(QNO) - Đã hơn 40 năm trôi qua, ước mơ cháy bỏng về một cây cầu nối liền đôi bờ Vu Gia để một ngày Đại Sơn thôi không còn cách trở cũng vẫn chỉ là mơ ước. Đến bao giờ người dân Đại Sơn mới hết khổ bởi cảnh đò đầy sông sâu?
Đại Sơn có 7 thôn thì có 3 thôn nằm gần vùng trung tâm xã, 4 thôn còn lại nằm bên kia dòng Vu Gia thăm thẳm, nhà cửa san sát đồi núi, tỷ lệ hộ nghèo ở đây vẫn còn ở mức cao. Tân Đợi, Đồng Chàm, Tam Hiệp, Đầu Gò, 4 thôn chỉ tròn trèm 300 hộ dân nhưng chỉ có vài chục hộ khá, còn lại đa phần là nghèo và cận nghèo, nhà cửa tạm bợ. Bên cạnh hạn chế về điều kiện, sinh kế thì yếu tố cách trở đã khiến đời sống nơi đây trải hơn 40 năm vẫn nghèo dai dẳng.
Học sinh chịu thiệt
Suốt 40 năm, người dân Đồng Chàm, Tam Hiệp và Đầu Gò mới vui mừng đón ánh điện về làng; đường bê tông giao thông nông thôn đã kéo dài từ Tân Đợi qua tới tận Tam Hiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân lưu thông, không còn cảnh lầy lội, bùn đất; điểm trường mẫu giáo, tiểu học cũng đã mọc lên tại Đồng Chàm. Có lẽ với người dân nghèo ở vùng từng nổi tiếng “5 không” một thời, đó là niềm vui sướng, hạnh phúc. Song, vẫn còn đó những trăn trở, mơ ước cháy lòng, rằng một ngày thôi không còn xa, Đại Sơn sẽ được nối liền bằng một nhịp cầu vui.
Học sinh thôn Đầu Gò gian nan vượt hai lần đò tìm con chữ. Ảnh: HOÀNG LIÊN |
Lòng sông của dòng Vu Gia nơi vùng tây Đại Lộc vốn không rộng vào mùa hạn, đặc biệt gần đây dưới sự can thiệp của thủy điện, mùa nắng hai bên bờ sông là cả dải cát trắng phau. Nhưng vào mùa mưa, lòng sông ở khu vực này lại rộng thênh thang và sâu thăm thẳm. Cảnh đò đầy, sông sâu cùng nỗi lo sợ cứ dày lên theo năm tháng, nhất là với trẻ con ở 4 thôn, sau khi học xong cấp 1 cũng lặn lội vượt sông qua vùng trung tâm xã tìm con chữ.
Sông nước vùng này từng xảy ra một vụ chìm xuồng, rất may không ảnh hưởng tới tính mạng, tài sản. Song, với bao bậc phụ huynh quanh năm suốt tháng cần mẫn với nương rẫy để kiếm kế sinh nhai, nỗi lo lắng về hiểm nguy luôn thường trực. Học trò vùng này qua lại bến sông mỗi ngày hai lần trên một chiếc phà độc nhất. Em Trần Khắc Luân (trú thôn Tân Đợi, học sinh lớp 7/2, Trường THCS Tây Sơn) tâm sự: “Hằng ngày, chúng em và các bạn ở 3 thôn còn lại đều phải đi học từ rất sớm để kịp giờ vào lớp. Mỗi tháng, chúng em mất 30-50.000 đồng tiền đi đò, đó là mức ưu đãi cho học sinh. Mùa nắng thì đi học dễ dàng hơn, nhưng vào mùa mưa, nước sông dâng cao thì chúng em phải nghỉ học vì không ai dám đưa đò. Trong khi trường vẫn dạy học bình thường, trừ khi có thông báo xã lũ”.
