu cầu của kháng chiến đã khiến ngành dược khu Trung Trung Bộ quyết phải tìm ra cây sâm chi Panax tại miền Trung, mặc dù trước đó nhiều nhà khoa học cho rằng chi Panax chỉ có ở miền Bắc. Tôi đã cùng 3 cán bộ khác được Khu Y tế Trung Trung Bộ cử đi đến núi Ngọc Linh tìm loại cây thuốc giấu này vào năm 1973”.
9 giờ sáng ngày 19.3.1973 là thời điểm không thể nào quên đối với ông Long và đoàn nghiên cứu. Ở độ cao 1.800 mét so với mực nước biển, đoàn phát hiện hai cây sâm đầu tiên, ngay buổi chiều cùng ngày đã phát hiện một vùng sâm rộng lớn thuộc phía tây núi Ngọc Linh.
Sau thời gian nghiên cứu, dược sĩ Đào Kim Long xác định núi Ngọc Linh là quê hương của cây sâm đặc biệt quý hiếm này. Sau khi cây sâm ở núi Ngọc Linh được phát hiện, Khu ủy Khu 5 chỉ đạo Ban Dân y bí mật bảo vệ và khai thác, giao cho xưởng Dược Trung Trung Bộ chế biến làm thuốc phục vụ cán bộ, chiến sĩ và nhân dân, đồng thời gửi mẫu ra Bộ Y tế, Viện Dược liệu Hà Nội nghiên cứu...
Dưới chân núi Ngọc Linh, tục cúng thần sâm được cộng đồng thực hiện hàng năm. Những câu chuyện về cây thuốc giấu chữa bệnh vẫn được các già làng kể lại cho con cháu.
Tập hợp tất cả, xây dựng nên một truyền thuyết về sâm Ngọc Linh là điều hoàn toàn có thể. Đó không chỉ là những câu chuyện truyền đời cho con cháu, mà còn hướng đến kể cho du khách gần xa cùng nghe dưới tán rừng Ngọc Linh, phục vụ cho sự phát triển của du lịch vùng sâm.
Cùng với đó là những nét văn hóa đặc trưng của vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng núi Ngọc Linh được phô diễn phục vụ du khách. Tương lai về loại hình du lịch vùng sâm gắn kết từ những câu chuyện dân gian ở quá khứ đến sự phát triển hiện tại là điều mà những người con vùng núi Ngọc Linh kỳ vọng.
Hình thành cơ sở dịch vụ du lịch
Mở tour đến vùng sâm là định hướng được huyện Nam Trà My, xã Trà Linh đưa vào chương trình phát triển du lịch của huyện. “Định hình cơ bản mô hình phát triển du lịch của Nam Trà My với từng nét văn hóa, nét đặc trưng định vị rõ ràng, không trùng lặp với các địa phương khác” như định hướng của huyện Nam Trà My chính là ở cây sâm Ngọc Linh.
Ông Trần Duy Dũng - Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My nói: “Chúng tôi vẫn trông chờ có doanh nghiệp du lịch nào lớn mạnh, đủ tiềm lực kinh tế và điều kiện đưa du khách theo tour du lịch đến với Nam Trà My để khám phá, trải nghiệm theo đúng kiểu của đoàn khách du lịch.
Hiện nay khách chỉ mới tới mua sâm, tham quan thông qua các phiên chợ sâm đầu tháng. Các doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng đã đưa du khách đến với vùng sâm, dù còn nhỏ lẻ nhưng bước đầu cho du khách những trải nghiệm thú vị”.
Theo ông Hồ Văn Thể - Chủ tịch UBND xã Trà Linh, địa phương được du khách biết đến nhiều từ khi có sâm Ngọc Linh. Câu chuyện về sự đổi đời của làng dưới chân núi Ngọc Linh với những tỷ phú trồng sâm đã thôi thúc, thu hút du khách tìm đến. “Nhưng tiếc là khi du khách đến, họ chưa có nơi để lưu trú, chỉ đến và về trong ngày, hoặc có ở lại trong vườn sâm thì chỉ có người thật sự thân quen mới được cho ở lại qua đêm” - ông Thể nói.
Tín hiệu vui là tư duy của người dân đã thay đổi sau khi có sự giao thương với bên ngoài, cộng với sự tuyên truyền về định hướng phát triển du lịch của địa phương, nên một số gia đình bắt đầu xây dựng cơ sở dịch vụ lưu trú.
Ông Thể nói: “Thời gian tới, khi du khách đến với Trà Linh sẽ có chỗ lưu trú, có thể trải nghiệm nét đặc trưng văn hóa của bản làng qua ẩm thực, múa cồng chiêng, các trò chơi dân gian. Chúng tôi sẽ tiếp tục tuyên truyền để các hộ dân liên kết với nhau, tạo nên các cơ sở, tổ hợp tác, hợp tác xã... để làm du lịch bài bản hơn. Trà Linh hy vọng có thể làm du lịch trải nghiệm, du lịch cộng đồng được từ sức hút của cây sâm Ngọc Linh”.