Nhìn khúc sông xanh rờn phía trước mặt, Luân cũng như bao đứa trẻ sống ở vùng cách trở tỏ bày, rằng mơ một ngày nào đó các em được tha hồ đạp xe từ nhà tới trường trên cây cầu bắc qua sông rộng, mong vùng quê này được đổi mới, không còn cảnh đợi đò...
Nỗi lo lắng về con đò chòng chành cứ dày lên, nhất là vào mùa mưa lũ. Ảnh: M.PHƯỜNG |
Đáng thương nhất là những em ở tận thôn Đầu Gò - “ốc đảo” của Đại Sơn, nằm biệt lập, trơ trọi, cách biệt với 6 thôn còn lại. Học sinh Đầu Gò đi học phải vượt hai chặng gian nan đợi đò, vượt sông. Để kịp giờ học, hằng ngày, các em từ lớp 6 tới lớp 9, phải thức dậy từ rất sớm để chuẩn bị quần áo, sách vở, dắt xe ra bến sông đợi đò, rồi vượt hết đò Đầu Gò qua tới thôn Tam Hiệp, rồi một lần nữa vượt đò Tân Đợi mới qua được đến trường học. Gian nan cứ dày lên theo từng con chữ. Dĩ nhiên, mùa nước lớn, học sinh thôn Đầu Gò cũng chẳng thể nào vượt sông đến lớp như bao bạn bè đồng trang lứa bên này. Cũng vì lẽ đó mà nhiều em ở vùng này không theo kịp bạn bè, nhiều em bỏ lại sự học dang dở, theo cha mẹ lên rẫy kiếm kế sinh nhai. “Mùa nước lớn có bạn ở nhờ nhà người quen để đi học, còn lại thì phải nghỉ học ở nhà vì không thể qua đò” - một học sinh Trường THCS Tây Sơn nói.
Chị Nguyễn Thị Nên (thôn Tân Đợi) có hai con theo học cấp hai tâm sự: “Có bữa thức dậy rất sớm để dọn hàng bán, thấy thương cho sắp nhỏ tí tuổi đầu đã dậy lúc 4, 5 giờ sáng gian nan vượt hai chặng đò đến lớp. Cho con đi học mùa nước lớn mà dạ không yên, dù gửi nhà người quen nhưng chẳng yên tâm chút nào. Mong có cây cầu để người dân và trẻ con bớt khổ”.
Sản xuất khó khăn
Không có đường, việc sản xuất, vận chuyển nông sản của người dân Đại Sơn cũng gian nan bội phần. Bà Lê Thị Thu Thủy (46 tuổi, thôn Hội Khách Đông) cũng như nhiều hộ dân mỗi ngày đều vượt đò giang qua bên này sông chăn nuôi, trồng trọt kiếm kế sinh nhai. Ngày nào cũng tốn 20.000 đồng hai chuyến đò đi làm rẫy, cuộc sống vốn khó lại càng thêm khó. “Mưa lũ khổ lắm! Đò không dám đưa, ngồi nhà lo lắng đàn heo, đàn bò bên này đói mà ngủ không được” - bà Thủy nói.
Đó là chưa kể lúc thu hoạch lúa, bắp, thay vì chỉ cần băng qua cây cầu là đưa nông sản tới nhà, thì người dân Đại Sơn phải góp tiền thuê xe vận chuyển từ khu vực thôn Tân Đợi, ra Khe Hoa, về phía cầu mới Đại Hồng, rồi lại vận chuyển ngược lên Đại Lãnh, qua khu vực Tượng đài chiến thắng Thượng Đức, về Đại Sơn, với chi phí và thời gian tốn gấp 3-4 lần trên thực tế. Ai cũng biết tính, song không còn con đường nào khác, cuộc đời người nông dân chỉ biết bám vào cây lúa, cây bắp, vào con bò, con heo để cải thiện sinh kế, nên đành chấp nhận tất cả.
Cây thơm trên rẫy từ đầu nguồn nơi Thác Cạn, Đầu Gò, để bán được, nông dân phải thuê người vận chuyển ra bến sông nơi thượng nguồn, theo đò dọc về tới bến Tân Đợi, rồi phải tốn công vận chuyển từ đò lên xe tải vượt quốc lộ 14B về xuôi. Xa xôi, cách trở, chi phí vận chuyển tốn kém, nông sản bị ép giá thê thảm, chưa kể tiết hạn, sông cạn, đò dọc vận chuyển khó, thơm bị ách lại, nông dân khóc ròng. Đêm hôm, người dân 4 thôn có việc cần đi lại hay cấp cứu người, phải thuê đò vượt sông đến trạm xá, hoặc chỉ còn cách thuê phương tiện theo quốc lộ 14B, về Đại Hồng với quãng đường dài thăm thẳm tới bệnh viện.
Khảo sát tìm phương án
Cho tới nay, đã có hàng chục đoàn khảo sát về Đại Sơn tìm hướng đầu tư cây cầu dân sinh bắc ngang sông. Dự án cầu treo từng được đề xuất nhiều năm nay cũng bất thành, những ý tưởng, kiến nghị, đề xuất cũng chìm theo năm tháng.
Đoàn khảo sát HĐND tỉnh đi thực tế tìm hướng đầu tư xây dựng cầu dân sinh Tân Đợi. Ảnh: HOÀNG LIÊN |
Ông Trần Văn Mai - Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc cho biết, dù đã có nhiều đoàn khảo sát và nhiều phương án được vạch ra, song chưa phương án nào khả thi. Phương án xây cầu treo cũng không khả thi nốt bởi lòng sông ở khu vực này có khẩu độ rất lớn, tới 270-280m, việc xây cầu treo hết sức khó khăn. Hơn nữa, nhu cầu đi lại, giao thương ở vùng này rất lớn nên cần thiết phải xây dựng cây cầu có kết cấu bê tông cốt thép kiên cố mới phát huy được hiệu quả trong thực tiễn và tạo động lực cho vùng tây Đại Lộc phát triển.
Tại đợt khảo sát tìm phương án đầu tư cầu dân sinh do HĐND tỉnh tổ chức cách đây không lâu, đại diện Sở GT-VT cho rằng, việc xây cầu Tân Đợi nối quốc lộ 14B và tỉnh lộ ĐT 609 sẽ tạo sự kết nối vùng, giúp vùng tây Đại Lộc phát triển, hơn nữa việc giao thương vùng Đại Lộc với vùng núi Nam Giang và TP.Đà Nẵng cũng sẽ được thuận lợi. Hai phương án đầu tư cầu Tân Đợi được lãnh đạo Sở GT-VT vạch ra. Một là cây cầu bê tông cốt thép dài 280m, thiết kế vượt đỉnh lũ, đủ hai làn đường để hai xe có thể tránh nhau, mỗi làn đường rộng 6m, có tổng giá trị đầu tư dự kiến 70 tỷ đồng. Hai là, cầu bê tông cốt thép vượt lũ có bề rộng 4,5m, có 1 nhịp giữa 7m để hai xe tránh nhau, có tổng giá trị đầu tư 55 tỷ đồng. Phương án thứ hai nhận được nhiều sự đồng tình từ đoàn khảo sát lẫn chính quyền, người dân địa phương. Song, để biến ý tưởng thiết kế trên giấy trở thành hiện thực ở vùng này, vẫn còn là con đường rất xa, chung quy lại cũng từ chuyện kinh phí. Cũng vì lẽ đó mà hơn 40 năm trôi qua kể từ sau ngày giải phóng, Đại Sơn vẫn còn bị chia cắt lãnh thổ, xã nghèo vẫn chưa thể chuyển mình bứt phá.
Thiết nghĩ, trước những vất vả, bức thiết từ đời sống, sinh hoạt cũng như những khó khăn về phát triển kinh tế của vùng, các cấp, ngành cần có nghiên cứu, có lộ trình đầu tư hợp lý để người dân vùng cách trở có cơ hội đổi đời.
H.LIÊN - B.LIỄU - M.PHƯỜNG